Một người bạn mới đây đã kể lại cho tôi một câu chuyện mà vài năm trước cô ấy đã trải qua, khi còn là một chuyên viên tư vấn tâm lý. Nội dung câu chuyện như sau:
Một người mẹ dẫn theo con trai đến nhờ tư vấn tâm lý, nguyên nhân là bởi "thằng bé quá ngang ngược, nói gì cũng không chịu nghe."
Khi đó, rất nhiều các bậc cha mẹ đều giữ một quan niệm: Con không nghe lời, đó chắc chắn là vấn đề của con.
Và họ tìm người tư vấn cũng không phải là vì thực sự muốn giải quyết vấn đề mà là hy vọng có thêm "uy quyền" để khiến con phải phục tùng mình.
Sau khi gặp chuyên viên tư vấn, người mẹ nói rất nhiều, đứa trẻ lặng thinh không nói lời nào, mắt chỉ chằm chằm nhìn xuống sàn nhà.
Nghe người mẹ nói xong, chuyên viên tư vấn nói: "Tôi đã hiểu phần lớn tình hình rồi. Bây giờ tôi có thể nói chuyện riêng với cháu bé không?"
Cô bạn tôi nghĩ lại, rồi nói cuộc tư vấn hôm đó có rất nhiều chi tiết nhỏ, cô không thể nhớ hết và nhớ rõ, nhưng có một chi tiết mà cô không thể quên. Đó là mỗi khi nhắc đến mẹ, đứa trẻ đều nói:
Dù sao thì cháu có nói gì mẹ cũng không nghe.
Dù sao thì việc gì cũng đều là lỗi của cháu.
Dù sao thì mẹ luôn cảm thấy cháu làm gì cũng không tốt.
Từ khóa trong những câu nói của đứa trẻ, xoáy sâu vào tâm trí cô bạn tôi đó chính là "dù sao thì".
Cũng kể từ đó, trong thời gian làm việc, bạn tôi luôn đặc biệt lưu ý đến ba chữ "dù sao thì". Và bạn tôi cũng phát hiện ra rằng, những đứa trẻ bị bố mẹ nói là "ngỗ ngược" đều thích nói ba chữ đó.
Ngoài ra, trong những gia đình có nhiều xung đột, mỗi thành viên trong gia đình cũng thường hay nhắc đến ba chữ đó.
Phân tích tâm lý
"Dù sao thì" suy cho cùng thể hiện tâm lý gì của người nói?
Theo các chuyên gia tâm lý, cụm từ này thể hiện kinh nghiệm của người nói, rằng họ luôn kỳ vọng người khác làm một vài việc nhưng chẳng bao giờ được đáp ứng.
Và đã là con người, khi kỳ vọng không được đáp ứng, ắt sẽ khó tránh khỏi cảm giác buồn chán, bị tổn thương.
Những người có trải nghiệm này, để bản thân không tiếp tục bị tổn thương dần dẫn sẽ từ bỏ kỳ vọng vào người khác.
Trong quá trình này, họ sẽ thường xuyên nói ba chữ "dù sao thì" với người mà bản thân mình đã đặt kỳ vọng.
Đây không phải là một kiểu đối kháng, chống đối mà là một kiểu cầu cứu, hy vọng đối phương có thể giúp mình giảm bớt sự tổn thương.
Đương nhiên, sẽ không có bố mẹ nào có thể đáp ứng kỳ vọng của con mọi lúc, mọi nơi. Nhưng nếu như trẻ thường xuyên nói những chữ này, bố mẹ nên suy nghĩ đến một vấn đề quan trọng:
Tại sao con lại có những kỳ vọng đó ở mình? Liệu có phải trước đây, con từng được bố mẹ đáp ứng nhưng bây giờ không làm như vậy nữa; hoặc khi con so sánh mình với bạn bè, phát hiện bố mẹ bạn luôn đáp ứng những kỳ vọng của bạn còn bố mẹ mình thì không.
Phép so sánh này khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý chán nản, không vui.
Để bản thân không buồn, trẻ sẽ dứt khoát và không ngừng nói ba chữ "dù sao thì" như cách để hạ thấp dần kỳ vọng sau này của bản thân, bảo vệ cho bản thân khỏi tổn thương.
Khi một đứa trẻ thường dùng ba chữ này khi giao tiếp với cha mẹ, điều này cũng cho thấy trẻ đang dần giảm bớt sự chia sẻ, giao lưu với phụ huynh. Và vì điều này, bố mẹ lại hiểu lầm rằng trẻ trở nên ngỗ nghịch, khó bảo.
Khắc phục thế nào?
Nếu như trẻ thường xuyên nói ba chữ "dù sao thì" với bố mẹ, việc các bậc phụ huynh nên làm đầu tiên chính là "phiên dịch", tìm ra thông điệp của con.
"Dù sao thì bố mẹ cũng sẽ không" có nghĩa là "Con kỳ vọng bố mẹ sẽ".
"Dù sao thì bố mẹ cũng sẽ không nghe con nói" có nghĩa là "Con kỳ vọng bộ mẹ sẽ nghe con nói".
"Dù sao thì bố mẹ cũng nghĩ con không bằng người khác" có nghĩa là "Con kỳ vọng bố mẹ nghĩ rằng con ưu tú hơn người khác".
"Dù sao thì tất cả đều là lỗi của con" có nghĩa là "Con kỳ vọng bố mẹ có thể nghĩ rằng không phải tất cả đều là lỗi của con"...
Việc đầu tiên để ứng phó với phản ứng "dù sao thì" của con chính là giải mã kỳ vọng thực sự của con phía sau cụm từ đó. Hãy cảm thụ nội tâm, cảm giác cũng như nỗi sợ hãi phải chịu tổn thương trong tương lai của người nói ra câu nói đó.
Còn nếu bố mẹ coi đó là hành vi "ngỗ ngược" của trẻ, việc giao tiếp giữa bố mẹ và con cái sau này sẽ rất khó khăn.
Tiếp theo đó, bố mẹ nên nói với con việc mình đã nhìn thấy điều con mong mỏi. Khi trẻ nói "Dù sao thì bố mẹ cũng không nghe con nói", bố mẹ hãy bình tĩnh nói với con rằng:
Bố mẹ biết con luôn hy vọng bố mẹ lắng nghe con, nghe quan điểm và suy nghĩ của con. Trước đây bố mẹ đã không để tâm nhưng bây giờ, bố mẹ sẽ ngồi xuống và lắng nghe con nói.
Bố mẹ cũng không thể đáp ứng mọi kỳ vọng của con và mong mỏi của trẻ không phải điều gì cũng hợp lý. Cho dù có thể đáp ứng hay không, bố mẹ cũng nên để con biết mình rất hiểu con muốn gì và giải thích với con tại sao việc gì có thể đáp ứng, việc gì không thể.
Theo Nguyễn Nhung (Soha/Trí Thức Trẻ)