Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương

12/10/2018 13:58:20

Những ngày mới lấy chồng qua Canada, chị Hồng Phước cùng chồng và bé Corbin nằm chung trên một chiếc giường trong căn phòng trọ nhỏ, rồi những ngày chị chở xe đạp đưa đón Corlin đi học đã xây đắp lên tình yêu thương “mẹ ghẻ - con chồng” đến tận bây giờ.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương

Người Việt Nam thường có câu ca dao rằng “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, thế nhưng suốt gần chục năm qua chị Trần Lê Hồng Phước (SN 1978) ở Canada vẫn luôn dành tình yêu thương của mình trong mối quan hệ người ta vẫn hay gọi “mẹ ghẻ - con chồng” để phủ nhận câu nói ấy.

Mặc dù đã có 3 nhóc tì đáng yêu Xuân Uyên (7 tuổi), Uyên Khanh (6 tuổi) và Khanh Nguyên (4 tuổi) nhưng tình yêu chị Hồng Phước dành cho con riêng của chồng vẫn không thay đổi. Chị vẫn luôn công bằng và dạy các con biết cách yêu thương, chia sẻ và đoàn kết với nhau.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 1
Gia đình chị Hồng Phước. 

3 người ngủ một phòng, ngày nào cũng chở con riêng của chồng đi học

Chị Hồng Phước sinh ra ở TP.HCM. Chị kết hôn với anh Jules Wilkinson người Canada nhờ “bà mai” Facebook cách đây 9 năm. Điều đặc biệt trong chuyện tình của chị, ngày chị kết hôn với anh cũng là ngày đầu tiên cả 2 gặp gỡ ở ngoài đời sau 9 tháng quen nhau và chị sẵn sàng chấp nhận con riêng của chồng để tiến tới hôn nhân lâu dài.

Mặc dù chưa gặp nhau lần nào nhưng tình cảm của chị và Corbin - con riêng của chồng vẫn rất gần gũi và hạnh phúc bởi những cuộc trò chuyện video call qua Facebook.

Chị Phước kể, khoảng thời gian video chat đó, Corbin còn gọi chị là mẹ. Chính vì vậy khi mới qua Canada, chị và Corbin đã như biết nhau từ lâu, cùng nhau đi chơi công viên. Không những vậy, chị còn giúp người yêu cũ của chồng (mẹ Corbin), trông bé để chị ấy đi làm rồi cùng mọi người về nội ăn Noel.

Chị vẫn còn nhớ như in những ngày chở con bằng xe đạp đi học, rồi những ngày chị và chồng cùng Corbin nằm ngủ chung trên một giường trong căn phòng trọ nhỏ. Có lẽ những tình cảm giản dị và gần gũi ấy đã khiến chị và Corbin xóa tan những khoảng cách, những định kiến, suy nghĩ cổ hủ của mọi người bấy lâu nay. Đó cũng là những kỉ niệm xây đắp, gắn kết mối quan hệ “dì ghẻ - con chồng”.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 2
Những ngày mới sang Canada, chị là người chăm bé Corbin, chở bé đi học bằng xe đạp mỗi ngày.

“Lúc mới qua Canada chưa có bằng lái xe, mình lại trông con trước và sau giờ đi học nên 2 mẹ con đạp xe đi. Mình cứ thế qua nhà giữ Corbin buổi sáng, chiều, trước và sau giờ đi học cho mẹ con đi làm. Sau đó mình giữ đêm và cuối tuần. Hồi đó, Corbin mới 6-7 tuổi”, chị Hồng Phước nhớ lại.

Luôn dành cho Corbin tình yêu thương lớn nhất nên khi sinh 3 bé Xuân Uyên, Uyên Khanh, và Khanh Nguyên, chị và chồng đều phải chuẩn bị tâm lý tốt để cho con không tạo sự khác biệt, cảm thấy bị “cướp đoạt” đi thời gian của ba mẹ dành cho mình.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 3

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 4
Khi có con, chị luôn hài hòa, cân đối để Corbin không cảm thấy mình bị "bỏ rơi". 

Giúp con từ trẻ tự kỷ, trầm cảm phải dùng thuốc mỗi ngày trở nên bình thường

Chị Hồng Phước bảo, chị có lợi thế khi được chăm sóc con riêng của chồng ngay từ khi còn nhỏ nhưng chị vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi Corbin ở với mẹ đẻ ngày càng trở nên hư, tự kỷ nặng hơn. Đã không ít lần chị bị stress vì tính cách của con thay đổi.

Mặc dù không phải là người “dứt ruột đẻ ra” nhưng chị luôn dành tình yêu cho Corbin giống như những đứa con mình sinh ra. Không thể để tình hình con xấu đi, chị quyết định đề nghị người yêu cũ của chồng đón Corbin về nhà nuôi và dạy dỗ khi bé 12 tuổi. Và tình yêu thương của chị đã cảm hóa được cậu bé tuổi mới lớn đó.

Từ một cậu bé bị tự kỷ, phải uống thuốc mỗi ngày và bỏ học triền miên, Corbin đã thay đổi hoàn toàn, trở nên lịch sự hơn với mọi người, nói chuyện chừng mực và không còn chửi thề, đặc biệt không còn phải dùng thuốc mỗi ngày nữa. Không những vậy, Corbin còn tự giác chuẩn bị sách vở cho buổi học, không bỏ buổi nào, trừ khi có hẹn với bác sĩ được bố mẹ cho phép nghỉ.  

“Trước đây, bạn cực kỳ hư, chửi thề, hỗn, cộc lốc và mê chơi điện tử. Bạn không tắm, không đánh răng, không thay đồ và ăn uống mà chỉ biết chơi điện tử ngày đêm. Năm học lớp 7 có 192 ngày bạn ý nghỉ 112 ngày và đi trễ 80 ngày, bị tự kỷ và trầm cảm phải dùng thuốc mỗi ngày.

Sau 2 năm ở với vợ chồng mình con ngoan hơn nên mẹ con muốn đón về nuôi khiến con trở nên trầm cảm, cau có mấy tháng nay. Vợ chồng mình phải âm thầm đổi chiến thuật để giúp con tốt hơn”, chị Hồng Phước chia sẻ tình hình Corbin.

Tuy 3-4 tháng trở lại đây, Corbin có thay đổi tính cách, bị trầm cảm với gương mặt lầm lì, cau có nhưng chị Phước vẫn luôn kiên nhẫn với con. Đã có lúc chị bị stress vì con không chịu nói chuyện nhưng vẫn luôn kiên nhẫn và cố gắng giải thích cho con hiểu vì sao. Chị tin sau này lớn lên, con cũng sẽ hiểu được những điều chị làm để giúp con trưởng thành và tốt hơn.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 5
Corbin hay làm thiệp tặng mẹ Hồng Phước vào những ngày lễ. Tuy bức thiệp nhỏ giản dị nhưng đong đầy yêu thương của cả 2 mẹ con. 

Hiện giờ Corbin đã được 15 tuổi, chia sẻ về phương pháp dạy con của mình, chị Phước cho biết, chị luôn thảo luận với con như với một đối tác và luôn nương theo con nhưng vẫn giữ riêng nguyên tắc của mình.

“Mấy năm qua mình cắt điện tử với con hoàn toàn. Nhưng do tình hình mẹ của con muốn đón con về nên mình viết bản thoả thuận giờ chơi điện tử với con và ký tên cùng con và chồng. Mình nói với con, chúng ta cùng hợp tác với nhau chứ không ép buộc vì mình chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Con đọc cẩn thận cả buổi xong ký và đem đưa lại cho vợ chồng trong vui vẻ".

Để hiểu con hơn, vào mùa hè, chị vẫn trả tiền gia sư để con đến gặp trò chuyện tâm sự với cô. Chính vì dành tình yêu thương cho con riêng của chồng như con đẻ, thậm chí chị tự tay chăm lo hết mọi việc của các con đến đi họp phụ huynh nên Corbin đã thay đổi đáng kể.

Hiện nay, Corbin đã có thể tự làm vệ sinh cá nhân của mình và đi học đúng giờ, tự bỏ điện thoại xuống khi hết quy định, đi ngủ đúng giờ và phụ giúp cắt cỏ ngoài vườn cho bố mẹ. Có lẽ với những người khác những công việc này là bình thường nhưng đối với chị đó là một sự thay đổi lớn. "Cuối cùng con đã hiểu tình yêu thương của chị dành cho mình" - Chị Hồng Phước mừng rỡ nói.

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 6

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 7
Những bức hình gần gũi và hạnh phúc của chị Phước và Corbin - con riêng của chồng. 

Nói về việc dạy các con để không tạo sự phân biệt trong gia đình, chị Phước cho biết, nguyên tắc sống trong gia đình chị là tất cả mọi thành viên phải yêu thương nhau. Đặc biệt chị luôn tế nhị để giải quyết những bất đồng giữa các con. Đối với chị, điều quan trọng nhất là dạy các con yêu thương và tôn trọng anh.

“Có chuyện gì bất đồng, mình la các con nhỏ trước vì không cho phép các con không tôn trọng anh. Sau đó, mình mới giải thích cho các con và khuyên các con cần đến cám ơn anh đã chỉ dạy. Mặc dù thỉnh thoảng con vẫn thấy anh hư mình phải chỉ cái sai của anh cho con không phạm phải.

Mỗi lần Corbin chỉnh mấy em cái gì là mình luôn nhắc mấy con nói “cám ơn anh đã chỉ dạy em”.

Thỉnh thoảng trong nhà, từng bạn sẽ có thời gian riêng được ở với ba hay mẹ. Riêng Corbin thì có thời gian riêng với ba như đi xem phim, bắn súng, câu cá... Để anh thấy các con như nhau chứ không có sự khác biệt. Chỉ là đông con thì thời gian riêng ít hơn nhưng con nào cũng vậy”, chị Phước cho hay. 

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 8

Mẹ 7X bỏ qua mặc cảm 'bánh đúc có xương' nuôi con chồng tự kỷ bằng tình yêu thương - 9
Corbin cũng rất yêu thương 3 em. 

Chia sẻ quan điểm của mình về câu ca dao “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, chị Phước trải lòng, nếu thật sự bắt người mẹ kế yêu thương con chồng như con ruột thực sẽ rất khó và chị cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên với lợi thế chăm bẵm con từ nhỏ và luôn nghĩ cố gắng làm những điều đúng nhất để giấc ngủ an yên mỗi ngày nên chị đã làm được điều đó. Hơn nữa, chị luôn nghĩ, mình có thể lo cho những đứa trẻ khác sao lại không làm vậy với con riêng của chồng để chăm sóc con tốt hơn.

Đối với chị, chăm sóc không có nghĩa là cho tiền hay mua tất cả những thứ con muốn mà là bỏ thời gian cho con. Chị luôn kiên nhẫn với con bởi chị biết, dù con có ghét nhưng một ngày nào đó con sẽ hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của mình.

Theo Hồng Nhung (Khampha.vn)