Định phạt con điểm kém, ông bố đổi ý khi chứng kiến cảnh ở lớp học

18/06/2023 08:35:14

Cảnh tượng ở lớp khiến anh nhận ra rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ có thái độ tích cực quan trọng hơn là đạt thành tích học tập tốt.

Anh Zhou – một ông bố ở Trung Quốc đã đột ngột đến trường mà không nói trước với cậu con trai 8 tuổi. Ý định ban đầu của anh là chỉ trích điểm học tập ở mức trung bình của cậu bé. Thế nhưng, cảnh tượng ở lớp học của con ngay lập tức xoa dịu cơn giận của anh. 

Ở cửa lớp, anh Zhou nhìn thấy Qinglang – con trai mình đang phát kẹo cho các bạn. Đoạn video cho thấy cậu bé cầm một chiếc túi đựng đầy kẹo với nụ cười sảng khoái, vui vẻ phát cho các bạn cùng lớp.

“Còn bạn nào chưa có không?” – Qinglang hỏi.

Anh Zhou cho biết anh cảm thấy rất tự hào về tinh thần vui vẻ và sự hào phóng của con trai. Cảnh tượng này khiến anh nhận ra rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ có thái độ tích cực quan trọng hơn là đạt thành tích học tập tốt.

“Thằng bé chỉ mắc lỗi trong bài thi. Nó không làm việc gì ác cả. Có những giá trị lành mạnh của cuộc sống quan trọng hơn bất cứ điều gì” – người cha đến từ tỉnh Sơn Đông nói thêm.

Định phạt con điểm kém, ông bố đổi ý khi chứng kiến cảnh ở lớp học
Người cha thấy mình không còn nỡ lòng chỉ trích con trai về kết quả học tập trung bình khi thấy con tương tác với các bạn cùng lớp bằng sự tử tế và yêu thương. Ảnh: Weibo

Câu chuyện của ông bố đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc. Đoạn video khiến mọi người cảm động và cho rằng Qinglang đang có một gia đình đầy yêu thương. 

Một người nhận xét: “Thằng bé đang toả sáng. Mọi người chắc hẳn rất vui khi được ở gần cậu bé”. Một người khác bình luận: “Cậu bé đang được sống trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc”.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, một cậu bé 5 tuổi ở miền trung Trung Quốc nuôi tóc trong 3 năm để bán và quyên góp tiền cho trẻ em bị ung thư cũng từng gây xôn xao trên mạng xã hội.

Hồi tháng 3, một học sinh cấp hai ở đông nam Trung Quốc cũng được báo chí đưa tin vì giúp đỡ bạn cùng lớp bị liệt nửa người suốt 6 năm, bao gồm cả việc bế bạn đi vệ sinh và giúp bạn ăn uống.

Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)