Gia cảnh nhà chồng nghèo, giường cưới phải dùng lại chiếc giường cũ của mẹ chồng đã khiến chị Thanh mang khuôn mặt ủ rũ suốt đám cưới. Nhưng khi về nhà chồng, chị Thanh còn tá hỏa khi biết người trải chiếu giường cưới của chị là bà bác họ tuổi Ngọ - tuổi được coi là kị nhất với chị.
|
Bất an vì người kị tuổi trải chiếu giường cưới
Ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) chia sẻ về đám cưới của chị Nguyễn Thị Thanh (ở phố Thụy Khuê, Hà Nội). Gia cảnh nhà chồng của Thanh nghèo, mẹ và ba chị em chồng ở chung trong căn hộ tập thể chật chội, vì vậy vợ chồng Thanh không có phòng tân hôn.
Mẹ chồng Thanh còn bảo, nhà có 2 cái giường rồi, mua thêm giường nữa thì không có chỗ kê. Vì vậy, mẹ chồng Thanh đã nhường cái giường to để vợ chồng làm giường cưới. Chăn ga gối đệm cũng không thay mới vì bà vừa mới mua năm ngoái.
Sau khi đi xem tử vi, ấn định ngày cưới, mẹ chồng Thanh đã chọn một bác trong họ có gia đình êm ấm, con cái đủ cả nếp tẻ, gia đình sung túc… để trải chiếu giường cưới cho vợ chồng Thanh. Nhưng cưới xong, chị Thanh mới tá hỏa khi biết bác đó tuổi Ngọ, trong khi thầy bói phán tuổi của chị kị nhất người tuổi Ngọ. Đã dùng lại giường cũ, người trải chiếu lại xung tuổi khiến chị Thanh lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an. Chị Thanh càng lo lắng hơn khi cưới nhau đã được hơn một năm mà chị vẫn chưa mang bầu.
Nói về chuyện giường cưới, chị Lê Thị Hòa (ở Thái Nguyên) chia sẻ, trước khi cưới một tuần, chú rể đã sắm giường cưới và ngủ luôn trên chiếc giường đó. Sau này chị Hòa mới biết, các cụ kiêng không cho chú rể ngủ một mình trên giường cưới, vì sợ “nửa đường đứt gánh”, hay vợ chồng không hạnh phúc. Không biết có phải vì thế hay không mà vợ chồng chị rất hay cãi nhau. Mỗi khi hai vợ chồng to tiếng, chị lại bảo tại chồng “ngủ một mình trên giường cưới nên giờ ra nông nỗi này”.
Chiếu trải úp lên nhau để mong hạnh phúc
Theo ông Trịnh Yên (Hội Nghiên cứu các dòng họ Việt Nam), trải chiếu giường tân hôn là nét đẹp văn hóa cưới hỏi của Việt Nam. Nhà trai cần chọn người phụ nữ tốt vía, có hôn nhân hạnh phúc, con cái đề huề, kinh tế khá giả với ý nghĩa mong đôi uyên ương sẽ sớm có con bồng bế, có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc như người trải chiếu giường cưới. Người này cũng cần hợp tuổi cô dâu, chú rể. Nếu mẹ chồng có đủ điều kiện trên thì bà tự trải chiếu cho con trai và con dâu.
Ngày nay, nhiều gia đình không có điều kiện, hoặc những gia đình hiện đại với những cặp uyên ương thời @ đã giản lược nhiều phong tục. Và cũng tùy nơi nhà trai, hoặc nhà gái sắm toàn bộ giường cưới. Tuy có khác nhau đôi chút, nhưng việc kiêng kị giường cưới vẫn theo dân gian và thường là chọn giường mới, chăn, ga, gối, đệm mới.
Chiếu trải giường cưới phải mua một đôi, nhưng có nơi chiếc chiếu thứ nhất trải bình thường, chiếc thứ hai sẽ lật úp xuống cái thứ nhất (có nơi 1 chiếu dưới trải dưới mặt trái, 1 chiếu trên trải mặt phải), hai chiếu trải phải phẳng, kiêng trải lệch. Ý nghĩa là chiếc chiếu trên chiếc giường trăm năm hạnh phúc đó chỉ có hai người mới được nằm. Hai chiếc chiếu úp vào nhau thể hiện sự gắn bó, keo sơn, ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long. Khi đi ngủ, cô dâu chú rể mới lật lên. Sáng hôm sau dậy vợ chồng lại lật úp chiếc chiếu xuống rồi tối đi ngủ mới lật trở lại (làm càng lâu càng tốt).
Nếu dùng đệm thì trải chiếu xong mới đặt đệm lên trên, trang trí thêm với hoa, nến. Việc trải giường nên làm trước đám cưới chọn ngày, giờ đẹp, hợp với tuổi của cô dâu, chú rể.
Xưa kia người trải chiếu còn “lãnh” cả nhiệm vụ chải tóc cho cô dâu - ý nghĩa mang lại hạnh phúc cho cô dâu mới. Cặp uyên ương còn cùng nhai miếng trầu, hàm ý gắn bó với nhau như trầu với cau, nhưng ngày nay tục lệ đó không còn nữa. Việc đặt 5 phong bao lì xì trên giường cưới giờ cũng được thay bằng rắc những cánh hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc.
Phòng tân hôn là nơi quan trọng của cặp uyên ương bắt đầu cuộc sống mới, nhà gái sẽ cùng cô dâu vào thăm phòng cưới, cô dâu chú rể cũng thích chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên khi về nhà chồng. Việc trang trí phòng tân hôn, trải giường cưới đẹp mắt còn thể hiện sự trân trọng của nhà trai đón con dâu mới và đó là "bộ mặt" thể diện của nhà trai, nên được bố mẹ hai bên và cô dâu, chú rể rất quan tâm.
Ai không được ngồi lên giường cưới?
Theo ông Hà Thanh, trải chiếu giường cưới xong thì không ai được ngồi lên giường cưới, cũng không được trải chiếu giường cưới lại nữa. Một số nơi chọn em bé khỏe mạnh, lanh lợi lên giường cưới lăn lộn, vui chơi trước - với quan niệm vợ chồng mới cưới sẽ sớm có con cái. Đó cũng là một cách chúc phúc lành cho cặp uyên ương may mắn, sớm có quý tử. Gia chủ còn lì xì cho người trải chiếu và em bé. Nhưng người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang bầu, người không may mắn trong hôn nhân… thì tuyệt đối không được ngồi, hoặc nghỉ ngơi trên giường tân hôn trước đám cưới vì e ngại cô dâu, chú rể sẽ không được hạnh phúc.
Cũng theo ông Hà Thanh, nếu thực sự nhà chồng không có điều kiện, cặp uyên ương phải dùng giường cũ, thì sắm bộ chăn ga gối đệm mới màu đỏ trải lên trang trí giường cưới, coi đó là góc tân hôn của cặp vợ chồng trẻ. Như thế người lớn cũng hài lòng, cặp uyên ương cũng vui vẻ.
“Thời bao cấp do kinh tế khó khăn, đám cưới chẳng có gì để kiêng kị, nhưng các cặp vợ chồng thời ấy sống với nhau vẫn bền lâu. Tôi đã thấy có gia đình chật chội, nghèo không thể sắm giường cưới, nên cả 3 anh em trai lần lượt dùng chung một chiếc giường cưới, nhưng cả ba gia đình đều rất êm ấm. Văn hóa truyền thống ở nhiều nước châu Á có những điều kiêng kỵ trong phong tục cưới hỏi, nhằm cầu chúc sự an lành, hạnh phúc, sinh con quý tử cho cặp uyên ương. Phong tục dân gian có nhiều nét đẹp, nhưng không hẳn đã đúng. Cố chấp quá sẽ sinh thiếu sót, lắm chuyện”. Ông Hà Thanh |
Theoi U.Hương (Gia Đình & Xã Hội)