Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đang băn khoăn giữa việc tiết kiệm để tích lũy cho tuơng lai hay thoải mái tận hưởng hiện tại. Việc này đã gây nên nhiều mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình.
Mong muốn được chuẩn bị cho tương lai khi sức khỏe không còn hay được hưởng thụ ngay khi còn đang trẻ trung đều là nhu cầu chính đáng. Vậy làm sao để cân bằng cho cả hai mong muốn này? Dưới đây là những lời khuyên bạn không thể bỏ lỡ.
Nắm rõ các khoản thu chính của gia đình
Khi nắm chắc được dòng tiền thu vào hàng tháng, bạn sẽ dễ dàng hơn để đưa ra một mức chi tiêu hợp lý nhất với tình hình tài chính của gia đình.
Kiểm tra mức chi tiêu của bạn hàng tuần và tiết chế nó sao cho thật phù hợp với mức thu nhập. Với các khoản đã được bạn tiết chế, không khó khăn để dành số đó tích luỹ đề phòng cho những bất trắc, khó khăn có thể nảy sinh trong tương lai.
Học cách nói "Không" một cách dứt khoát
Nếu có kế hoạch chi tiêu càng rõ ràng và cụ thể thì bạn sẽ càng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn những khoản chi tiêu phù hợp.
Ví dụ gia đình bạn trước đây thường xuyên đi ăn bên ngoài, bạn sẽ cảm thấy tiền như bị “bốc hơi” rất nhanh. Thay vì thế hãy kiên quyết giảm đi ăn tiệm và tăng cường nấu ăn ở nhà, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều.
Thay vì đi du lịch nước ngoài bạn có thể đi ngay trong nước, vài năm hãy làm một chuyến ra nước ngoài, bạn sẽ thấy chi phí về du lịch mỗi năm dôi ra không ít đâu.
Chất lượng sống của bạn cũng không giảm đi quá nhiều, bạn vẫn đi ăn nhà hàng và du lịch như bạn mong muốn, đòng thời vẫn có tiền tích lũy. Sự thay đổi thói quen này sẽ giúp bạn tích lũy được số tiền cần thiết cho tương lai.
Giới hạn hóa đơn hàng tháng
Mỗi tháng bạn đễu sẽ mất một khoản cố định như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, internet, tiền trả góp mua xe hơi… Nếu số tiền này bạn có thể tiết chế tốt, ví dụ sử dụng điện năng hợp lý, mua xe hơi vừa tiền, thuê một căn nhà phù hợp với khả năng, sẽ giúp bạn không bị bí bách khi chi tiêu hằng ngày như tiền chợ, tiền mua sắm, và không làm cắt giảm khả năng tiết kiệm cho tương lai.
Thiết lập tốt các mục tiêu để tiết kiệm
Bạn nên có nhiều loại quỹ để tiết kiệm chỉ với những khoản tiền nho nhỏ mỗi tháng. Ngoài quỹ hỗ trợ khẩn cấp đề phòng các tình huống như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, bạn nên thiết lập nhiều tài khoản tiết kiệm cho các mục tiêu cụ thể như tiền để dành cho một chuyến đi đến Châu Âu, tiền để đổi xe …
Điều này cho phép bạn thấy được tiến độ cụ thể mà bạn đang thực hiện. Khái niệm tương tự áp dụng cho kế hoạch nghỉ hưu. Chỉ với những món tiền nhỏ có khi chỉ vừa đủ cho bạn mua một chiếc áo, hay vài tách cà phê trong mỗi tháng, bạn sẽ bất ngờ khi nó trở thành một khoản tương đối lớn sau vài năm.
Lập kế hoạch cho các chi tiêu bột phát
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra lại rất cần thiết. Nhiều người sẽ có cảm giác bị theo dõi chi tiêu và bị hạn chế. Nhưng một khoản đề phòng thật ra sẽ giúp bạn có một giải pháp cho khoản chi tiêu bất ngờ một cách hợp lý và có kiểm soát tốt hơn so với việc buộc phải bỏ ra một khoản tiền nằm ngoài kế hoạch khiến bạn bị động.
Theo Hàn Ly (Khampha.vn)