Mâm cỗ, lễ vật cúng ông Công ông Táo theo cổ truyền

13/01/2023 09:08:12

Vào dịp ông Công ông Táo cúng gì cho đúng luôn là điều được nhiều gia đình quan tâm. Tùy thuộc vào phong tục từng vùng miền mà cách chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật cúng sẽ có những sự khác biệt.

Hàng năm cứ vào dịp 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép rời nhân gian để bay lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo tất cả những điều tốt xấu xảy ra trong suốt một năm vừa qua. Do đó nhiều gia đình vào dịp này thường sửa soạn mâm cỗ cúng, lễ vật để tiễn đưa ông Táo về trời theo đúng quan niệm dân gian.

Tính theo dương lịch năm Quý Mão 2023, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp sẽ rơi vào ngày thứ Bảy (14/01). Vì là ngày cuối tuần nên nhiều gia đình có thể thoải mái thời gian để chuẩn bị mâm cỗ cúng được tươm tất nhất. Tuy nhiên thời điểm thực hiện lễ cúng luôn luôn phải diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, để các Táo còn có thể về kịp buổi chầu với Ngọc Hoàng.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Một mâm cỗ cúng ông Táo thật đầy đủ và tươm tất thì không thể thiếu được lễ vật và cỗ cúng. Lễ vật thì hầu như cả 3 miền ở nước ta đều giống nhau, bao gồm những thứ sau:

- Mũ ông Táo: Gồm 2 mũ cánh chuồn cho Táo ông và 1 mũ không cánh chuồn cho Táo bà.

- Quần áo giấy cho các Táo.

- Tiền, vàng mã.

- Cá chép: Ở miền Bắc thường dùng cá chép còn sống trong chậu nước, còn miền Nam dùng cá chép bằng giấy. Riêng miền Trung lại dùng ngựa giấy để cúng chứ không dùng cá chép.

Đặc biệt, màu sắc của các bộ quần áo giấy cho các Táo sẽ phải thay đổi tùy thuộc vào ngũ hành của năm tới là gì. Cụ thể năm 2023 là Quý Mão, ngũ hành Kim, do đó bạn nên lựa chọn các bộ quần áo giấy màu vàng cho các Táo là phù hợp nhất.

Khi lễ vật được chuẩn bị xong, tiếp theo chúng ta sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mỗi miền ở nước ta sẽ có phong tục tập quán khác nhau, do đó mà mâm cỗ cúng cũng sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

1. Mâm cúng ông Công ông Táo miền Bắc

Bao gồm những món ăn sau đây:

- Thịt gà trống luộc

- 1 bát canh măng

- 1 bát hành muối

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa giò

- 1 đĩa nem rán

- 1 đĩa xào rau củ

- Trầu, cau

- Hoa, quả

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 1 bát chè (tùy từng địa phương, có thể có hoặc không)

2. Mâm cúng ông Công ông Táo miền Trung

Bao gồm những món ăn sau đây:

- Thịt gà trống luộc

- 1 bát hành muối

- 1 đĩa bánh chưng

- 1 đĩa nem, chả rán

- 1 đĩa rau củ xào

- 1 bát canh măng, mọc tùy ý

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa cá thu hoặc cá ngừ nướng

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- Hoa quả

- Trầu cau

3. Mâm cúng ông Công ông Táo miền Nam

Bao gồm những món ăn sau đây:

- Thịt heo luộc

- 1 bát canh mọc

- 1 bát củ kiệu muối

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa chè kho

- 1 đĩa chả giò rán

- Trầu, cau

- 1 đĩa đậu phộng

- 1 đĩa kẹo mè đen

- Hoa quả

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

Giờ tốt lành để cúng ông Công ông Táo

Ngày lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm 2023 sẽ diễn ra vào thứ Bảy, tức ngày 14/01/2023 theo dương lịch. Vậy nên các gia đình cần thực hiện lễ cúng vào trước 12 giờ trưa ngày 23 âm lịch để kịp giờ lên chầu của các Táo. Ngoài ra, nhiều gia đình có xu hướng cúng trước ngày 23 có thể tham khảo các khung thời gian đẹp nhất trong ngày, sao cho thuận tiện cho việc làm lễ:

- Cúng ông Táo vào ngày 21 tháng Chạp: Nên cúng vào các giờ Mão (5h - 7h), giờ Ngọ (11h - 13h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h). Trong đó, giờ Ngọ được coi là khung giờ tốt nhất để cúng nhằm giúp gia đình gặp nhiều may mắn, hóa giải bệnh tật và xui xẻo.

- Cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp: Nên cúng vào các giờ Thìn (7h - 9h) và giờ Tỵ (9h - 11h). Trong đó, giờ Thìn là thời điểm thích hợp nhất để làm lễ nhằm mang lại may mắn cho gia đình.

Văn khấn cúng ông Công ông Táo

Sau đây là bài văn khấn cúng ông Táo được trích từ cuốn sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa - Thông tin) để các bạn có thể tham khảo nhằm thực hiện việc cúng bái đúng cách.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: …

Hiện đang ngụ tại:…

Hôm nay nhân ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Một số lưu ý khi thực hiện cúng ông Công ông Táo

Để giúp lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp được diễn ra thuận lợi, từ đó giúp mang lại may mắn, xua tan điều xui xẻo để đón chào năm mới. Sau đây là một số điều cần lưu ý:

- Trước khi tiến hành làm lễ, bạn cần phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự và nghiêm túc, không được ăn mặc hở hang hoặc xuề xòa.

- Khi tiến hành đọc văn khấn ông Táo, cần đọc to, rõ ràng, không nói lí nhí hoặc nói không thành tiếng.

- Chỉ nên bám sát vào nội dung của bài văn khấn, báo cáo những việc tốt mà gia đình đã làm trong năm vừa qua, không cầu xin tài lộc, giàu sang, phú quý,...

- Không nên cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.

- Sau khi thực hiện lễ cúng nhớ phải đi phóng sinh cho cá, khi thả cá ra hồ, ao cần nhẹ nhàng, không thả từ trên cao xuống, không thả ở nơi có nguồn nước ô nhiễm.

Dung (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật