Đến giờ, những ồn ào xung quanh sự việc những ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên vào bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình sau chương trình “Tình nghệ sĩ” vẫn chưa lắng xuống. Không chỉ dư luận bức xúc mà giới họa sĩ cho rằng, hành động từ thiện là rất tốt nhưng việc ký tên lên tranh người khác là hành động không nên.
Những chỉ trích gay gắt của dư luận về việc chữ ký lên bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Hứa Thanh Bình, nhiều người đặt câu hỏi: Các hoạ sĩ khác sẽ cảm thấy thế nào khi tranh bị ký tên một cách bừa bãi? Nếu đặt vào hoàn cảnh của tác giả bức tranh đang có chữ ký của nhiều ca sĩ nổi tiếng họ sẽ làm gì?
Trước câu hỏi này, họa sĩ Trần Hoàng Hải Yến cho biết: “Thực ra quan điểm của tôi cũng như một số hoạ sĩ đã nêu trên mạng xã hội (có chăng tôi không dùng lời lẽ quá nặng nề).
Đúng là ký lên tranh người khác là không đúng. Nhưng ở một thời điểm các ca sĩ làm từ thiện, mà người sở hữu yêu cầu họ ký, họ nhất thời đồng ý ký (theo thiện nghĩ của tôi). Đáng tiếc là họ không sáng suốt để từ chối, còn vì sao họ đồng ý có mục đích gì nữa không (tôi không dám khẳng định).
Cũng có người đã nói người mua được toàn quyền quyết định, điều này là không đúng. Người mua họ được sở hữu nhưng không được tự ý thay đổi tác phẩm. Bởi vậy mới sinh ra bản quyền và bản quyền vẫn thuộc về hoạ sĩ đó.
Nếu tranh của tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ tùy thuộc vào thời điểm, tùy thuộc vào thái độ người làm hỏng tranh mình để hành động. Xem họ vô tình hay cố ý? Có xin lỗi hay không? Có thiện chí hay không?”.
Cũng theo họa sĩ Trần Hoàng Hải Yến: "Việc tranh bị phá hỏng mà chưa được phép của nguyên tác thì họa sĩ có thể tham khảo thêm thông tin về pháp lý cho bản quyền tác phẩm của mình, còn như một số ý kiến của nhiều người nói có thể khởi kiện, tôi nghĩ ở Việt Nam chế tài về vấn đề bản quyền còn chưa được sát sao. Thông tư thì có rồi đó nhưng vấn đề nó còn phụ thuộc ở mức độ nào. Còn sau vụ việc của các ca sĩ vừa qua, tôi thấy rất buồn và tôi nghĩ các hoạ sĩ khác cũng như tôi cảm giác bị tổn thương. Nhưng ở một khía cạnh nhân văn trong đêm từ thiện tôi mong muốn mọi người hãy coi đó là một bài học sâu sắc. Hãy yêu và luôn luôn trân trọng các loại hình nghệ thuật”.
Cùng chia sẻ với PV về những câu hỏi trên, họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết: “Đối với họa sĩ, tranh giống như đứa con tinh thần. Việc làm của các ca sĩ không phải là chà đạp, bôi nhọ nhưng hành động cũng giống y hệt. Vì thế, đôi khi nghĩ đến mà cảm xúc không thể nói thành lời, nó giống như tức giận, đau xót mà không phải vậy. Theo tôi nghĩ, hành động của các ca sĩ không phải là cố ý nên đơn giản là tìm cách kết nối với nhà sưu tập trình bày ý kiến của riêng mình, đề nghị xóa bỏ những chữ ký đó đi.
Còn việc kiện các ca sĩ đã vi phạm bản quyền tôi cho rằng chưa nên chứ không phải không nên. Trước tiên cần đề nghị xóa những chữ ký, đưa ra lý lẽ thuyết phục mà họ đã nhận ra sai lầm, như vậy chẳng hay hơn sao? Nếu sau đó họ cố tình thì sẽ tiếp tục cảnh báo việc có thể đưa ra luật pháp. Đây là cách cho người dân tiếp cận luật pháp. Việc kiện tụng là bất đắc dĩ. Không phải cứ thấy sai luật là đi kiện, kiện tụng tổn hại về tinh thần lẫn vật chất của cả 2 bên".
Theo họa sĩ Phạm Bình Chương, đối với mỗi họa sĩ khi “đẻ” ra một tác phẩm nghệ thuật thì sự trân trọng là điều tiên quyết, còn cảm nhận là tùy trình độ thẩm mỹ của mỗi người. Trình độ thẩm mỹ khác trình độ văn hóa, nó ở mũ cao hơn. Có thể nói: "Tôi không hiểu nó nhưng tôi trân trọng nó, vì nó được tạo ra từ bàn tay nghệ sĩ". Trân trọng tác phẩm chính là trân trọng nghệ sĩ.
Còn họa sĩ Nguyễn Hải Nam thẳng thắn: “Nếu tranh của tôi bị ký tên bừa bãi, tôi sẽ một mực lên tiếng phản đối dù bằng cách này hay cách khác. Mặc dù tác phẩm của tôi đã đươc mua nhưng tác giả bức tranh vẫn được giữ bản quyền. Mà điều này đã có trong luật bản quyền, bất kỳ hành vi nào làm thay đổi cũng như làm sai lệch một tác phẩm nghệ thuật là vi phạm bản quyền”.
Theo Mai Hằng (Nguoiduatin.vn)