Hình ảnh nghi phạm Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát gia đình 6 người tại Bình Dương và con gái chủ nhà - người từng có quan hệ tình cảm với Dương. Ảnh: Facebook. |
Sau khi kết thúc một mối tình, hai người từng yêu đương có thể coi nhau như bạn bè, người dưng hay kẻ thù... điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn, cách ứng xử của họ trong và sau chia tay.
Có nhiều người muốn giữ quan hệ bạn bè êm đẹp với người cũ nhưng có cách ứng xử sai lầm, hoặc không dứt khoát hoặc quá phũ phàng, làm nảy sinh sự hận thù từ người kia. Và hai người từng yêu nhau, trong một vài giây hành động thiếu suy nghĩ, có thể gây ra những hậu quả tồi tệ, như xúc phạm, làm hại nhau.
Vậy làm gì để có thể rút lui khỏi tình yêu một cách an toàn? Theo nhà tâm lý Văn Thanh Sĩ, nếu khi yêu là hai người cùng hướng tới tương lai, đặt kế hoạch cho tương lai, thì lúc muốn chấm dứt, hãy tuân thủ những điều sau:
- Giảm quỹ thời gian dành cho người kia: Nếu khi yêu, bạn dành 2/3 thời gian của mình cho người ấy vì coi họ là quan trọng nhất, là bến đỗ tương lai của mình thì khi muốn dừng lại, hãy giảm dần số thời gian này. Cần đặc biệt tránh gặp gỡ ở những khoảng thời gian nhạy cảm mà các đôi yêu đương hay dành cho nhau như cuối tuần... Để chính mình không cảm thấy trống vắng vào những lúc đó, hãy đặt ra các kế hoạch cho bản thân để sử dụng thời gian bù vào như đọc sách, học điều gì đó mới, ở bên người thân, bạn bè...
- Giữ khoảng cách: Ngoài việc giãn khoảng cách về thời gian gặp gỡ, bạn cũng cần giãn cả khoảng cách về không gian. Nếu giữa hai người yêu nhau không có bất cứ khoảng cách nào (ngồi sát, nắm tay, ôm, hôn...) thì khi muốn kết thúc, cần giữ khoảng cách ít nhất nửa mét: Không có các tiếp xúc da kề da, đừng bao giờ vì cả nể mà miệng nói chia tay nhưng vẫn cho phép người kia ôm, hôn... mình. Điều này vô tình nuôi hy vọng cho đối phương, khiến họ càng thất vọng nặng nề và làm việc chia tay diễn ra khó khăn hơn.
- Giữ kín thông tin cá nhân với đối phương trong khoảng thời gian nhất định: Khi bạn đã xác định người kia sẽ không phải là vợ/chồng mình trong tương lai, hãy giữ một "khoảng riêng" nhất định với họ. Đừng để người kia biết thông tin cá nhân, những mối quan hệ mới của bạn, thông tin về gia đình mình... trong khoảng 2,5-3 tháng để "cắt cơn" việc họ luôn nghĩ về bạn.
"Một người nghiện thuốc lá, nghiện game, khi không được hút thuốc, chơi game... sẽ luôn tưởng tượng ra mùi thuốc, cảm giác đặc biệt khi hút hay những trò game yêu thích. Một người đang yêu nhưng bị cắt... tình cũng tương tự. Họ sẽ liên tục tưởng tượng ra những cảnh yêu đương thân mật với bạn trước đây đồng thời so sánh việc bạn có những hành động tương tự với một người khác... Những cảm giác này sẽ bớt dần theo thời gian, theo các nghiên cứu là khoảng 2,5-3 tháng. Sau 3 tháng, bạn có thể tiếp xúc lại với họ nhưng vẫn luôn cần giữ khoảng cách nhất định", nhà tâm lý chia sẻ.
Theo ông Sĩ, các bạn trẻ tự thực hiện được các bước để "rút lui an toàn" như trên là điều tốt nhất nhưng nếu không, có thể cần tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè. Bố mẹ, bạn thân hãy giúp họ lấp đầy khoảng thời gian trống vốn trước đây dành cho người yêu: Ở bên nghe họ tâm sự, đăng ký các hoạt động mới họ từng yêu thích, theo sát tâm lý xem họ cần giúp đỡ những gì.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng chia sẻ, cách kết thúc một mối tình thế nào, trong sự tôn trọng, bình yên hay hậm hực, hận thù, do cả hai bên chứ không chỉ phụ thuộc vào một người: Người muốn chia tay cần nói sao cho khéo léo, thể hiện sự tôn trọng, không làm người kia cảm thấy bị xúc phạm. Người bị từ chối cũng cần hiểu tình yêu là không thể gượng ép và không phải mối tình nào cũng đi đến cái kết đẹp nên cần tôn trọng quyết định của người kia.
Tuy nhiên thực tế, nhà tâm lý từng phải tiếp nhận nhiều trường hợp các bạn trẻ xin tư vấn vì gặp phải những tình huống khó xử, mệt mỏi khi bị người cũ quấy rầy, dùng nhiều thủ đoạn để trả thù hay bắt quay lại.
"Thực tế, tình yêu có thể đem lại hạnh phúc và đau khổ. Nhưng một số người không chấp nhận điều đó. Khi một bên muốn kết thúc tình cảm, họ cố giành giật hay nuôi thù hận trong lòng. Đó không phải là vì họ quá yêu mà chỉ là sự ích kỷ, tự ái, muốn chiếm hữu. Những thứ này không thể đồng hành cùng tình yêu", bà Hà bày tỏ.
Các nhà tâm lý đều cho rằng, thái độ, cách ứng xử của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đáng kể tới cách kết thúc mối tình của con cái. Nhiều người nghĩ mình thương con, lo cho hạnh phúc của con nên tìm mọi cách cấm cản con đến với người họ cho là không xứng, không tốt. Trong khi đó, hạnh phúc là cảm nhận của riêng con cái khi đến với tình yêu chứ không phải của bố mẹ. Việc can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ bố mẹ - con và thậm chí làm cả gia đình đều khổ.