Tranh minh họa "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Ảnh: Ancient-origins |
Bạch Tuyết là nàng Margarete von Waldeck?
Theo Sander, nhân vật nàng Bạch Tuyết được xây dựng dựa trên cuộc đời của thiếu nữ người Đức Margarete von Waldeck. Nàng sinh năm 1533 và là con gái của bá tước Phillip IV xứ Waldeck-Wildungen. 16 tuổi, nàng bị mẹ kế là Katharina bắt đưa đến Widungen, Brussels. Ở đó, nàng đem lòng yêu hoàng tử mà sau này trở thành vua Phillip II của Tây Ban Nha.
Cha và mẹ kế của nàng phản đối mối quan hệ này vì cho rằng nó "gây phiền phức về mặt chính trị". Margarete chết một cách bí ẩn vào năm 21 tuổi. Người ta nghi nàng bị đầu độc. Theo các ghi chép lịch sử, vua Tây Ban Nha có lẽ đã phái thuộc hạ đến ám sát Margarete vì phản đối mối quan hệ của nàng với hoàng tử kia.
Về 7 chú lùn, nhà sử học cho biết cha của Margarete sở hữu một vài mỏ đồng và thuê trẻ em làm việc như nô lệ. Điều kiện làm việc khắc nghiệt và chế độ dinh dưỡng kém khiến nhiều đứa trẻ bị chết khi còn nhỏ. Những đứa trẻ sống sót thì còi cọc và chân tay bị biến dạng. Vì vậy, chúng thường bị gọi là "những chú lùn đáng thương".
Theo Sander, quả táo độc bắt nguồn từ một sự kiện trong lịch sử nước Đức. Một ông lão bị bắt vì mang táo độc cho những đứa trẻ mà ông ta nghi đã ăn cắp hoa quả của mình.
Hay nàng Maria Sophia von Erthal?
Cũng có người không đồng tình với giải thích của Sander về nguyên tác của câu chuyện. Theo một nhóm nghiên cứu ở Lohr, Bavaria, câu chuyện được xây dựng dựa trên cuộc đời của nàng Maria Sophia von Erthal, sinh ngày 15/6/1729 ở Lohr am Main, vùng Bavaria. Nàng là con gái Hoàng tử Philipp Christoph, một địa chủ thế kỷ 18, và vợ là Baroness von Bettendoff.
Sau khi vợ qua đời, Hoàng tử Philipp tái hôn với Claudia Elisabeth Maria von Venningen, Nữ Bá tước vùng Reichenstein. Người ta nói bà này rất ghét các con riêng của chồng.
Trong lâu đài nơi họ sinh sống có một "chiếc gương biết nói". Thứ đồ chơi có thể phát ra âm thanh này được làm vào năm 1720 bởi nhà máy sản xuất gương của khu Mainz ở Lohr. Nó được thấy trong ngôi nhà mẹ kế của Maria từng sinh sống.
"Chiếc gương biết nói" này là vật trang trí trong lâu đài nơi mẹ kế của Maria sinh sống. Ảnh: Bảo tàng Spessart |
Nhóm nghiên cứu ở Lohr cho rằng chiếc quan tài bằng kính trong truyện gắn liền với những sản phẩm bằng kính được làm trong vùng, còn quả táo độc có thể liên quan đến loại cà có chứa chất độc chết người mọc nhiều ở đây.