Quả thật, không một ai sống trên mảnh đất Sài Gòn có thể phủ nhận rằng: ở đây cái gì cũng có miễn đủ "giàu". Cái giàu ở đây chính là giàu tình nghĩa, giàu tình người. Bởi chỉ khi dư dả giàu có chữ tình ấy, người ta mới có thể cho đi và nhận lại những giá trị tích cực hoặc thậm chí là khiến cả một cộng đồng có được niềm hạnh phúc lây lan.
Chẳng hạn như câu chuyện về việc mua được niềm vui với cái giá chỉ 20 ngàn đồng của vị bác sỹ trẻ có tên Nguyễn Thanh Sang dưới đây đã làm không ít người dùng mạng phải nở nụ cười, rơi nước mắt để nghĩ về cái tình của người Sài Gòn sao mà rộng lớn bao la:
"3 ngày nay mệt và ho nhiều nên giờ trưa, tôi dạo bộ ra tiệm thuốc tây gần bệnh viện để mua thuốc ho ngậm cho đỡ rát họng và đã gặp người mẹ ôm đứa con nhỏ trên tay.
Khi đang soạn tiền chuẩn bị trả cho 2 hộp tyrotab, tôi nghe giọng 1 người phụ nữ "chị ơi, con em nó sốt quá, chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt". Tôi giật mình và hy vọng chị bán thuốc sẽ từ chối bán thuốc mà khuyên vào BV để khám. Nhưng...
"Có ho không ?" - "Dạ có".
"Có sổ mũi không ?" - "Dạ có".
"Có tiêu chảy không ?" - "Hôm nay đi ra bọt 4 lần rồi".
"Còn gì nữa không ?" - "Dạ bé mệt nhiều nên chị cho thuốc gì mạnh mạnh chút nha chị".
Cứ mỗi câu trả lời của người mẹ bán vé số là một loại thuốc được lấy ra bỏ vào bịch. Tôi ngó sang toàn là kháng sinh, kháng viêm và có cả Smecta cầm tiêu chảy... Thực sự tôi kinh hãi quá. Không một động tác khám, cũng không vạch khăn ra xem đứa bé thế nào. Chỉ hỏi, hỏi và lấy thuốc. Mấy chuyện này nó làm mình khó chịu, ráng đứng lại vờ như đang nhắn tin điện thoại, tôi thấy đứa bé đừ nhiều, vẻ mặt mệt mỏi lắm.
Tổng cộng gói thuốc cho bé là 117 ngàn đồng. Tôi đợi chị xách bịch thuốc ra 1 góc vỉa hè đang ngồi soạn thuốc cho bé uống. Tôi lại gần.
Chị thấy mình, giơ cọc vé số lên "mua giúp chị tờ vé số đi em trai". Tôi cười và nói "em sẽ mua cho chị. Em có ông anh là bác sĩ ở bên kia. Giờ chị qua đó đi, em nói anh em chụp cho bé 1 tấm phim phổi rồi chị trả em 1 tờ vé số chịu không?".
Chị thoáng lúng túng, tôi biết rõ chị lúng túng không phải vì tôi xa lạ, từ sâu trong mắt chị, tôi thấy chị lúng túng như kiểu lần đầu tiên gặp việc như vậy.
"Ở đâu em?".
"Bên kia đường, chị thấy chữ Khu Khám Bệnh không? Qua đó chụp 1 phát cho chắc chứ em sợ bé chị nó bệnh đó. Đừng cho uống gói thuốc này vội, lát anh em xem phim rồi kê toa cho".
Quay lại, tôi vốn quen thân với ông anh cử nhân chụp phim phổi, 2 anh em hay cà phê sáng nên anh rất cởi mở giúp tôi chụp cho bé 3 phim ngực thẳng - ngực nghiêng và cột sốt. Sau đó nhờ anh điều dưỡng lấy 1 ống máu xét nghiệm dịch vụ trả kết quả ngay.
Xong tôi dẫn chị qua nơi tôi khám. Khi tôi mặc áo blouse vào, tôi thấy chị lúng túng thật sự, trưng trưng mắt nhìn tôi, còn cô bé cứ ngủ ngon trên đôi vai chị. Tôi chẳng biết vì sao mình lại nói dối chị, nhưng lúc đó, tôi nói tôi là bác sĩ sợ chị không tin. Bác sĩ gì lại đi mua thuốc tây?
Khám hết toàn diện cho bé, kết hợp với xét nghiệm máu, phim XQ, bé hoàn toàn bình thường. May mắn chỉ là sốt và tiêu chảy do siêu vi. Tôi giải thích và đề nghị chị đổi bịch thuốc chị đang giữ cho bé bằng thuốc của tôi. Và chị đồng ý. Tất cả kháng sinh tôi bỏ ra vì tôi nghĩ nó chưa cần thiết, thêm 1 ít thuốc bổ dạng siro cho con.
Xong xuôi, chị đứng dậy cảm ơn tôi rối rít mà mắt thì chăm chăm xuống sàn nhà, không ngẩng lên. Tôi nói: "Giờ trả tôi 1 tờ vé số tiền công".
Chị nói "em đưa bác 2 tờ luôn".
Chưa kịp từ chối chị đã bỏ đi. Để lại 2 tờ vé số trên bàn.
Anh cử nhân X quang nhìn tôi cười.
Anh điều dưỡng cũng nhìn tôi cười.
Còn tôi nhìn 2 mẹ con chị đi tất tả mà tôi cười.
Cảm ơn chị đã bán tôi 20 ngàn niềm vui!".
Câu chuyện này được chính vị bác sỹ trẻ trên đăng đàn trên trang cá nhân của mình ngay lập tức đã thu hút được hàng ngàn lượt quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Có lẽ, vào một ngày đầu tuần của tháng 4 oi ả ở Sài Gòn, còn gì "mát lịm" và vui vẻ hơn khi đọc được câu chuyện tích cực nói về nhiều khía cạnh của cuộc sống giữa lòng thành thị như trên. Từ vấn đề tình người, cho đến vấn đề y đức và cả những lát cắt sâu hơn về cuộc sống của những phận đời lem luốc mưu sinh.
Chỉ 2 tờ vé số với cái giá 20 ngàn đồng đã làm một cô nhóc đang chống chọi với căn bệnh sốt siêu vi có thể yên lành ngủ ngon hơn trong vòng tay mẹ và người mẹ cũng yên lành hơn vì đứa con gái bé nhỏ của mình vẫn đã, đang và sẽ bình an. 20 ngàn đó cũng khiến vị bác sĩ trẻ nhân vật chính, anh cử nhân X-quang, anh chàng điều dưỡng vui vẻ cả một ngày trời làm việc vất vả. To lớn hơn là làm được cho cả cộng đồng mạng cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc, tất nhiên cũng chỉ với cái giá 20 ngàn đồng.
"Chị xúc động lắm. Cảm ơn tấm lòng nhân hậu của em", "chúc anh thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt công việc của mình", "Đọc mà thấy rưng rưng vì tấm lòng rất đẹp", "cám ơn bác sĩ vì câu chuyện mà anh chia sẻ. Nó giúp tôi thấy cuộc đời này còn nhiều điều nhân ái lắm"...
Đó là tất cả những bình luận với đầy đủ sắc thái tích cực của cộng đồng mạng sau khi đọc xong câu chuyện trên, chứng minh rõ hơn một điều rằng, chỉ cần có cái tình, có cái tâm, thì 20 ngàn đồng ở Sài Gòn cũng có thể đổi lấy được rất nhiều thứ, phải không?
Theo Min (Helino)