Anh Phạm Danh Khoa (SN 1967, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) chia sẻ, đã có lúc những công nhân như anh phải bật khóc trước sự vô tâm và lời lẽ của những người thiếu ý thức.
Vào nghề từ năm 1988, nếm trải nhiều vất vả tuy nhiên anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Anh chia sẻ, những ngày đầu gắn bó với công việc, điều khiến anh thấy tổn thương nhất chính là thái độ của người dân.
“Chúng tôi cũng lao động chân chính. Vậy mà một số người thường coi thường, miệt thị công việc của chúng tôi”, anh Khoa cho biết, trong số đó có cả người có trình độ, hiểu biết xã hội.
Vẫn theo lời anh Khoa, một số người dân thiếu ý thức hơn thì họ tỏ rõ bằng cả hành động. Câu chuyện người đàn ông đi xe ô tô nhổ bọt vào người anh cách đây nhiều năm khiến anh vẫn cảm thấy đau lòng mỗi khi nhớ đến.
Nam công nhân sinh năm 1967 kể, lần đó tổ anh nạo vét cống ngầm trong một khu dân trí cao. Theo quy định, các anh phải mở 2 đầu nắp cống trước 15 phút, cho khí độc thoát ra ngoài mới được chui xuống cống.
Thế nhưng một chiếc ô tô sang trọng của gia đình gần đó đỗ đè lên miệng cống. Anh Khoa đến gặp gia đình đó trao đổi, đề nghị di chuyển xe khỏi khu vực cống cho các công nhân thi công.
Khi bấm chuông, một người đàn ông ăn mặc bảnh bao ra mở cửa. Nghe anh trình bày, ông ta nhìn anh từ đầu đến chân, rồi nhăn mũi quay vào không thèm đáp. Các công nhân chờ 20 phút, chủ xe vẫn không ra xử lý. Anh Khoa buộc phải vào gõ cửa lần nữa nói chuyện.
Chủ xe ô tô xách chiếc cặp da đen bóng loáng từ trong nhà đi ra với thái độ giận dữ, quát tháo anh Khoa vì làm phiền gia đình họ. Người đàn ông này còn hằn học, buông lời lẽ thậm tệ với các công nhân thoát nước.
Chưa hết, trước khi đánh xe ra khỏi miệng cống, người đàn ông bảnh bao này còn kịp nhổ một bãi nước bọt vào người anh Khoa rồi lên xe đi thẳng. Trước hành vi của chủ chiếc xe sang, anh Khoa uất ức, nghẹn lòng.
Chưa kể, nhiều lần anh vừa dưới cống lên, trời nắng nóng, vào nhà dân xin nước rửa tay còn bị họ xua tay đuổi ra ngoài. “Họ coi thường chúng tôi, cho rằng chúng tôi thấp kém mới phải đi làm nghề này”, anh bức xúc kể lại.
Tuy nhiên anh cũng từng rất xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của những người dân tốt bụng khi gặp khó khăn trong công việc. Đó là thời điểm sau trận mưa bão lớn, cành cây, rác rưởi trôi xuống, bịt kín miệng cống. Anh và các công nhân trong tổ lao vào dọn dẹp rác thải.
“Có một gốc cây to đổ xuống nằm trên miệng cống. Trong thời gian đợi xe cẩu và máy cưa đến xử lý, chúng tôi phải cùng nhau đẩy cây sang một bên, lấy chỗ mở cống.
Mấy hộ dân gần đó thấy cả tổ công nhân hì hục mãi vẫn không thể di chuyển được cây bèn vận động thanh niên khỏe mạnh ra hỗ trợ chúng tôi. Chỉ một lúc sau, thân cây được đẩy sang một bên, miệng cống được mở và nước thoát đi nhanh chóng”.
Ngoài ra, anh tâm sự, trong ký ức 29 năm làm nghề, anh từng đau buồn khi chứng kiến cái chết của một nam sinh.
Theo lời anh Khoa, cách đây 10 năm, ở khu vực mương hở, một nam sinh lớp 10 do bị trầm cảm đã lao mình xuống hồ tự vẫn trong ngày mưa gió, ngập lụt.
Anh Khoa tham gia trong đội tìm kiếm, anh rà soát khắp các miệng cống, lòng cống. Sau 2 ngày cùng đội cứu hộ tích cực tìm kiếm, anh Khoa phát hiện thi thể nam sinh đang mắc kẹt trong lòng cống.
“Nhìn cảnh tượng đau lòng đó, toàn thân tôi lảo đảo. Cháu còn trẻ, tương lai còn dài mà dại dột quá…”, anh Khoa kể lại đầy chua xót.
Anh Khoa chia sẻ, tuy nghề thoát nước vất vả, phải dầm mình sớm khuya dưới làn nước đen, hôi thối nhưng bên cạnh anh luôn có gia đình ủng hộ, động viên.
Mỗi ngày ngoài giờ đi làm, anh đều dành thời gian phụ vợ bán hàng. Dẫu công việc của anh bị nhiều người coi thường nhưng các con anh rất trân trọng nghề của bố.
“Từ bé, tôi luôn dạy các con, nghề của bố cả ngày sống với rác thải, nước cống nhưng đây là công việc chân chính, giúp bố nuôi các con ăn học. Các con phải tự hào về điều đó”, nam công nhân sinh năm 1967 nói.
Hiện hai người con của anh đều đã trưởng thành. Con gái lớn đã lập gia đình, cũng theo nghề bố nhưng công tác bên tổ xử lý rác thải tại các khu vực kênh mương và miệng cống hở.
“Điều chúng tôi mong mỏi nhất là ý thức người dân được nâng lên. Để họ hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của chúng tôi. Đặc biệt, mỗi người dân có ý thức giữ vệ sinh môi trường, không tùy tiện xả rác, ném rác xuống lòng hồ, kênh mương”, anh trải lòng.
Theo N.Linh-T.Hải (VietNamNet)