Chặng đường quá khốc liệt trong khi cháu còn quá yếu
Đến bây giờ khi về đến khi cách ly ở quê hương, chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1992, trú xã Nghĩa Thuận, thị xã thái Hòa, Nghệ An) mới dám tin rằng mình đã vượt qua hành trình vô cùng gian nan bằng xe máy từ Bình Dương về.
"Cả hành trình vợ chồng tôi chỉ lo cho đứa con mới sinh 15 ngày. Chặng đường quá khốc liệt trong khi cháu còn quá yếu. May mà về đến đây sức khỏe của cháu vẫn ổn định" chị Hiền nói với phóng viên Pháp luật & Bạn đọc.
Hai vợ chồng chị Hiền vốn làm thuê trong Bình Dương, chồng là phụ hồ còn vợ làm công nhân may. Thế nhưng dịch bệnh bùng phát nên 2 người thất nghiệp từ tháng 7.
"Vợ chồng em mất việc, tiền ăn, tiền phòng trọ không có chi trả. Chỗ em ở được nâng lên vùng xanh nên chính quyền mở cửa cho công nhân tự về. Khi tiền không còn nữa, hai vợ chồng em thấy kiệt quệ nên tính đường về quê", chị Hiền kể với phóng viên.
Đầu năm nay, chị Hiền mang thai người con thứ 2 và vừa hạ sinh được 15 ngày thì vợ chồng quyết định về quê sau khi được phép rời khỏi thành phố
.Đến đêm ngày 7/10, sau 3 ngày vượt hơn 1.200km về đến Nghệ An, sức cùng lực kiệt nhưng khi thấy sự quan tâm, tiếp đón của những người ở quê hương chị rất xúc động.
"Vừa vượt cạn, lại 3 ngày đêm ròng rã ôm con ngồi trên xe máy, vừa mệt, ăn uống lại thất thường khiến tôi cũng ít sữa. Thế nhưng về đến quê hương là chúng tôi mừng và cảm thấy bình an rồi. Bây giờ, tôi vẫn không nghĩ gia đình mình lại vừa trải qua một chặng đường dài đầy khó khăn như thế", chị Hiền xúc động kể với báo trên.
Tiền bạc dành dụm đã cạn kiệt
Trong căn nhà trọ miễn phí dành cho người dân trú tạm trên hành trình về quê ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, bà Lê Thị Bảy (48 tuổi, quê huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) liên tục dỗ dành cháu gái mới 14 tháng tuổi vì nhớ mẹ nên quấy khóc.
Anh Phạm Văn Quyết (23 tuổi, cha cháu bé) kể, cả gia đình khăn gói về quê trên 2 chiếc xe máy rời TP.HCM hôm 4/10. Tầm 18h30 ngày 6/10, cả gia đình di chuyển đến đường tránh thuộc địa phận TP Quảng Ngãi vừa để nghỉ vừa để tránh mưa.
Khi đang nghỉ thì chị Đinh Thị Phương Anh vợ anh bỗng đau bụng dữ dội. May mắn được người dân hướng dẫn, vợ chồng anh đã tới bệnh viện kịp thời nên sức khỏe của chị đã ổn định.
Chia sẻ thêm với VTC News về hoàn cảnh gia đình, anh Quyết bộc bạch, con gái đầu lòng của hai vợ chồng mới 14 tháng tuổi và vợ anh đang mang thai đứa thứ 2 mới 8 tháng.
Tháng 11 năm ngoái, hai vợ chồng anh dắt díu theo con nhỏ cùng anh trai và mẹ vào TP.HCM kiếm kế sinh nhai.
"Hai anh em và mẹ xin làm phụ hồ ở các công trình, còn vợ tôi ở nhà lo nấu ăn, giặt giũ và chăm con. Nào ngờ, đi làm được vài tháng thì dịch bệnh bùng phát, cả nhà lâm cảnh thất nghiệp từ tháng 6 đến nay. Cùng cực nhất là khoảng thời gian tháng 7, ngoại trừ anh trai, còn lại 4 người trong gia đình không may mắc Covid-19", anh Quyết nghẹn ngào nói với phóng viên.
Vậy là đầu tháng 10 vừa qua, khi tiền bạc dành dụm bấy lâu dần cạn kiệt, cộng với việc TP.HCM cho phép rời khỏi địa bàn, cả gia đình quyết định trở về quê hương sau những tháng vất vả nơi đất khách quê người.
Gom góp những đồng tiền cuối cùng về quê
Khuôn viên trường Đại học An Giang những ngày này đã trở thành nơi tiếp nhận, điều phối chỗ nghỉ ngơi cho bà con về quê.
Trong khuôn viên nhà A, phòng học 110, là nơi nghỉ được sắp xếp cho hai mẹ con chị Néang Noi (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên).
Vỗ về bé con vừa hơn 1 tháng tuổi nằm lim dim, thỉnh thoảng giật mình vì tiếng bước chân. Gia đình chị được sắp xếp nghỉ tạm lại đây từ 20h ngày 6/10 để chờ được đón về huyện Tịnh Biên đi cách ly tập trung.
Chị lo lắng không biết khi nào thì được lên xe về huyện nhà, thi thoảng lại khóc nên được mọi người khuyên chị cố nén nước mắt, giữ sức khỏe hậu sản cho tốt.
Người phụ nữ Khmer đang trong tháng ở cữ, hai bên tai nhét bông gòn tránh gió kể với Tuổi Trẻ: "Vợ chồng tôi gom góp những đồng tiền cuối cùng trong nhà để về quê lần này. Phí thuê xe 2 triệu đồng, phí test nhanh Covid-19 cho vợ chồng chị và đứa con 10 tuổi là 700.000 đồng, cộng với phí sinh con gần 10 triệu đồng. Mặc dù không còn tiền, nhưng chỉ mong được về đến nhà cho con một giấc ngủ an ổn, an toàn".
Dù khó khăn là vậy, chị Néang Noi vẫn chưa nguôi ý định được đi làm kiếm tiền lo cho hai đứa con. Đợi khi dịch bệnh qua đi, khi chị hết thời gian hậu sản sẽ quay lại Bình Dương làm việc tiếp.
Cùng nghỉ chân trong khuôn viên trường Đại học An Giang còn có gia đình chị Trần Thị Tư (23 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên),.
Chị Tư tâm sự với báo trên rằng: "Tôi vừa sinh con đầu lòng được 15 ngày, sau đó thuê xe từ Đồng Nai về An Giang với giá 5 triệu đồng. Vì nếu bây giờ không về, sợ rằng sẽ không về được nữa, còn nếu ở lại cũng không còn tiền để đóng trọ. Con tôi chưa đầy tháng, đi về cũng nguy hiểm, khó khăn, nhưng cũng phải ráng thôi, thấy mọi người về thì mình cũng về theo".
Đôi vợ chồng trẻ vừa có con đầu, không biết chăm sóc ra sao, về quê còn có ông bà chăm nom, lo lắng. Nói về dự tính tương lai, đôi vợ chồng này nói cũng chỉ biết đi bước nào tính bước đó.
Theo T.Hà (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)