Mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh 15 tuổi đến đường cùng bằng cách nào?

21/06/2015 07:37:02

Khi đoạn clip được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, người ta không quan tâm đến số phận của hai nhân vật chính. Những phản xạ tự nhiên đến rất nhanh từ đám đông: Họ comment mạt sát cô bé, cùng share và down clip, lục lọi facebook của nạn nhân chỉ để buông những lời độc ác.

Khi đoạn clip được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, người ta không quan tâm đến số phận của hai nhân vật chính. Những phản xạ tự nhiên đến rất nhanh từ đám đông: Họ comment mạt sát cô bé, cùng share và down clip, lục lọi facebook của nạn nhân chỉ để buông những lời độc ác.

Những lời mạt sát được gõ ra "nhanh hơn cả suy nghĩ"

Chỉ trong vòng 2 ngày qua, facebook tràn ngập đoạn clip của một cặp đôi mà người ta chỉ nhắm vào thông tin của nhân vật chính: một cô bé sinh năm 2000. Đây có thể là nguyên nhân khiến clip thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Nhiều người còn nhanh tay download và chia sẻ trên diễn đàn, youtube, các trang blog cá nhân của mình với chú thích clip đầy hào hứng, khoái trá. Những người không share thì cũng send link cho bạn bè, hoặc tag hàng loạt bạn bè của mình vào comment để xem clip. Tò mò hay hiếu kì là tâm lí chung của con người, nhưng nếu dừng lại nghĩ thêm vài giây, có thể cái bản năng tò mò đó đã không lấn át... Bạn có thể không cần thương xót hay cảm thông với cô bé, nhưng cũng đã không góp phần vào hàng nghìn cái comments mạt sát khiến cô bé ấy rơi vào bước đường cùng...

Hàng nghìn comment "nhắc" bạn bè mình vào xem clip sex của nữ sinh 15 tuổi.


Không dừng lại ở việc share, like, download một cách vô cảm và vô ý thức, cộng đồng mạng còn tích cực "chửi cho sướng mồm". Có thể thấy rất nhiều comment của cộng đồng mạng như "Đồ trẻ trâu", "Đẹp mặt chưa bé gái!", "Hàng ngon thế?", "Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi...". Chửi trên facebook người khác không thích, hàng trăm hàng nghìn người đổ xô lùng sục facebook của hai nhân vật chính để... chửi tiếp.
 

Một facebook-er nhiệt tình share clip cùng với đường link vào facebook của hai nhân vật chính.

 
Khi đã tìm được facebook của cặp đôi cùng ngụ ở Đồng Nai là T. (SN 2000) và Đình Lộc (SN 1994), cộng đồng mạng lại tiếp túc ném đá, miệt thị cả hai. Facebook của cô bé nữ sinh bỗng tăng hàng nghìn lượt theo dõi, hình ảnh cá nhân bị chia sẻ và nhiều bình luận cợt nhả, xúc phạm nặng nề. Họ gọi cô bé là gái bán dâm chuyên nghiệp, họ bình phẩm về thân thể của em, nhiều người còn kêu em: "Chết đi đồ hư hỏng". Những "anh hùng bàn phím", gõ phím nhanh hơn suy nghĩ, đã không biết rằng khi họ tích cực chửi mắng em, thì gia đình đang cầu cứu khắp các bệnh viện để giữ lại mạng sống cho em sau khi em uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Cuối cùng thì T. cũng không qua khỏi vì chất độc quá mạnh, cô bé ấy chỉ mới 15 tuổi, em chọn cái chết để trốn tránh sự dè bỉu của dư luận đang đặt nặng lên đôi vai em. Khi chúng ta ở vị trí của T., có lẽ chúng ta sẽ hiểu, cảm giác khủng hoảng tâm lý trầm trọng khi nghĩ rằng cuộc đời mình đến đây là hết, còn ai dám yêu mình nữa, hàng xóm, bạn bè, cư dân mạng sẽ không ngừng nhắc lại sai lầm này của mình, họ sẽ xúc phạm cả ba mẹ mình, họ sẽ chia sẻ hàng trăm lần đoạn clip ấy, cả đời mình sẽ sống trong nhục nhã... Và như thế, cô bé đã chọn giải pháp bồng bột ở tuổi mới lớn: từ biệt tất cả!

Trong lúc các "anh hùng bàn phím" đang miệt mài xúc phạm, chửi rủa T., thì em đang nằm trong bệnh viện chờ chết...


Mạng xã hội đã trở thành con dao hai lưỡi như thế, chúng ta vô tình thấy một hình ảnh, đoạn clip nào đó và nghĩ rằng buông vài câu chửi, miệt thị với vần điệu thật hay vào để thu hút... like, cũng là gián tiếp ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống, thậm chí là tính mạng của người khác.

"Hãy biết áy náy khi đã tấn công hoặc phê phán người khác"

Nhìn nhận sự việc này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) cho rằng, do nhu cầu khẳng định và thể hiện, nhiều người dễ dàng phán xét người khác mà không cần suy nghĩ. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: "Đặc biệt với một xã hội mở như thế giới phẳng ngày hôm nay, việc nhiều người vô tư ném đá, dè bỉu, phê bình, chỉ trích không quá khó. Chỉ cần vài cái gõ phím, chỉ cần vài giây, có thể cho người khác "lên bờ xuống ruộng" hay thậm chí đi về nơi xa rất nhẹ nhàng.

Điều này phản ảnh một cái nhìn khá chủ quan và cảm tính, phản ánh một thái độ chưa thực sự trách nhiệm với lời nói, suy nghĩ hay hành động của mình, không ít người mượn chuẩn để phán xét vô tư. Lẽ đương nhiên, cũng chính sự nhanh nhạy của thế giới mạng đã giúp ích rất nhiều hoàn cảnh khác nhau và điều căn bản chúng ta dễ nhận thấy ở sự kết nối này đã đem đến nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Sự tương ái cũng đã diễn ra nhưng hình ảnh này hay hành động kia không "phổ quát" bằng thế giới mạng quá vô tình."

Có lẽ những ai đã tấn công, phê phán hoặc chỉ trích em cũng cần dành chút cảm xúc áy náy, ăn năn. Pháp luật chỉ xử người dụ dỗ em, người tung clip chứ không thể xử người đã ném đá, nhưng thiết nghĩ, người trong cuộc cũng cần nhìn nhận lại mình vì gián tiếp hay trực tiếp cũng đã làm một sinh mạng mất đi.

T. không phải là nạn nhân đầu tiên của cộng đồng mạng. Trước đây đã từng có rất nhiều người rơi vào trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng khi đột nhiên bị công kích bởi một nhóm người họ chưa từng quen biết trên mạng xã hội. Điển hình như câu chuyện của một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì bị bạn học chế ảnh “nóng”, bêu xấu trên Facebook, một nữ sinh Đà Nẵng tự tử ngay trước kì thi tốt nghiệp vì bị nhục mạ trên trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành” bằng những lời lẽ tục tĩu, thông tin bịa đặt, xúc phạm nhưng may mắn được cứu sống. Cộng đồng mạng có rất nhiều lý do để thóa mạ người khác, vì không cùng quan điểm, vì người ta chửi thì mình cũng chửi, vì... ngứa mắt. Họ dùng mạng xã hội như một công cụ để nhân rộng sự ngược đãi.

Ngay lúc này đây, khi đám tang em vẫn còn diễn ra ở quê nhà, thì trên facebook, người ta lại chuyển hướng xúc phạm em theo một cách khác, họ nói: "Ăn chơi không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?", "Ai bắt nó phải chết đâu?", "Mới có tí chuyện mà cũng chịu không nổi...". Chỉ mong sao gia đình em tránh xa internet, tránh xa mạng xã hội, để họ không phải đau lòng khi biết con mình đã trở thành nạn nhân của những cái like và share vô cảm đến thế nào.

 Cư dân mạng vẫn không ngừng phán xét cô nữ sinh đã khuất.


Hiện nay, pháp luật đã có những quy định nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Được quy định tại Điều 5.1.b Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
 
Ngoài ra, nếu hành vi phát tán clip nóng lên các trang mạng xã hội đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem xét xử lí hình sự theo qui định của điều 253 BLHS, Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Theo đó, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
 
Hành vi của những người chia sẻ clip sex trên mạng đã tiếp tay trong việc truyền bá các cảnh nóng trên facebook và như thế đã vi phạm điều cấm của Điều 5.1.b Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
 
Như vậy với những hành vi này. Nếu bị phát hiện và xử lí thì người đã có hành vi chia sẻ clip nóng ra có thể bị xử phạt hành chính theo qui định hiện hành.
 
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM
 
>> Gia đình nghi phạm tung clip sex: "Từ lâu nhà tôi đã xem T. như con dâu"
>> Đoạn ghi âm cuối cùng của nữ sinh 15 tuổi bị tung clip sex: "Vì Lộc mà con phải chết"
>> Cái chết tức tưởi của nữ sinh 15 tuổi sau khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng
 
 
Theo Q.Trân (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)