Thời đại bây giờ, chuyện một đám cưới được tổ chức mà nhà trai nhà gái huy động hàng chục chiếc xe hơi rước dâu chẳng phải hiếm. Thi thoảng, cư dân mạng lại rộ lên chuyện một hôn lễ nào đó ngập tràn siêu xe. Có thể, chỉ có siêu xe thôi thì sự chú ý của người ta mới dồn vào, mới cảm thấy hiếm lạ.
Thế nhưng quay ngược thời gian vào những năm đầu thế kỷ XX, chuyện một gia đình có xe hơi di chuyển đã hiếm. Rước dâu với dăm, bảy con xe hơi lại càng là chuyện lạ vô cùng.
Doanh nhân Trương Vọng Trọng là một thương gia giàu có trong lĩnh vực xây dựng, thầu khoán trong những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi trở nên giàu có, cụ và vợ mình đã xây nên ngôi biệt thự rộng hơn 800m2 trên phố Hàng Bồ, Hà Nội để sinh sống.
Căn biệt thự do các kiến trúc sư của Pháp thiết kế và được xây dựng trong 1 năm trời. Doanh nhân này có 6 người con, 4 con trai, 2 con gái. Vì điều kiện gia đình nên cụ nuôi các con trong nhung lụa và giàu có. Thi thoảng họ lại đi du lịch bằng xe hơi riêng của gia đình.
Trong nhà lúc nào cũng có 3 người trông trẻ, 1 lái xe, 1 đầu bếp thành thạo các món Âu Á. Thời điểm ấy xã hội vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng doanh nhân Trương Vọng Trọng thì không.
Hai vợ chồng cụ rất quý con gái. Từ chuyện ăn mặc hay quà cáp vào ngày sinh nhật, ngày lễ cho các con cụ đều không bao giờ xem nhẹ.
Cũng bởi vậy mà đám cưới của cô con gái thứ hai Trương Thị Mô đã tạo nên dấu ấn lớn, nhận về sự chú ý thời bấy giờ.
Những năm đó, ở các gia đình giàu có thì thịnh hành chuyện cha mẹ chọn chồng cho con gái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đây cũng là cách họ chọn được thông gia môn đăng hộ đối với nhà mình. Tuy nhiên, cha mẹ bà Mô thì không như thế. Cuối cùng, bà Mô được tự do lựa chọn người chồng mình muốn gắn bó cả đời.
Được biết, bà Mô lên xe hoa vào năm vừa bước sang tuổi 20. Chú rể là nhân viên của Sở Hỏa xa (làm việc trong ngành đường sắt).
Thời điểm cả hai gặp nhau, bà Mô đang bán tơ lụa ở phố hàng Đào. Một người bạn chung của cả hai đã quyết định mai mối để xúc tiến quan hệ.
Và rồi chỉ sau vài lần gặp mặt, bà Mô tìm thấy ở đối phương có nhiều điểm tương đồng, xứng đáng trao gửi tình yêu nên quyết định tổ chức đám cưới.
Vốn xuất thân từ gia đình giàu có nức tiếng phố cổ nên chuyện đám cưới diễn ra xa hoa, hoành tráng chẳng nằm ngoài dự kiến của nhiều người.
Ngày ăn hỏi, bà Mô diện áo dài nhung màu tiết dê, đeo trên người nhiều trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và nhẫn kim cương.
Vì họ sống trong căn biệt thự có diện tích rất lớn nên cỗ cưới được đãi ngay tại nhà. Riêng ngày ăn hỏi, khách khứa đã đứng gần kín căn biệt thự 800m2.
Thời điểm đó, đủ tiềm lực để mời lượng khách khứa như thế đến một đám cưới cũng thật sự “không phải dạng vừa”.
Gia thế của chú rể cũng thuộc hàng danh gia. Khi nhà trai xuất hiện với 7 tráp lễ cũng đoàn dài người tháp tùng sang, nhiều người dân đã phải xuýt xoa. 7 tráp lễ trang trí tuyệt đẹp, cầu kỳ và không kém phần sang trọng.
Đến ngày tổ chức đám cưới, nhà trai đã bố trí đến 7 chiếc xe hơi rước dâu. Thời điểm đó, chuyện có ô tô rước dâu đã là của hiếm lắm rồi nhưng nhà trai đủ tiềm lực huy động đến 7 con xe. Điều này khiến cho hàng xóm láng giềng tò mò kéo đến xem và khen ngợi đám cưới lại càng đông đúc.
Vì bố mẹ là doanh nhân, mối quan hệ rộng khắp nên ở nhà gái đãi tiệc phải mất 3 ngày. Khách của bố mời riêng một ngày, khách của mẹ mời một ngày và khách của cô dâu mời vào ngày còn lại. Suốt 3 ngày đó, gia đình đã thuê rất đông người phục vụ cỗ bàn, căn biệt thự không lúc nào vắng lặng mà luôn nườm nượp kẻ vào, người ra.
Nếu như khách khứa đã đủ để làm “giật mình” thì phần quà hồi môn của gia đình cho con gái cũng vô cùng ấn tượng.
Được biết, cô dâu Trương Thị Mô được bố mẹ tặng một hộp chứa đầy trang sức vàng. Phía nhà trai cũng chẳng kém cạnh, tặng cho con dâu một số lượng trang sức gồm vòng, kiềng, nhẫn rất lớn.
Hồi còn con gái, bà Mô đã có đến 40 chiếc áo dài trong tủ đồ để đi đâu đều có thể đưa ra mặc không bị trùng lặp. Hôm đãi tiệc cưới lại càng hơn thế, mỗi ngày bà lại diện một chiếc áo dài khác nhau. Chất liệu và kiểu cách thì đương nhiên sang trọng, thời trang bậc nhất.
Thay vì đi guốc mộc hay xỏ giày vải, cô dâu đã đi giày cao gót được mua từ một cửa tiệm lâu năm trên phố hàng Bồ, rất tôn dáng, êm chân và nhẹ nhàng.
Thế nhưng điều đáng tiếc nhất là toàn bộ những tấm hình về đám cưới năm đó đều đã bị thất lạc hết cả. Đây cũng là một nỗi hối tiếc lớn với bà Mô khi không giữ được những hình ảnh đáng quý của ngày trọng đại nhất cuộc đời.
Theo Ca Ca (Nhịp Sống Việt)