Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến cuộc di cư lớn của người lao động từ các thành phố đổ về quê như thời gian qua. Vì mưu sinh, những người con phải xa quê, tha phương cầu thực, có nhiều người đã đi xa nhiều năm trời. Khi dịch bệnh bùng phát, thất nghiệp, khó khăn bủa vây, họ hiểu rằng mình cần phải về quê để nương tựa.
Tiếng gọi của quê hương lúc này là động lực thôi thúc họ lên đường, thực hiện những chuyến đi "phi thường".
Nói rằng "phi thường", bởi lẽ người ngoài nhìn vào sẽ không thể tưởng tượng họ lại làm được điều đó. Và có thể chính bản thân người trong cuộc, từ trước đến nay, họ cũng chưa từng nghĩ có một ngày sẽ về quê theo cách như thế này.
Câu chuyện của người đàn ông có tên Đàm Đinh Được, 60 tuổi, quê ở Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân từ 20 năm nay là một ví dụ.
Cách đây 3 tháng, khi thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh, ông Được bị mất việc làm. Không thể cầm cự lại thành phố nếu không có thu nhập trang trải cuộc sống, ông quyết định hoà cùng với dòng người đổ về quê vào thời điểm ấy.
Tuy nhiên, vì không biết chạy xe máy, ông đành cuốc bộ. Đi bộ một quãng đường dài hơn 1700km từ Sài Gòn ra Hà Nội với một người đàn ông đã 60 tuổi, trong điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi tạm bợ quả thực vô cùng gian nan, vất vả.
Tối qua (4/10), ông Được đi đến địa phận xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Lúc này trời đổ mưa, thoạt nhìn khó có thể nhận ra ông đang về quê tránh dịch vì hành trang khá đơn sơ.
Khi đến được Dốc Miếu, Gio Linh, cũng là lúc ông Được đã kiệt sức vì đói, mệt lại dầm mưa lạnh. May mắn thay, một số người dân hỏi thăm và biết được trường hợp của ông nên đã kịp thời hỗ trợ.
Anh Lê Minh Tuấn (Quảng Trị) chia sẻ: "Tối đó vào khoảng 18 giờ rưỡi, mình nhận được thông tin từ một người anh trong nhóm kể về trường hợp của chú.
Được biết, chú đi về quê ở Hà Nội từ ngày đầu Sài Gòn giãn cách nên lúc đó có lẽ chưa có quy định về giấy đi đường hay xét nghiệm Covid-19 gì cả.
Chú bảo không biết đi xe máy, xe khách thì không có, qua các tỉnh không được cấp giấy tờ xét nghiệm gì nên không ai cho đi nhờ. Vậy là chú cứ đi bộ đến nay là 3 tháng rồi, mỗi tỉnh phải mất từ 3-5 ngày mới đi qua hết.
Đến Dốc Miếu, Gio Linh thì được mọi người giúp đỡ. Mình nhận tin mình lập tức tìm mua chiếc xe đạp để tặng chú đạp về quê, ít ra là đỡ hơn đi bộ.
5 phút sau một người em mình quen biết đã mang xe đến và anh em mình chở xe chạy đi tìm chú ngay, may thay nhanh chóng tìm được chú. Từ lúc mình tiếp nhận thông tin đến khi mua xe và tặng lại chú chỉ chưa đến 15 phút. Mình chỉ kịp thỏi thăm, trao xe và chúc chú bình an, chú nói cảm ơn rồi cũng tiếp tục hành trình".
Không chỉ hỗ trợ xe đạp, một số người dân địa phương khi biết thông tin về trường hợp của ông Được cũng đứng ra quyên góp được số tiền gần 2 triệu đồng, giúp ông có thêm lộ phí dằn túi, tiếp tục hành trình dài phía trước.
Hành động nhanh chóng, kịp thời của anh Tuấn và người dân địa phương đã nhận về nhiều lời ngợi khen, cảm kích từ cộng đồng.
Hơn lúc nào hết, những người lao động tha hương trên hành trình rong ruổi về quê rất cần sự hỗ trợ, quan tâm sẻ chia từ cộng đồng và chính quyền, để họ được bình an trở về đoàn tụ với người thân giữa lúc khó khăn, hoạn nạn này.
Theo Ngân Hà (Nhịp Sống Việt)