Bức thư viết bằng nét chữ ngô nghê, nhiều chỗ gạch xóa, với hàng loạt những mẩu chuyện vỡ vụn chắp vá, lột trần sự bạo lực, đau khổ của tất cả thành viên trong một gia đình. Tờ giấy gấp làm tư vô tình rơi trên phố, một người nhặt được nó, và trở thành câu chuyện lay động trái tim của hàng nghìn người.
"Bố kính yêu!
Con muốn được nói chuyện với bố, nhưng vì bố bận nên con viết thư cho bố. Con nghĩ rằng con có rất nhiều điều muốn nói với bố nhưng con không thể viết được hết, vì con đang rất đau đầu. Bố ơi, con rất yêu bố mẹ và em Chi, con yêu cả ông bà nội và ông bà ngoại nữa. Con đã cố gắng học giỏi, ngoan và chăm sóc em Chi. Nhưng con không thể cố gắng được nữa vì con rất đau đầu.
Bố ơi! Tất cả mọi chuyện là vì con, nên mẹ mới khổ như vậy. Nếu không vì con thì mẹ đã không phải lấy bố, mẹ đã không khổ như vậy. Con biết rằng không ai muốn con có mặt trên đời này cả, nên con không có được tình yêu từ mọi người. Kể cả bố, bố cũng không yêu con như bố của các bạn.
Con ước gì được bố đưa đón đi học hằng ngày, nhìn các bạn được bố đón hết giờ học, con nhớ bố lắm, con chỉ biết khóc thôi. Đêm con không ngủ được vì nghĩ đến mẹ và nhớ bố. Vì con mà mẹ phải khổ, vì con mà ông nội đánh mẹ, đập đầu mẹ vào bờ tường, túm tóc mẹ kéo mặt mẹ ra phía sau, lúc mẹ ngã xuống đất ông vẫn dùng chân đạp vào đầu vào mặt mẹ.
Lúc đấy bà nội nhìn thấy mẹ đau, bà không can ông, bà cũng không đỡ mẹ dậy, bà còn chửi mẹ. Con sợ ông bà lắm bố ạ, nên con không thể về ở cùng ông bà được. Đã nhiều lần mẹ muốn cho ông xe ôm chở con về thăm ông bà, nhưng con sợ. Lần trước bố chở con về quê, bà nội nói chuyện với con ở trong bếp: "Mẹ là con vật, bên ông bà ngoại là 1 lũ rắn độc hút hết máu nhà bà nội".
Bố ơi! Con mệt quá. Bà nội có thương con không? Bà nội có thương bố không? Thương mẹ không? Sao bà lại quét rác hất vào mặt để mẹ ngồi mẹ khóc, không dám cãi bà?
Con nhớ khi ông nội cầm dao đuổi bà nội và hất mâm cơm ra sân, bà nội khóc, mẹ thương bà mẹ nhảy vào đỡ dao cho bà. Buổi tối khuya bà nội bị ông nội đánh, không cho vào nhà, bà nội phải sang nhà bà Thủy ngủ, gọi điện cho mẹ bảo mẹ đưa tiền về cho bà nội vay và mua thuốc bổ cho bà.
Sáng hôm sau ông xe ôm chở mẹ và con về. Mẹ rút tiền về đưa cho bà nội. Mẹ thương bà lắm. Mẹ còn ôm bà nội khóc ở trong bếp, mẹ còn quỳ xuống xin ông nội cho bà nội vào nhà.
Bố ơi sao nhà mình khổ thế.
Con không muốn sống nữa, bạn nào cũng hỏi bố con đâu? Con thấy mẹ không ngủ được, mẹ uống thuốc xong thì ngủ. Bố ơi. Con xin lỗi bố, con xin lỗi mẹ. Con lấy thuốc của mẹ để uống.
Con không muốn ở nhà nữa".
Bé gái ấy đã tận mắt chứng kiến mối quan hệ thờ ơ giữa những người ruột thịt mà em yêu thương nhất, cảm nhận được thái độ, lối suy nghĩ của bố mẹ, ông bà về nhau, những kỳ thị phân biệt, lời nói cay nghiệt trút lên nhau, ép một đứa trẻ trắng trong như tờ giấy phải nhúng mình vào bầu không khí ngột ngạt, uất ức mỗi ngày. Chẳng ai hình dung được nỗi đau mà cô bé phải chịu đựng, đến mức nào em mới nức nở rằng "con không muốn sống nữa" thế kia?
Một gia đình đủ đầy 3 thế hệ, nhưng lại dột từ nóc! Ông bà nội đánh đập miệt thị con dâu ngay trước mắt cháu mình, gọi con dâu bằng ngôn từ độc địa, bố của 2 đứa trẻ thì vô tâm lạnh lùng, kệ cho đứa con bé bỏng hụt hẫng trong giấc mơ được bố ôm, bố bế, bố đến trường đón, dù chúng chỉ ao ước một lần thôi. Chúng buộc phải lớn lên trong tường thành cô độc, được xây nên từ chính người đã sinh ra chúng trên đời!
Những câu hỏi tại sao cứ vương vất trong đầu bé gái, như triệu mũi kim xuyên thấu cõi lòng vô số người: "Bố ơi sao nhà mình khổ thế? Bà nội có thương con không? Bà nội có thương bố không? Thương mẹ không? Sao bà lại quét rác hất vào mặt để mẹ ngồi mẹ khóc, không dám cãi bà?"... Bé gái tội nghiệp ấy chẳng được ai vỗ về giải đáp, giúp xoa dịu tổn thương vô hình, những vết rạch trong tâm hồn chằng chịt do chính tay ông bà, bố mẹ gây nên. Không ai dùng đòn roi lên thân thể bé gái, nhưng tiếng quát, mắng chửi, ngược đãi cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày trong căn nhà tù ngục, khiến em bé còn đau đớn hơn bị đánh gấp nghìn lần. Đáng lẽ ra ở độ tuổi của em, 4 bức tường ấy phải là tổ ấm, nơi nụ cười được thắp lên và thương yêu đong đầy, cho tuổi thơ trôi qua trong êm ấm. Đằng này...
Không ai biết bé gái viết bức thư ấy là ai. Người nhặt được nỗi đau của em cũng xót xa không chịu đựng nổi. Này những ông bố bà mẹ, cho dù phải gắn kết với nhau vì một sinh linh bé bỏng ngoài ý muốn, dù kết hôn mà không có trù tính trước, cũng xin đừng làm tổn thương con cái của chính mình! Sự hiện diện của lũ trẻ, tiếng khóc non nớt xé lòng của chúng, nỗi sợ hãi co ro sau cánh cửa nhà. Đó không phải là lỗi lầm của chúng! Đó là hậu quả chuỗi cảm xúc ích kỷ của người lớn, bắt lũ trẻ phải chịu đựng sự tra tấn tinh thần, đó là một tội ác!
Nếu một ngày đang đi trên đường, vô tình nhặt được một bức thư như thế, liệu có ai bỗng cảm thấy xé lòng, muốn tìm ngay ra bé gái đó và cứu em khỏi gia đình tồi tệ ấy? Những người mà em gọi là ông bà, bố mẹ, họ thực sự không hề xứng đáng với một thiên thần như em! Lời cuối cùng trong bức thư khiến ai nấy đều bất an vô cùng. Cầu mong không xảy ra chuyện dại dột đáng tiếc, em bé ấy đủ đáng thương lắm rồi...
Nhiều người hy vọng đây là một bức thư câu like hay ai đó đọc cho một đứa trẻ chép lại, chứ không phải là bằng chứng cho bi kịch mà một đứa trẻ đang chịu đựng mỗi ngày. Hy vọng là thế. Nhưng bức thư cũng khiến chúng ta nhận ra, nếu không tránh được lục đục gia đình, xin hãy cho các em một nơi trú ẩn khỏi giông bão, đừng để chúng lớn lên với ám ảnh thành sẹo trong lòng. Đừng để tới khi mọi chuyện quá muộn màng, không đứa trẻ nào có thể tái sinh lại lần nữa, khi chính bố mẹ người thân đẩy chúng đến bờ vực tuyệt vọng.
Theo LYNK (Helino)