Mr. Đàm ký tên lên tranh: 'Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào'

16/10/2018 08:26:14

"Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nuớc nào..." - họa sĩ Đỗ Trung Quân bức xúc lên tiếng.

Mới đây, vụ việc nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nữ ca sĩ Lệ Quyên ký tên lên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình - vật phẩm được bán đấu giá nhằm hỗ trợ Lê Bình và Mai Phương chữa ung thư, gây nên nhiều chỉ trích.

Mr. Đàm ký tên lên tranh: 'Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào'
Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên dùng bút dạ ký lên tranh họa sỹ Hứa Thanh Bình

Vào tháng 8, đêm nhạc kết hợp đấu giá bức tranh ngựa của họa sỹ Hứa Thanh Bình đã huy động được 850 triệu, trong đó có 200 triệu là tiền đấu giá bức tranh.

Sau khi đấu giá thành công, lần lượt từng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên... ký tên trực tiếp lên bức tranh bằng bút dạ màu xanh. Sau khi sự việc gây phẫn nộ trên mạng xã hội, nhà tổ chức và nam ca sĩ Vũ Hà - người cùng có mặt trong sự kiện đã lên tiếng cải chính thông tin việc ký tên ca sĩ trên bức tranh, là do người thắng đấu giá yêu cầu.

Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sau đó đã lên tiếng xin lỗi tới họa sĩ của bức tranh. Thông qua trang cá nhân, Mr. Đàm viết: 

"Vì chúng tôi là ca sĩ, không phải họa sĩ, cũng không phải người chơi tranh chuyên nghiệp nên cũng không rõ lắm về luật chơi tranh. Tôi gửi lời xin lỗi tới hoạ sĩ Hứa Thanh Bình và những người chơi tranh vì hành động vụng dại, làm hài lòng vị mạnh thường quân kia. 2 ngày qua chúng tôi đã nhận ra cái sai của mình vì không biết".

"Ký vô thức vào một bức tranh thì đó là phá, hủy hoại cả bức tranh"

Một họa sĩ có tiếng trong giới hội họa xin được giấu tên, đã chia sẻ về tầm quan trọng trong việc chỉ họa sĩ mới có quyền ký tên lên bức tranh do mình sáng tác.

Mr. Đàm ký tên lên tranh: 'Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào' - 1
Bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình - một họa sĩ tên tuổi - được bán đấu giá 200 triệu đồng

Họa sĩ này chia sẻ: "Vừa rồi tôi thấy một số người không phải là chủ nhân bức tranh ký lên tranh như vậy là không được. Nó sẽ hạ giá trị của bức tranh đó xuống một cách thảm hại. Đối với tôi không nên cho ai đó ký lên tranh của mình, trừ khi đó là một cuộc sắp đặt hoặc một cuộc chơi.

Trên thế giới, người ta đấu giá bức tranh xong có thể hủy cả bức tranh. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ. Tôi không phải quan niệm lề giáo gì nhưng thật ra tranh không nên ký thật.

Việc ký lên tranh không quy định phải ký vào vị trí nào. Có thể ký giữa, ký trái, ký phải bởi vì chữ ký đó nó là cấu thành của bức tranh. Có những bức tranh ký ở giữa nhưng nó phải mang tính chất họa tiết của bố cục, đặc điểm của bức tranh, chứ không phải ký vô thức.

Còn việc ký vô thức vào một bức tranh, thì đó không phải là ký, mà là phá, hủy hoại cả bức tranh.

Nhiều người họa sĩ có thể ký trên đầu tranh, ký cạnh thân, ký trái, ký phải nhưng nó tạo nên vẻ đẹp của bức tranh chứ không phải ký bậy.

Trên thế giới, việc ký bậy lên bức tranh gần như không có bởi khi đã mua bức tranh về, người mua sở hữu tác phẩm đó nên rất có ý thức về việc giữ gìn. Đôi khi có những cuộc chơi, người họa sĩ cho phép người ta chép tranh của họ rồi cho ký tên ngược lại của mình.

Một trường hợp họa sĩ có cuộc triển lãm ngoài trời, những bức tranh không phải ông ấy vẽ nhưng có tên của ông trong tranh. Nhưng đó là người họa sĩ ấy tự chơi cuộc chơi như vậy, đồng ý với việc ghi tên vào tranh. Đôi khi sự ngông của người nghệ sĩ là như thế.

Còn ký trên một tác phẩm làm sai lệch đi tác phẩm về kích cỡ, màu sắc, thì đó là hành động hủy hoại bức tranh.

Đôi khi ở Việt Nam, người ta thích những mỹ từ như ông hoàng, bà hoàng rồi ký tên lên tranh. Đó là cách chơi ngông mà tôi chỉ thấy ở Việt Nam nhưng lại đáng lên án. Nó không chỉ ảnh hưởng tới giới họa sĩ, nó còn khiến tầm văn hóa của quốc gia bị hủy hoại".

Mr. Đàm ký tên lên tranh: 'Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào' - 2
Khách thập phương vô tư ký tên, vẽ lên bức tranh tường tại chùa Bái Đính

Khi được hỏi quy định của hội họa về chữ ký, họa sĩ này cho hay: "Đôi khi sự nhầm lẫn xuất phát từ việc họa sĩ cho phép người khác ký lên tác phẩm của mình. Nếu trong trường hợp đó, phải có quy định về chỗ ký và có sự chú thích, phải theo bố cục.

Tôi có quan điểm không nên cho ai ký lên tác phẩm của mình. Trong hội họa có quy định về chữ ký. Nhưng đôi khi họa sĩ buông bỏ, cho phép người khác ký lên tác phẩm của mình, vì họ không cần một cái gì đó quá lễ giáo lễ nghi. Vì vậy họ cho ai đó ký lên.

Chữ ký phải đảm bảo tính bố cục của bức tranh vì nó cũng cấu thành nên bức tranh. Nhiều họa sĩ rất cân nhắc có ký hay không lên bức tranh của mình. Việc vẽ xong và ký lên đó để hoàn thành tác phẩm, nên người họa sĩ rất ý thức về việc ký lên bức tranh".

"Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào"

Nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân lên tiếng về vụ việc: “Một bức tranh hoàn toàn không phải một poster hay tờ lịch. Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào. Đến Michael Jackson, John Lennon còn không tùy tiện ký vào mặt tranh của Peter Max, Andy Warhol cho dù đã sở hữu nó".

Mr. Đàm ký tên lên tranh: 'Vụ kinh dị này chưa từng có ở bất cứ nước nào' - 3
Họa sĩ Lê Kinh Tài bên tác phẩm của mình

Họa sĩ Lê Kinh Tài cho rằng những ca sĩ đã ký lên bức tranh mà chưa gọi điện hỏi ý kiến của họa sĩ Hứa Thanh Bình nên tổ chức họp báo xin lỗi.

“Chúng tôi phát hiện ra vụ việc này trễ, nhưng cá nhân tôi nghĩ vẫn còn kịp để Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng tổ chức một buổi họp báo xin lỗi công khai cá nhân hoạ sỹ Hứa Thanh Bình nói riêng, và giới cầm cọ cả nước nói chung. Nếu anh chị biết mình sai lầm" - họa sĩ lên tiếng.

Về vụ việc, họa sĩ Lê Kinh Tài cảm thấy "đau nhiều hơn giận" Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên. Theo quan điểm của ông, nghệ sỹ cũng là người, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là biết sửa sai.

"Biết tôn trọng người khác, đó cũng là cách tự trọng mình. Tôi thiển nghĩ, người hoạt động nghệ thuật phải biết tôn trọng tác giả cũng như tác phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ khác, âu mới giữ được nhân cách và nhân phẩm của chính mình" - họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ.

Trong khi đó họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đưa ra ý kiến: "Có 3 thứ không ai được phép ký tên, viết bậy lên: tác phẩm hội họa, cổ vật và di tích lịch sử. Đơn giản vì đó không phải là đồ vật như đôi giày, trái banh hay cái áo thun.

3 thứ đó là giá trị văn hoá, dù tranh hay cổ vật có thể mua bán, nhưng sự mua bán đó mang nghĩa khác, giống như vé xem ca nhạc, xem phim không phải là vé tàu, vé xe... Liệu ai có thể chấp nhận một kẻ tự nhiên cố tình đập bể một chiếc bình cổ rồi xin lỗi?".

"Một làn điệu dân ca hay một điệu múa cổ là giá trị văn hoá phi vật thể, phải được bảo tồn, thì tác phẩm hội hoạ cũng có bảo tàng để bảo tồn giá trị của nó cho những thế hệ sau".

Theo Thu Vũ (Dân Việt)