Một học sinh ôn thi lớp 10 tại Hà Nội, cả xóm sống 'rón rén'

21/05/2025 17:51:50

Tại Hà Nội, nhiều học sinh học 13 tiếng mỗi ngày vẫn lo trượt lớp 10, trong khi phụ huynh căng thẳng vì kỳ vọng, đến cả hàng xóm cũng phải sống "rón rén".

Chọi 'khốc liệt', học 13 tiếng/ngày vẫn lo trượt lớp 10

Khoảng nửa tháng nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Khi hàng trăm nghìn học sinh bước vào giai đoạn nước rút, không khí trong nhiều gia đình cũng trở nên ngột ngạt như "phòng thi".

Từ đầu tháng 4 đến nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM – nơi tỷ lệ chọi vào trường công lập luôn ở mức “khốc liệt”, mùa ôn thi trở thành cuộc đua dai sức của cả gia đình. Những diễn đàn phụ huynh trên mạng xã hội dày đặc chia sẻ lo lắng, mất ngủ, áp lực tài chính... khi vừa lo điểm số của con, vừa chuẩn bị phương án dự phòng nếu chẳng may con trượt công lập.

Một học sinh ôn thi lớp 10 tại Hà Nội, cả xóm sống 'rón rén'
Diễn đàn phụ huynh trở thành nơi trút áp lực. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thắm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con gái đang ôn thi vào lớp 10 cho biết: “Con tôi học từ 6h sáng đến 1h đêm, kiệt sức nhưng vẫn lo chưa đủ kiến thức. Mẹ thì căng thẳng, con thì đuối sức, cả nhà dồn toàn tâm toàn lực cho kỳ thi mà không biết kết quả ra sao”.

Nguyện vọng của con chị là vào trường THPT Trương Định và THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng. Dù con là học sinh khá nhưng kết quả thi thử hiện tại chỉ dao động từ 7 đến 7,5 điểm, chưa chạm mức an toàn (trên 8 điểm) cho những trường top này. Do vậy, gia đình chị Thắm đã chuẩn bị phương án dự phòng bằng cách giữ chỗ ở một trường dân lập gần nhà.

Để tạo điều kiện học tập tốt nhất, chị Thắm phải gửi con út 5 tuổi về nhà ông bà ngoại. Tối đến, hàng xóm tự động vặn nhỏ loa, hạn chế tụ tập, nhậu nhẹt, chơi nhạc lớn. “Một đứa thi mà cả làng cùng 'nín thở'. May mắn là ai cũng hiểu và thông cảm. Mọi người đều tạo điều kiện tốt nhất để con tôi được yên tĩnh học hành”, chị Thắm nói.

Ở tuổi 15, con gái chị không phản ứng mạnh mẽ như nhiều bạn cùng lứa nhưng lại chịu đựng áp lực trong lặng lẽ. Có hôm em bật khóc vì không giải được đề, có hôm ôn bài đến khuya rồi ngủ gục trên bàn. “Nhiều khi con áp lực một thì mẹ áp lực mười, mà không dám thể hiện ra”, chị Thắm bày tỏ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trường THPT Trương Định ghi nhận tỷ lệ cạnh tranh 1 chọi 1,6, đứng thứ 25/115 trong bảng xếp hạng các trường THPT tại Hà Nội. Trong khi đó, THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng có tỷ lệ chọi là 1,2, xếp hạng 75 toàn Hà Nội.

Một học sinh ôn thi lớp 10 tại Hà Nội, cả xóm sống 'rón rén' - 1
Con gái chị Thắm học liên tục 13 tiếng vẫn chưa nghỉ. Ảnh: NVCC

Tương tự, Chị Nguyễn Thị Mỵ (42 tuổi, Hà Đông) chia sẻ, con gái chị học đến 1 - 2 giờ sáng mà không biết làm gì để giúp đỡ con, chỉ biết động viên con cố gắng. Con không dốt, nhưng điểm chắc sẽ không đủ để đỗ trường mong muốn. Chị Mỵ lo lắng rằng nếu con trượt cấp ba sẽ phải học trường dân lập hoặc học nghề.

Con gái chị Mỵ đang ôn thi vào Trường THPT Kim Liên, một trong những trường có tỷ lệ chọi là 2,15 năm nay, đứng thứ 3 toàn trường THPT Hà Nội (theo Bộ GD&ĐT). Để hỗ trợ con, từ tháng 4, chị đã chạy khắp nơi tìm trung tâm ôn thi, giáo viên khác phù hợp hơn cho con.

Chị Mỵ cũng thừa nhận cả nhà đang “sống rón rén” suốt nhiều tuần nay. Chị không dám trách con khi con không động đũa những món ăn chị chuẩn bị cẩn thận, vì chị hiểu con đang căng thẳng ôn thi. Chị chỉ biết lặng lẽ động viên con cố gắng và hy vọng con sẽ vượt qua kỳ thi này.

Học sinh "gánh còng lưng" kỳ vọng của cha mẹ

Không chỉ học sinh và phụ huynh, chính các giáo viên ôn thi cũng đang chịu sức ép không nhỏ trong giai đoạn nước rút. Cô Thu Thảo, giáo viên tại một trung tâm luyện thi THPT ở Hà Nội, chia sẻ, đây là thời điểm nhạy cảm nhất, cả học sinh lẫn gia đình dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất ngủ, thậm chí khủng hoảng tâm lý. “Nhiều em học giỏi nhưng càng gần thi càng mất tự tin, chỉ vì sợ không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ”, cô nói.

Một học sinh ôn thi lớp 10 tại Hà Nội, cả xóm sống 'rón rén' - 2
Tỷ lệ chọi vào lớp 10 trường công khốc liệt gây áp lực lên cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên luyện thi.

Theo cô Thảo, nhiều phụ huynh mang theo nỗi ám ảnh từ quá khứ thi cử của chính mình và vô thức chuyển nó sang con cái. Họ kì vọng quá nhiều vào con cái, muốn được rạng danh nhờ con cái. Áp lực đó không chỉ khiến học sinh căng thẳng, mất động lực mà còn có thể để lại hệ quả lâu dài.

Đối với học sinh, các em đặt mục tiêu rõ ràng và cụ thể để có định hướng học tập phù hợp. Kế hoạch ôn tập được xây dựng khoa học, tập trung vào trọng tâm kiến thức và ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Bên cạnh việc học, cô Thảo cũng khuyến khích học sinh rèn luyện thể chất, nghỉ ngơi hợp lý và áp dụng các phương pháp thư giãn nhằm giải tỏa căng thẳng. Việc trao đổi thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái về kỳ vọng, mục tiêu và khả năng thực tế là yếu tố then chốt giúp giảm áp lực, tránh những tiếc nuối sau kỳ thi.

Đối với phụ huynh, trước hết, phụ huynh cần tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập trong môi trường ổn định và thoải mái. Bên cạnh đó, việc quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu những áp lực mà con đang trải qua sẽ giúp học sinh cảm thấy được chia sẻ, từ đó ổn định tinh thần hơn. Cô cũng nhấn mạnh rằng phụ huynh nên đặt niềm tin vào con, khích lệ bằng sự công nhận sự cố gắng chứ không chỉ chăm chăm vào kết quả cuối cùng.

Một học sinh ôn thi lớp 10 tại Hà Nội, cả xóm sống 'rón rén' - 3
Học sinh áp dụng phương pháp phân hóa, học trọng tâm, luyện đề có chọn lọc để không bị "ngợp". Ảnh minh họa

Cùng chung góc nhìn, cô Thùy Linh, giáo viên Ngữ văn tại một trường THCS ở Hà Nội, cho biết, lý do khiến cuộc cạnh tranh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở những thành phố lớn như Hà Nội trở nên ngày càng căng thẳng là bởi tâm lý phổ biến của nhiều phụ huynh, luôn mong muốn con bằng mọi giá phải đỗ trường công lập tốt. Cô chia sẻ: "Nhiều em học sinh khóc ngay trong lớp học vì 'không theo kịp các bạn', vì 'sợ làm bố mẹ thất vọng', vì 'bị đem ra so sánh'".

Theo cô Linh, trong giai đoạn căng thẳng này, giáo viên có nhiệm vụ chia sẻ tình hình thực tế của con, đồng thời phân tích cho phụ huynh thấy rằng sự căng thẳng của bố mẹ sẽ truyền sang con. Giáo viên cần thường trao đổi thẳng với phụ huynh rằng áp lực quá mức không giúp ích mà chỉ làm hại con và khuyên họ tạo môi trường ổn định, động viên kịp thời cho học sinh.

Cô Linh khuyên học sinh áp dụng phương pháp phân hóa, học trọng tâm, luyện đề có chọn lọc để không bị "ngợp". Học sinh nên dũng cảm đặt mục tiêu cao, nhưng cũng phải phân tích khả năng thực tế và chọn trường phù hợp để giảm áp lực.

Về phương thức xét tuyển vào cấp 3, cô Linh cho rằng, phương thức cần đa dạng hóa: Kết hợp xét học bạ, điểm rèn luyện, phỏng vấn… Đồng thời, tăng chỉ tiêu công lập hoặc mở thêm các mô hình trường chất lượng cao với mức học phí hợp lý để giảm lo lắng cho phụ huynh.

Chỉ hơn 60% học sinh Hà Nội được vào lớp 10 trường công

Năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trong 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay, hơn 103.000 em đăng ký thi lớp 10 THPT công lập.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hà Nội sẽ cố gắng đưa ít nhất 64% học sinh vào trường công. Năm 2024, tỷ lệ này chỉ khoảng 61%.

Kỳ thi lớp 10 công lập tại Hà Nội dự kiến diễn ra ngày 6-9/6. Trong đó ngày 6/6, thí sinh làm thủ tục thi, 2 ngày 7-8/6 dành cho thí sinh thi đại trà và ngày 9/6 dành cho thí sinh thi chuyên.

Theo Phương Hồng (SHTT)

Nổi bật