Không phải IQ, yếu tố chiếm một nửa thành công của người Do Thái chính là tài ăn nói. Hãy xem cha mẹ Do Thái dạy con thế nào?

25/01/2018 14:05:55

Cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích trí tò mò của trẻ, hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, tích cực suy nghĩ, và cùng trẻ tìm đáp án đúng.

Mặc dù câu nói "Im lặng là vàng" không bao giờ lỗi thời, nhưng trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chỉ im lặng thôi không đủ, chúng ta cần có tài ăn nói lưu loát mới có thể dũng cảm bày tỏ được suy nghĩ và quan điểm của mình. Vì thế, rèn luyện ngôn ngữ là nội dung bài học mà cha mẹ cần chú ý, tài ăn nói tốt là nền tảng vững chắc để đạt được thành công.

Laksa là một cậu bé Do Thái 10 tuổi, từ nhỏ cậu đã đặc biệt thích đọc sách. Do vậy, cậu không chỉ có kiến thức phong phú, mà còn rất có tài ăn nói.

Có một lần, Laksa và một người bạn của mình đến trường trung học Kapha Silverton để biểu diễn văn nghệ cho các bạn học sinh, không ngờ vừa lên khán đài, cậu bạn của Laksa căng thẳng đến nỗi nói nhầm từ "trường Trung học Kapha Silverton" thành "trường Tiểu học Kapha Silverton", khiến các khán giả cười ồ lên. Trong lúc đó, Laksa bình tĩnh, nói to: "Xin chào các bạn, hôm nay tôi và người bạn của tôi rất vinh dự được biểu diễn cho trường Đại học Kapha Silverton". Câu nói của Laksa khiến cho khán giả đang cười cảm thấy vô cùng khó hiểu.

Không phải IQ, yếu tố chiếm một nửa thành công của người Do Thái chính là tài ăn nói. Hãy xem cha mẹ Do Thái dạy con thế nào?

Khi mọi người đang xì xào bàn tán, Laksa liền giải thích: "Vừa nãy, người bạn của tôi bất cẩn nói trường trung học Kapha Silverton thành trường Tiểu học Kapha Silverton, hạ thấp một bậc; Bây giờ tôi lại nói trường Trung học Kapha Silverton thành trường Đại học Kapha Silverton, nâng lên một bậc, như vậy là hòa rồi nhé". Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt với tài ăn nói của Laksa, tạo phản ứng tốt cho tất cả mọi người và làm cho bài biểu diễn của họ diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Thế nào các bạn? Đọc xong ví dụ trên, bạn có khâm phục tài ăn nói của Laksa không? Người Do Thái cho rằng, muốn đạt được thành công thì tư duy nhạy bén, tài ăn nói lưu loát sẽ là vũ khí sắc bén. Khi giáo dục con cái, cha mẹ cũng rất coi trọng bồi dưỡng tài ăn nói cho con. Hiệu quả giáo dục của người Do Thái thường rất cao. Vì thế trẻ em Do Thái đều có khả năng giao tiếp tốt, và đạt được nhiều thành công từ khả năng đó của mình. Cha mẹ Do Thái khi bồi dưỡng tài ăn nói cho con cái thường tiến hành theo ba phương diện sau:

Cổ vũ trẻ suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi

Chủ động đặt câu hỏi, tích cực suy nghĩ sẽ rất có lợi cho việc bồi dưỡng tài ăn nói trẻ. Bởi lẽ, trong thế giới của trẻ luôn chứa rất nhiều câu hỏi tại sao, nếu trẻ có thể dũng cảm đưa ra những câu hỏi này, đồng thời tìm đáp án, thì không chỉ làm phong phú kiến thức, mà còn rèn luyện tài ăn nói cho trẻ. Do đó, cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích trí tò mò của trẻ, hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, tích cực suy nghĩ, và cùng trẻ tìm đáp án đúng.

Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là sự giao tiếp đầu tiên của trẻ. Do vậy, nó có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Nếu những câu hỏi của trẻ đưa ra được trả lời nghiêm túc, trẻ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu câu hỏi của trẻ không được cha mẹ chú ý trả lời thì việc giao lưu giữa cha mẹ và con cái sẽ giảm dần, trình độ ngôn ngữ của trẻ khó được nâng cao,thậm chí còn gặp trở ngại. Do vậy, cổ vũ trẻ suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi, bồi dưỡng tài ăn nói của trẻ là điều vô cùng quan trọng.

Cổ vũ trẻ thể hiện bản thân trước nhiều người

Mặc dù không phải đứa trẻ nào cũng trở thành diễn viên, nghệ sĩ, hoặc vận động viên trong tương lai, nhưng ở môi trường thích hợp, cổ vũ trẻ lên khán đài biểu diễn là rất quan trọng. Trẻ dũng cảm thể hiện bản thân ở chốn đông người, không những tăng cường sự mạnh dạn, nâng cao sự tự tin, mà còn rèn luyện tài ăn nói cho trẻ. Vì thế, hát, kể chuyện, biểu diễn, tham gia thể thao đều là phương pháp hữu ích giúp hoàn thiện tính cách cho trẻ.

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng cách giáo dục này. Họ thường xuyên chủ động tổ chức một số hoạt động, đồng thời chọn thời điểm thích hợp để con cái mình lên biểu diễn. Ngoài ra, đối với những hoạt động mang tính tập thể, hoặc cuộc thi đấu thể thao, cha mẹ Do Thái luôn có thái độ ủng hộ. Mục đích là để trẻ dũng cảm thể hiện bản thân trước mọi người, đồng thời rèn luyện khả năng biểu đạt ngôn ngữ cho mình.

Không phải IQ, yếu tố chiếm một nửa thành công của người Do Thái chính là tài ăn nói. Hãy xem cha mẹ Do Thái dạy con thế nào? - 1

Chủ động giới thiệu thế giới rộng lớn cho trẻ

Đối với trẻ, thế giới luôn mới mẻ, đặc biệt là những sự vật lạ đều kích thích hứng thú tìm tòi của trẻ. Vì thế, kể cho trẻ nghe những sự vật, hiện tượng mới, cho trẻ cảm giác thích thú, tò mò, sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập vào với xã hội.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý giải thích cho trẻ biết những sự vật xung quanh. Họ không chỉ giảng giải cho con về trăng sao, bốn mùa, các loài động thực vật… mà ở một số trường hợp đặc biệt, cha mẹ còn kể cho trẻ nghe những kinh nghiệm của bản thân trong việc kiếm tiền nuôi gia đình như thế nào, trưởng thành ra sao.

Như vậy, trẻ dần hiểu được quy luật tồn tại của thế giới. Sau khi hiểu, trẻ sẽ hòa nhập vào thế giới đó dễ dàng hơn. Khi muốn hòa nhập và có những phản ứng tích cực trong giao tiếp với mọi người, trẻ sẽ càng phát huy tốt kĩ năng ngôn ngữ của bản thân. Vì thế, việc chủ động giới thiệu thế giới xung quanh, để trẻ hiểu một số quan niệm mới mẻ, nâng cao khả năng biểu đạt ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết.

Theo Thảo Nguyên (Trí Thức Trẻ)