Theo thông tin trên tờ New York Time, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích người dân ở thành phố Vũ Hán đeo khẩu trang y tế ở nơi công cộng để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus mới - virus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Câu hỏi là: Đeo loại khẩu trang này có hiệu quả không?
Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết loại khẩu trang dùng một lần rẻ tiền, che mũi và miệng như vậy có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng nếu chúng được đeo đúng cách và được sử dụng một cách nhất quán.
Nhưng các chuyên gia cũng cho biết, không có nhiều bằng chứng khoa học chất lượng cao kết luận về hiệu quả của việc đeo khẩu trang dùng 1 lần bên ngoài các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Hầu hết các nghiên cứu tốt nhất, là các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, tập trung vào việc khẩu trang phẫu thuật bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện khỏi nhiễm trùng từ bệnh nhân bị bệnh. Họ cũng nhận thấy rằng đó là do nhân viên y tế đã sử dụng chúng một cách phù hợp.
Bác sĩ Julie Vaishampayan, chủ tịch Ủy ban y tế công cộng của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, cho biết khẩu trang phẫu thuật thực sự là "hàng phòng thủ cuối cùng": "Chúng tôi lo lắng về việc mọi người cảm thấy họ được bảo vệ nhiều hơn khi đeo khẩu trang. Thực tế, rửa tay và tránh tiếp xúc với những người bị bệnh quan trọng hơn nhiều so với việc đeo khẩu trang".
Theo giải thích của bác sĩ Julie thì khẩu trang không bịt kín, chúng để lại những khoảng trống xung quanh miệng, vì vậy bạn không lọc tất cả không khí đi vào.
"Tuy nhiên, đeo khẩu trang sẽ chặn hầu hết các giọt nước bọt lớn từ người khác khi họ hắt hơi hay ho và có thể bay vào miệng, mũi của bạn. Các coronavirus chủ yếu lây lan qua các giọt nước bọt nhỏ", tiến sĩ Amesh Adalja, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết.
Vấn đề lớn hơn là mọi người không sử dụng khẩu trang đúng cách. "Hầu hết mọi người sẽ đặt tay bên dưới mặt nạ để gãi mặt hoặc xoa mũi, việc này sẽ vô tình đưa chất gây ô nhiễm tiếp xúc với mũi và miệng. Ngoài ra, bạn cũng phải bỏ khẩu trang ra mỗi khi nghe điện thoại", tiến sĩ Adalja nói.
Tiến sĩ Mark Loeb, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, cho biết một nghiên cứu trong đợt bùng phát của dịch Sars coronavirus cho thấy rằng bất kỳ loại bảo vệ nào - dù là đeo khẩu trang hay mặt nạ phòng độc - đều làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở nhân viên y tế khoảng 85%. Do vậy, có một thông điệp quan trọng nhất là rủi ro sẽ thấp hơn nếu họ liên tục sử dụng bất kỳ loại khẩu trang nào.
Có một thỏa thuận chung rằng bệnh nhân nhiễm bệnh đeo khẩu trang y tế ít có khả năng lây nhiễm cho người khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã hướng dẫn các bệnh viện yêu cầu bất kỳ bệnh nhân nào bị sốt hoặc mắc bệnh hô hấp, gần đây đã đi du lịch đến Vũ Hán hoặc tiếp xúc với người đã đi du lịch ở đó đều phải đeo khẩu trang y tế.
CDC cũng khuyến nghị nhân viên y tế nên đeo mặt nạ phòng độc để lọc ra nhiều hạt hơn mặt nạ khi họ ở xung quanh những bệnh nhân như vậy.
Tuy nhiên, thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn được khuyến khích rộng rãi là việc cần làm hơn cả. Rửa tay với nước rửa tay khử trùng có hiệu quả chống lại virus đường hô hấp. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, chà hai bàn tay vào nhau và đảm bảo tất cả các bộ phận của bàn tay - lòng bàn tay cũng như mu bàn tay - được rửa sạch.
"Điều quan trọng là giữ cho bàn tay của bạn tránh xa khuôn mặt của bạn. Virus hô hấp không lây nhiễm qua da của bạn, chúng lây nhiễm qua màng nhầy của bạn ở mắt, mũi và miệng", tiến sĩ Vaishampayan nói.
Theo HN (Helino)