Hành trình mang thai đôi luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc hơn cả, khiến người mẹ phải lâm vào những cảnh huống khó khăn không ngờ. Câu chuyện của chị B.K (26 tuổi, hiện đang sống ở Thái Bình) là một trong số đó. Chị phát hiện mình mang thai đôi, cả hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, nhưng rồi thai bị hội chứng truyền máu song thai, hai em bé phát triển lệch và cuối cùng phải đứng trước quyết định đình chỉ một thai. May mắn đã đến khi chị B.K tình cờ được một bác sĩ người nước ngoài giúp làm thủ thuật, kẹp dây rốn thai bất thường và hiện tại chị đang trong những ngày hồi hộp chờ đón một bé còn lại chào đời.
Chị B.K kể lại: "Khi bé lớn nhà mình được 3 tuổi rưỡi, bé thứ 2 được 7 tháng thì mình phát hiện mang thai được 6 tuần. Ngày siêu âm biết tin mang thai đôi, cả hai vợ chồng mình đã rất mừng và ngỡ ngàng. Sau đó, mình đi siêu âm, theo dõi thường xuyên tại phòng khám tư ở tỉnh, vì cũng đã đọc trên mạng về những nguy cơ khi mang song thai nên cẩn thận hơn. Đến tuần thứ 8, bác sĩ cho biết thai đã phân chia thành 2 buồng ối. Mình yên tâm vì đã loại được nguy cơ của 1 ối. Theo dõi đến tuần 12, mình đi siêu âm ở phòng khám khác, bác sĩ hỏi kết quả tuần thứ 8 có 2 ối hay không. Khi mình khẳng định là bác sĩ cũ nói có 2 buồng ối, bác sĩ mới bảo mình quay về, ít hôm nữa qua siêu âm lại và siêu âm đầu dò để xem có rõ màng ối không".
Khoảng vài ngày sau, vợ chồng chị B.K sốt ruột, quay lại phòng khám. Bác sĩ thông báo thai là 2 bé trai, nhưng cần đi khám ở nơi có máy móc hiện đại hơn để biết có 2 buồng ối hay không. Chưa kịp vui mừng khi có 2 con, vợ chồng chị B.K đã phải rơi vào nỗi lo lắng về việc không có 2 ối riêng rẽ. 14 tuần, hai vợ chồng chị khăn gói lên Hà Nội, qua phòng khám của bác sĩ Tú ở bệnh viện Vinmec. Kết quả khiến hai vợ chồng rất buồn: "Bác sĩ khẳng định lại 1 lần nữa, vợ chồng mình thuộc trường hợp hiếm khi phôi thai phân chia ở ngày 9 đến ngày 13. Và tỉ lệ thành công trog thai kì của mình chỉ là 50%. 2 bé có nguy cơ xoắn dây rốn trong quá trình vận động và có thể gây mất tim thai bất cứ lúc nào nếu dây rốn quá chặt. Ngoài ra, còn có nguy cơ truyền máu song thai (TMST) nhưng nguy cơ ở 1 ối là 5% ít hơn so với 2 ối 1 nhau là 25%".
Vợ chồng chị B.K vô cùng hoang mang, động viên nhau rằng tất cả chỉ là nguy cơ. Nhưng những lời bác sĩ chẩn đoán vẫn thực sự khiến hai vợ chồng chưa lúc nào nguôi lo lắng. Đặc biệt khi có thêm vấn đề bác sĩ còn băn khoăn là ở tuần 14, có một bé trục tim lệch trái 87 độ. Bác sĩ hẹn vợ chồng chị 2 tuần sau lên siêu âm, kiểm tra lại.
Tuần 16 siêu âm, kết quả 1 bé tim lệch trái và dường như nhiều nước ối hơn, cần phải theo dõi thêm. Và đến tuần 16, thực sự là hành trình cứu con của vợ chồng chị B.K.
"Bé tim lệch trái bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Cột sống bị lệch do thiếu 1 đốt. Bác sĩ không nhìn rõ 1 bên thận của bé nên có khả năng là thiếu 1 quả thận. Và mặc dù có 5% nguy cơ truyền máu song thai, nhưng cuối cùng mình vẫn nằm trong 5% ít ỏi đó. Nước ối bắt đầu nhiều đến mức báo động, 2 bé chênh nhau 12%. Bàng quang của bé bất thường nhỏ hơn so với bé còn lại. Mình được chỉ định chọc ối. Vợ chồng mình lo lắng vô cùng vì sợ không cứu được cả 2 con, sợ kết quả chọc ối có bất thường về NST thì bé còn lại sớm hay muộn cũng bị bất thường. Còn một bé có biểu hiện khỏe mạnh nhưng không biết có cứu được con không vì 2 con chung buồng ối", chị B.K kể lại.
Ngày hôm sau, chị B.K được một chuyên gia người nước ngoài hội chẩn lại. Sau khi siêu âm, hội chẩn hơn 1 tiếng đồng hồ, bác sĩ giải thích cho chị: "Mình đã bị truyền máu song thai từ hôm qua đến hôm nay mà 2 bé đã chênh từ 12% lên đến 18%, nước ối cũng từ 62 mà lên tận 85. Bác sĩ nói cần can thiệp càng sớm càng tốt. Thủ thuật cụ thể là bác sẽ dùng 1 cái panh xâm lấn vào bụng mẹ, tiếp cận dây rốn của bé yếu và dùng kẹp kẹp lại dây rốn để chặn tuần hoàn (khi này sẽ loại bỏ được nguy cơ truyền máu song thai)".
Trong quá trình làm thủ thuật nếu có điều kiện cho phép, bác sĩ sẽ đốt hẳn dây rốn để bé yếu có thể thoát hẳn ra. Cái dây rốn không liên quan gì đến bé còn lại để tránh trường hợp dây rốn quấn khi bé nghịch quá. Bác sĩ nói luôn tỉ lệ thành công là 75%. Trong đó nếu nguy cơ của mình là 24% sẽ bị đẻ non mất cả 2 bé do can thiệp vào tử cung. 1% do chung ối 2 dây rốn của 2 bé quấn vào nhau nên sẽ có thể cắt nhầm", chị B.K vẫn chưa thể quên được từng lời bác sĩ nói.
Hai vợ chồng chị quyết định nghe theo bác sĩ như với lấy chiếc phao cứu sinh cuối cùng để cứu con. Sáng hôm sau, chị gặp bác sĩ để làm công tác tư tưởng. Buổi chiều 3h, chị được vào phòng, được gây tê như một ca mổ để các bác sĩ làm thủ thuật. Bác sĩ người nước ngoài là người làm chính và dụng cụ cũng do bác mang từ bên Pháp về. Làm xong ca thủ thuật cho chị B.K, hôm sau cũng là ngày bác sĩ về nước.
"Nghĩ lại vợ chồng mình thật may mắn vì gặp được đúng lúc bác sang Việt Nam. Hẳn đó cũng là một cơ duyên mà số phận cho mình còn giữ lại được một đứa con. Hiện tại thủ thuật đã làm được khoảng 2 tuần, sức khỏe của mình vẫn bình thường. Bé bất thường tim thai đã âm tính và mất tuần hoàn. Bé vẫn ở trong bụng mẹ và sẽ dần teo đi, không ảnh hưởng gì đến bé còn lại. Bác sĩ dặn cần theo dõi thêm 2 tuần nếu không có dấu hiệu sinh non thì mọi thứ đã tạm ổn. Mình vẫn đang phải đợi kết quả nhiễm sắc đồ để chắc chắn rằng bé còn lại sẽ khỏe mạnh", chị B.K cập nhật thêm về tình hình của mình.
Dù chỉ cứu được 1 đứa con và vẫn đang phải hồi hộp chờ con chào đời an toàn, nhưng với vợ chồng chị B.K điều đó đã là kỳ tích. Qua câu chuyện của mình, chị muốn nhắn gửi đến các mẹ bầu, rằng đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Hãy tin tưởng và làm theo lời bác sĩ, chọn bác sĩ có uy tín để đồng hành trong thai kỳ của mình. Đặc biệt với các mẹ mang đa thai, việc tìm hiểu, nghiên cứu thêm về các kiến thức từ nhiều nguồn cho mình chưa bao giờ là điều thừa thãi cả.
Hội chứng truyền máu song thai (Twin To Twin Transfusion Syndrome – TTTS) là một rối loạn nghiêm trọng xảy ra ở cặp song sinh giống hệt nhau và đa thai. Hội chứng này xảy ra khi các mạch máu của nhau thai chia sẻ và liên kết với nhau. Điều này dẫn đến một em bé (trẻ sinh đôi này được gọi là trẻ nhận) nhận được nhiều máu hơn, trong khi trẻ còn lại (gọi là trẻ tặng) nhận được quá ít máu.
Theo Ocean (Helino)