Chuyện cưới xin đôi khi lại trở nên căng thẳng vì phụ huynh hai họ bất đồng quan điểm, hoặc do khác biệt vùng miền. Mặc dù suy cho cùng họ đều muốn con cháu mình có ngày vui trọn vẹn, đáng nhớ. Tuy nhiên, một số trường hợp lại khiến chính con cháu mình rơi vào cảnh khó xử, 'dở khóc dở cười như câu chuyện mới đây của một nàng dâu.
Nàng dâu kể:
“Nếu không phải chồng em kiên quyết đứng về phía vợ, nhà chồng cũng nhiều người khuyên bảo thì có khi em đã quyết định làm mẹ đơn thân còn hơn. Vẫn biết mẹ chồng em khó tính nhưng không ngờ bà lại còn vô lý nữa.
Em và chồng yêu nhau 6 năm rồi mới quyết định ‘thả’. Tính có em bé thì cưới luôn, hạnh phúc nhân đôi. Khi có bầu được 4 tuần thì bọn em quyết định nói chuyện gia đình để cưới xin luôn.
Em và chồng thì quen nhau từ nhỏ cho nên mẹ chồng em tính cách có phần ghê gớm thế nào bố mẹ em cũng biết cả.
Nhiều lúc mẹ em còn thở dài thườn thượt rồi bảo em là làm dâu nhà bà V. bán thịt thì vất vả đấy nhưng em đâu có nghe. Với em thì tình yêu giữa hai người mới là điều quyết định tất cả mọi thứ.
Dù vợ chồng em là người gần nhà nhau nhưng tính ra lại khác xã. Bởi vậy có một số phong tục cưới hỏi khác nhau. Thế nên mới có chuyện suýt nữa đám cưới đã không diễn ra.
Chuyện xảy đến vào hôm hai bên qua lại gặp mặt để bàn ngày ăn hỏi luôn cho hai vợ chồng em. Nhà gái được mời qua nhà trai dùng bữa cơm.
Vì cũng là dịp trọng đại nên bố em mời những người có vai vế trong họ đi, gia đình anh cũng vậy. Mọi chuyện vẫn vô cùng thuận lợi cho đến khi bàn bạc sang phần lễ. Ngoài những thứ quen thuộc như bánh phu thê, trầu cau, rượu hay lợn quay thì phong tục chỗ em cần có một lễ là váy áo và giày cho cô dâu. Ngoài ra còn phải có một khoản tiền nạp tài nữa.
Nhà em thì không coi trọng mấy cái đó, bố mẹ em bảo rằng số tiền ấy là tùy tâm, nhà trai để bao nhiêu vào phong bì cũng đều được hết cả.
Thế nhưng mẹ chồng em nằng nặc không đồng ý. Bà bảo rằng chỗ bên chồng 5 tráp đủ, không có chuyện tráp đồ quần áo và cũng chưa thấy nạp tài bao giờ. Đám cưới thì phải theo phong tục nhà chồng, chẳng ai nghe theo nhà gái bao giờ. Thậm chí bà có những câu khá xúc phạm như:
‘Theo nhà gái để mà bên ấy đòi cả trăm triệu cũng phải theo à’ hay ‘Giờ bầu bì ra đó rồi thì cần gì lễ nghi’.
Lúc này không chỉ em tức giận mà ngay cả những người bên nhà anh có lẽ cũng thấy khó coi. Họ khuyên răn thì mẹ chồng em nói thẳng:
‘Chiều dâu sớm để sau này nó ngồi lên đầu mẹ chồng à? Giờ nó bầu rồi, kiểu gì chẳng cưới. Mấy chuyện cưới xin mà cứ đòi hỏi rườm rà’.
Thật sự nghe mấy câu này mà em choáng váng. Lúc mọi người đang ngớ người vì sự ‘gắt’ quá đáng của mẹ chồng thì bố em đập bàn, tức giận lên tiếng:
‘Hôm nay gia đình tôi sang đây là để bàn bạc với ông bà thông gia chuyện cưới xin cho các cháu. Bố mẹ nuôi con hai mấy năm lúc nào mà chẳng muốn gả nó đi một cách vinh quang nhất. Cả đời cháu nó cưới xin một lần, hai bên người lớn không chung tay lo được cho cháu nó hài lòng nhất thì thôi.
Bà đã có những lời kia thì thôi, gia đình tôi về. Tôi nuôi nó được bao nhiêu năm, giờ nuôi thêm cháu ngoại nữa cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bà cứ giữ lấy cái suy nghĩ chiều dâu thì dâu nó trèo lên đầu đó. Tưởng bà quý dâu quý cháu thế nào chứ riêng những câu bà nói ra thì khỏi thông gia gì nữa, đi về’.
Lúc đó bố em giận lắm, em chưa bao giờ thấy bố sầm mặt xuống như thế luôn. Bố vừa dứt câu thì bác chồng em lên tiếng luôn:
‘Tôi thấy ông đây nói quá đúng, cả đời cưới xin một lần, bố mẹ lo cho con trẻ sao cho chúng nó hài lòng nhất. Mấy lời thím nói ra tự biến mình thành trẻ con hơn thua quá rồi. Nếu thím đã nói vậy thì sau này công to việc lớn nhà thím đừng gọi chúng tôi nữa, nghe được mà xấu hổ ra’.
Đến nước này, chồng em mới bắt đầu xin phép rồi lên tiếng luôn:
‘Nếu như T. xấu tính hay lăm le ngồi lên đầu mẹ thì đã không phải cô ấy rồi. Chuyện cưới xin của bọn con hi vọng mẹ cứ đồng ý cho bọn con tất cả mọi thứ. Có phải gặp được ai đó rồi yêu cưới là chuyện dễ dàng đâu’.
Những người trong nhà cũng bắt đầu rầm rì, có mấy bà dì bà bác cứ thúc tay mẹ chồng em. Không khí bàn chuyện cưới hỏi mà căng như đánh trận. Đến lúc này mẹ chồng em bắt đầu lên tiếng xin lỗi mọi người, bà xin được thông cảm rồi cho rằng mình suy nghĩ chưa chu toàn.
Bố mẹ em cho qua rồi tiếp tục bàn bạc. Em biết rằng có lẽ họ thương con nên mới kiên nhẫn như thế mà thôi. Bây giờ cưới hỏi xong xuôi hết rồi, làm theo đúng như những gì nhà em yêu cầu. Hai vợ chồng em cũng ở thành phố, không sống chung với mẹ chồng nên đỡ chung đụng, kể ra cũng có cái này là may mắn”.
TH (Nguoiduatin.vn)