Dạy con học không chỉ là việc hỗ trợ trẻ hoàn thành bài tập mà còn là cơ hội để cha mẹ thấu hiểu những khó khăn trong học tập của con, đồng thời vun đắp mối quan hệ gần gũi giữa hai thế hệ.
Tuy nhiên, hành trình này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đòi hỏi phụ huynh phải kiên nhẫn, lắng nghe và kiểm soát cảm xúc để mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho con.
Tại Trung Quốc, từng xảy ra một câu chuyện "dở khóc dở cười" khiến nhiều người suy ngẫm về áp lực mà các bậc cha mẹ phải đối mặt khi dạy con.
Một người cha 40 tuổi, như thường lệ, ngồi kèm con trai làm bài tập mỗi tối. Nhưng hôm đó, cậu bé liên tục vấp phải khó khăn với những câu hỏi đơn giản và mắc lỗi cơ bản.
Dù người cha đã kiên trì giải thích nhiều lần, cậu con trai vẫn không hiểu. Từ kiên nhẫn, ông dần trở nên căng thẳng, cảm xúc dâng trào đến mức mất kiểm soát.
Đột nhiên, người cha ôm ngực ngã quỵ. Sau khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị đau tim.
Người cha gần như mất kiên nhẫn khi dạy con làm bài tập. |
Câu chuyện nhanh chóng lan truyền, khơi dậy hàng loạt cuộc thảo luận trên mạng. Nhiều phụ huynh đồng cảm khi chia sẻ về những áp lực họ gặp phải khi hỗ trợ con học.
Việc vừa muốn giúp con tiến bộ, vừa phải giữ gìn sức khỏe bản thân là một bài toán không dễ giải.
Ai cũng từng trải qua cảm giác mệt mỏi hay bực dọc khi cùng con làm bài tập, nhưng ít ai ngờ rằng nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trường hợp này.
Tại sao cha mẹ dễ cáu gắt khi kèm con làm bài tập
Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là tư duy tự động. Nó đề cập tới một số suy nghĩ chớp nhoáng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta.
Khi đối chiếu thuật ngữ này lên tình huống cha mẹ bày con cái học, họ thường đánh giá con cái dựa trên quan điểm riêng và suy nghĩ của chính mình.
Ví dụ:
Khi bày con học, suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ thường rơi vào những kiểu như sau:
- Bài toán này quá đơn giản nhưng con mình không làm được, con mình quá ngốc. Tại sao mình lại sinh ra đứa con ngốc như vậy, đây là điều quá xấu hổ, mình thực sự đã thất bại.
- Bài toán này đã nói nhiều lần mà con mình vẫn không hiểu, con không chú ý nghe giảng trong lớp, con không tập trung học, con không thấy được sự vất vả của cha mẹ, con không có hiếu.
Dưới góc nhìn của người lớn, chỉ dựa trên một hành vi không thể làm toán, cha mẹ lập tức có một chuỗi suy nghĩ tự động hình thành.
Trong tình huống này, đương nhiên cha mẹ dễ mất bình tĩnh và muốn la mắng con ngay lập tức.
Nhưng điều đáng sợ là nếu cha mẹ còn rơi vào những hiểu lầm về tư duy cố định như vậy, họ không thể hỗ trợ con cái học tập, thậm chí khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Cuối cùng, mọi việc sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, trong đó, con cái lo lắng khi được cha mẹ bày học, hoàn toàn không thể giải quyết được bài tập.
Quan trọng hơn, điều này còn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của trẻ.
Những điều cha mẹ cần chú ý khi kèm con làm bài tập
Phần lớn các bậc cha mẹ đều mắc một số hiểu lầm khi bày con làm bài tập về nhà, chỉ cần tránh được những điều này, việc bày con học sẽ không còn là cực hình.
Mong muốn kiểm soát mạnh mẽ
Có một thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ thể hiện sự kiểm soát mạnh mẽ khi bày con học.
Ví dụ:
Con phải ngồi thẳng lưng, đúng tư thế cầm bút, chữ phải thật đẹp, bài tập nào làm trước...
Khi thấy con làm rơi bút xuống đất, họ lập tức mắng con là đứa hậu đậu, học hành không tập trung... Họ gắn rất nhiều nhãn dán tiêu cực cho con mình.
Dưới sự kiểm soát gắt gao và áp lực như thế này, liệu trẻ có thể làm bài tập theo tốc độ của riêng mình?
Vì vậy, thay vào đó cha mẹ nên để con làm chủ trong việc học của mình. Ví dụ, khi đi học về, trước tiên cha mẹ hãy hỏi con muốn làm bài tập trước hay ăn tối trước.
Khi gặp vấn đề, cha mẹ hãy cho con cơ hội tự mình giải quyết vấn đề, trường hợp không hiệu quả mới ra ray giúp đỡ.
Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể hoàn thành tốt hơn những gì mình muốn trong một bầu không khí thoải mái.
Truyền tải thông tin đến trẻ dưới góc nhìn của người lớn
Nhà tâm lý học trẻ em Piaget đã đề cập trong lý thuyết về sự phát triển tâm lý tuổi thơ của mình rằng: "Đối với trẻ, cha mẹ dạy con đúng cách là đứng từ quan điểm của trẻ và truyền đạt những thông tin chính xác theo cách mà trẻ có thể tiếp nhận được".
Nhưng trên thực tế, cha mẹ thường nhìn một số việc dưới góc độ của người lớn.
Chẳng hạn, trong mắt người lớn, những bài toán tiểu học chẳng khác gì ăn miếng bánh, uống miếng nước. Vì vậy, nếu trẻ làm sai, họ dễ dàng bộc lộ cảm xúc tức giận.
Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của con cái, nghĩ thử khi mình còn là trẻ con, liệu mình có thể làm đúng hết tất cả bài toán?
Những gì cha mẹ cho là đơn giản nhưng lại không hề đơn giản trong nhận thức của một đứa trẻ.
Vì vậy, thay vì căng thẳng, tốt hơn hết cha mẹ nên cố gắng bình tĩnh, đừng đặt kỳ vọng cao ở con mình, giao tiếp với con bằng sự thấu hiểu, mọi chuyện sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tốt hơn.
Theo Tường Vy (Giadinh.suckhoedoisong.vn)