Hái lộc đầu năm dễ rước “vong” vào nhà?

06/02/2015 08:42:35

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường, trong dân gian có truyền thuyết là những người chết không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vậy giao thừa có nên hái lộc?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường, trong dân gian có truyền thuyết là những người chết không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vậy giao thừa có nên hái lộc?

Hái lộc đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống nhưng ít nhiều đã bị biến tướng. Ảnh: T.L

 
Hái lộc có nhiều cách

Tục xưa Tết đến xuân về người dân thường tới chùa, đình, đền phủ, miếu để hái một nhánh lộc non đem về - với quan niệm vào thời khắc giao thừa (hoặc sớm mồng 1 Tết), xin cành lộc nhỏ chốn linh thiêng sẽ được “ban” cho tài lộc, may mắn cả năm. Xưa kia các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ của cây sanh, si, sung, đa... vốn có sức sống mạnh mẽ, nâng niu đem về nhà chứ không cho ai kẻo "mất lộc", rồi treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, cũng có ý báo là đã có người “rước” phước lộc về cho gia đình. Nhưng nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang một khía cạnh tiêu cực. Nhiều người không coi việc hái lộc chỉ là quy ước lấy lệ khi ngắt một cành lộc nhỏ gọi là lấy may của thời khắc đầu năm mới mà bẻ cả cành to, chặt cả cây mong có lộc nhiều.

Theo trụ trì chùa La Dương (Hà Đông, Hà Nội), đó là quan niệm sai lầm về hái lộc. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Vì vậy khuyên con cháu không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức, tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng. Nơi công cộng cũng nên hạn chế bởi bẻ lộc gần như là tàn phá cây cối môi trường mùa xuân, mỗi người bẻ một cành lộc là vườn cây trơ trụi, xơ xác.

Các chùa nước ngoài cũng bị hái lộc đầu năm. Nhưng họ đối phó bằng cách giao thừa phát lộc cho người tới lễ chùa bằng hoa quả. Khách lễ phật xong, hái lộc bằng cách chọn một quả quít, hay táo bày sẵn trong các mâm ở phía ngoài, vừa là lộc cây, vừa là lộc chùa. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa. Ở một số nước phương Tây còn quy định dịp Tết tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí, số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế. Tùy ban quản lý mỗi chùa có thể làm được, có thể không. Nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, các chùa chiền ở nước ta nên có hình thức nào thay thế “hái lộc đầu xuân” để người dân có lộc may mắn mang về sẽ tốt hơn, kể cả hình thức dâng công đức lễ bái xong thì phát lộc. Hành động bẻ một cành lộc xanh tươi không phải là gieo nhân tốt, mà là phá hoại, gieo một nhân xấu. Hãy có những hình thức sáng tạo hơn, thay vì hái lộc hãy gieo lộc bằng cách trồng cây sẽ tốt hơn.

Hái lộc sao cho đúng?

Theo GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), không có chuyện hái lộc non là đưa lại may mắn, sức khỏe hay tài lộc cho bản thân và gia đình. Điều đó vừa tàn phá cây cối vừa thiếu văn hóa. Tốt nhất, mọi người không nên bẻ cành, hái chồi non dịp năm mới mang về nhà.

“Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa cụ thể là chồi non mới nhú. Nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đầu xuân là khởi đầu của một năm mà có được một cành lộc như vậy rất ý nghĩa nên những cây đào, cây quất người ta thường chọn cây nhiều hoa và lộc. Nghĩa thứ hai, lộc là điều tốt đẹp, mong muốn thần thánh có thể mang đến cho mình. Lên chùa thắp một nén hương xin lộc để cầu mong, cầu lộc đó là công danh, sự nghiệp hay sức khỏe… thì lộc đó có thể hiểu là sức khỏe, con cái, cầu công danh. Và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.

Sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên nhờ những cành lộc, nhưng việc bẻ cành, chặt cây là những việc làm không mấy nhân văn của một số người đã và đang tàn phá, hủy hoại môi sinh mà nhiều người đang cố gắng tạo dựng.

Đại đức Thích Trí Hiến, chùa Hưng Khánh (Bình Định) cũng cho rằng, nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” theo các cụ xưa là gặt hái quả phúc, hỷ lạc… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Có như thế “lộc” hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên đến.
 
>> Ý nghĩa tục phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo
>> Những ngày nào tốt nhất trong tháng Chạp năm Giáp Ngọ
>> Xem ngày tốt xuất hành, khai trương đầu năm Ất Mùi 2015
>> Hướng may đón tiền về như nước năm Ất Mùi
 
Theo H.My-H.Dương (Giadinh.net.vn)

Nổi bật