Tục hóa vàng trong quan niệm của người Việt
Theo quan niệm dân gian của người Việt, sau khi đón các cụ về ăn Tết từ hôm 30 Tết, đến ngày mùng 3, con cháu lại làm lễ đưa các cụ về cõi âm. Lễ hóa vàng còn gọi là lễ tạ năm mới.
Ngày lễ tiễn ông bà, tổ tiên này rất quan trọng với người Việt. Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ, vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến ngày hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu như thịt xôi…). Nếu đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.
Sau khi lễ, việc hóa vàng cũng phải làm riêng. Phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước rồi mới đến gia tiên để tránh nhầm lẫn. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài ba cây mía dài để làm “đòn gánh” cho các linh hồn mang hàng hóa theo.
Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng.
Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
Nên hóa vàng vào ngày nào
Theo chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt, công ty phong thủy Việt Nam, ngày tổ chức lễ hóa vàng không cố định mà tùy thuộc vào mỗi gia đình. Thường người ta thực hiện vào ngày mùng 3 Tết, tuy nhiên, lễ hóa vàng còn được tiến hành từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 Tết.
Nhiều gia đình cẩn trọng trong việc thờ cúng thì còn chọn ngày tốt để hóa vàng với mong muốn mang lại sự hanh thông, may mắn nhất cho gia đình mình trong năm mới.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng chỉ đốt lượng vàng mã vừa phải để tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường. Chứ không phải đốt nhiều là tỏ lòng thành kính, rước tổ tiên về chứng giám lòng thành”, chuyên gia Tuấn Kiệt nhấn mạnh.
Theo Phong Linh (Nguoiduatin.vn)