Năm 2018, tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), một cặp đôi trẻ tuổi trong lúc đi làm giấy khai sinh cho đứa con mới chào đời đã bất ngờ vướng vào một sự cố chấn động. Chỉ vì một bước thủ tục cần thiết – xét nghiệm ADN để xác nhận quan hệ cha con, họ phát hiện điều không ai ngờ tới: Đứa bé không có quan hệ huyết thống với người cha.
Kết quả gây sốc không chỉ khiến người chồng sụp đổ tinh thần mà còn đẩy người vợ vào tình thế tức giận và hoảng loạn. Cô dứt khoát khẳng định: "Tôi chưa từng lên giường với ai khác!".
Chuyện gì đã thực sự xảy ra?
Ảnh minh họa
Tình yêu ngọt ngào và cú sốc không thể lý giải
Cặp đôi trong câu chuyện là Tiểu Lý và Tiểu Vương. Họ yêu nhau chân thành, gắn bó nhiều năm. Khi Tiểu Lý mang thai, Tiểu Vương luôn kề cạnh chăm sóc từng chút một, từ các buổi khám thai cho đến việc chuẩn bị dinh dưỡng và hỗ trợ cô vượt qua những khó chịu của thai kỳ.
Cặp đôi chưa đăng ký kết hôn nhưng khi em bé chào đời, họ quyết định làm thủ tục nhận con và khai sinh. Một trong những bước bắt buộc là xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ huyết thống cha – con.
Mang theo niềm vui và sự bình thản, họ tới bệnh viện. Tuy nhiên, kết quả trả về như sét đánh ngang tai: Đứa trẻ không phải con ruột của Tiểu Vương.
Tiểu Vương chết lặng. Anh nhìn vào tờ giấy xét nghiệm, tay run lên bần bật. Còn Tiểu Lý thì bật khóc, không thể chấp nhận kết luận oan nghiệt ấy. Cô liên tục nói trong nước mắt: "Em không lừa anh. Em chưa từng phản bội".
Giữa cơn sốc, Tiểu Vương vẫn giữ được chút lý trí. Anh đề nghị làm lại xét nghiệm tại một bệnh viện khác. Lần này, kết quả cho thấy một điều lạ lùng: Một số điểm di truyền của anh và đứa bé khớp hoàn toàn, chứng minh có quan hệ huyết thống, nhưng nhiều điểm khác lại hoàn toàn không khớp.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Đứa trẻ này là con ruột của anh hay không?
Giải mã bí ẩn: Hội chứng "Người hai bộ gen"
Các bác sĩ bắt đầu nghi ngờ về một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp trong y học – "chứng Chimerism" hay còn gọi là hiện tượng "người lai gen" (chimeric). Chimerism là hiện tượng xảy ra ở người khi 2 trứng đều được thụ tinh (tức 2 phôi). Hai phôi này có cấu trúc di truyền khác nhưng lại kết hợp với nhau trong thời kỳ đầu của thai kỳ, mỗi hợp tử sẽ mang một bản sao của bố hoặc mẹ. Hợp tử mới đó sẽ phát triển thành một cơ thể mới có cấu trúc di truyền khác nhau.
Cơ thể Tiểu Vương được cho là có hai hệ gene – một bộ di truyền từ chính anh và một bộ đến từ người anh em sinh đôi đã bị hấp thụ khi còn trong bụng mẹ. Vì thế, khi xét nghiệm ADN từ một bộ phận cơ thể không trùng với gen truyền sang con, kết quả sẽ cho thấy đứa trẻ "không phải con ruột".
Để xác minh, các bác sĩ đã lấy mẫu ADN từ nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể Tiểu Vương. Kết quả cuối cùng xác nhận: Tiểu Vương thực sự là một "người hai bộ gen". Bộ gen trong tinh trùng của anh khớp với ADN của đứa trẻ, chứng minh rõ ràng anh là cha ruột.
Hiện tượng "người lai gen" không chỉ xuất hiện một lần. Năm 2020, một gia đình khác tại Trung Quốc cũng từng bị sốc vì kết quả ADN cho thấy đứa con sinh từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm không phải của người cha, mà là… "của chú ruột".
Sau khi điều tra, các bác sĩ phát hiện người chồng cũng là một "Chimeric". Bộ gen tại tinh hoàn khác biệt với bộ gen tại niêm mạc miệng – Nơi mà mẫu xét nghiệm ADN được lấy. Vụ việc khiến cộng đồng y khoa quốc tế phải đặc biệt quan tâm đến hiện tượng này trong các xét nghiệm liên quan đến pháp lý và nhận con.
Câu chuyện của Tiểu Lý và Tiểu Vương không chỉ là một bi kịch suýt xảy ra, mà còn là lời cảnh tỉnh cho sự thận trọng khi đối diện với kết luận khoa học. Trong một số trường hợp hiếm, khoa học cũng có thể... nhầm lẫn nếu không nhìn đúng bản chất của sự việc.
Dưới góc nhìn nhân văn, điều đọng lại không chỉ là bí ẩn di truyền, mà là sức mạnh của tình yêu, sự tin tưởng và bản lĩnh giữ gìn hạnh phúc kể cả trong lúc tưởng chừng như niềm tin đã vỡ vụn.
Theo Vỹ Đình (Thanh Niên Việt)