Đời Tám khổ, từ cái thời mới lấy chồng cho tới cái lúc ông Tám mất đi đôi mắt. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy một mình gánh trên vai cả gia đình, thế nhưng lúc nào trên môi cũng nở nụ cười, nhiều người nghĩ rằng Tám vô tư nhưng đôi khi con người ta cứ phải lạc quan để quên đi những phiền muộn.
Hồi bữa tôi ghé tiệm của Tám ăn ca cao, Tám hóm hỉnh giới thiệu: "Dì tên Hoà, còn chồng dì tên Chí. Hồi xưa đi mời đám cưới ai cũng mắc cười, vì tên hai vợ chồng gộp lại thành trại giam Chí Hoà". Tám tủm tỉm cười.
Hơn 30 năm một mình bươn chải nuôi chồng mù và các con
Quán ca cao của bà Tám thì chẳng còn xa lạ với nhiều thực khách ở Sài Gòn, bởi không thể tìm được quán thứ hai trong thành phố này có bán món bánh mỳ chấm ca cao đá mang hơi hướng ẩm thực của người Khmer. Bánh mỳ thường được ăn kèm với các món mặn hoặc có chăng là chấm với sữa đặc hay mứt, chứ chấm vào ly ca cao lạnh ngắt ngó bộ cũng khó mà hình dung hương vị. Cũng nhờ cái độc lạ của món ăn này, mà mấy mươi năm qua bà Tám có thêm thu nhập ổn định để một mình gồng gánh gia đình, nuôi các con ăn học thành người.
Tám tên thật là Nguyễn Thị Hoà, năm nay đã 67 tuổi. Tám kể hồi còn con gái Tám phụ má bán cơm Tấm ở gần cầu Ông Lãnh rồi quen biết ông Tám. "Hồi đó ổng bán hàng, la giỏi lắm!". Tôi thắc mắc: "Ủa hàng mà la, là bán cái gì vậy Tám?". "Là bán mấy cái thau, rổ nhựa đó con. Mình trải ra vỉa hè rồi la làng lên cho bà con vô mua"- Tám lý giải.
Thấy ông Tám bán buôn giỏi giang nên bà Tám phải lòng rồi về chung một nhà. Từ hồi cưới nhau, ông Tám phụ vợ bán canh bún ở cầu Ông Lãnh rồi đi đào củ mỳ kiếm thêm thu nhập. Họ có với nhau 3 đứa con, thì ông Tám gặp tai nạn.
"Bữa đó mọi người đều nghỉ trưa hết rồi, còn có mình ổng ráng làm. Ổng ráng nhổ cho xong cái gốc mỳ rồi nghỉ, mà có ngờ đâu ở dưới gốc mỳ có quả mìn. Nó phát nổ, ổng té xuống cái lưng bấy bá hết trơn. Dì đi mượn chỗ này một ít, chỗ kia một ít được 1 cây vàng để chữa cho ổng. Nhưng chỉ cứu được mạng sống, còn đôi mắt thì không còn nhìn thấy được nữa" - Tám không thể nào quên được cái thời gian khó khăn lúc bấy giờ.
Gian đoạn đó 3 đứa con còn nhỏ, mọi gánh nặng đè hết lên vai Tám. Buổi sáng Tám đi bán canh bún, buổi chiều đi phụ việc nhà cho bà Ba bán ca cao. Tám kể: "Bà Ba ngày xưa đi ở đợ cho một gia đình ở bên Campuchia. Gia đình đó bán ca cao rồi họ dạy nghề lại cho bà Ba, sau này bà Ba về Sài Gòn mở bán món này, người ta kéo tới ăn đông lắm. Nhiều người đem cả cây vàng tới xin học nghề, mà bà không truyền nghề".
Thấy Tám một mình buôn gánh bán bưng nuôi chồng nuôi con, bà Ba thương nên tạo cơ hội cho học nghề. Bà Ba không dạy, chỉ làm để Tám tự nhìn tự nhớ. Lâu dần rồi thành nghề. Một thời gian sau bà Ba lớn tuổi nên nghỉ bán, Tám thay bà Ba duy trì món ăn độc đáo này ở Sài Gòn.
Nghĩa vợ chồng thiêng liêng lắm con ơi!
Hồi tự mình đi bán canh bún, có lần Tám sơ suất để đổ nồi nước lèo phỏng hết 2 cánh tay. Những tưởng tai nạn đó đã khiến người phụ nữ ấy ngã gục, không thể bán buôn được nữa. Nhưng rồi những khó khăn của gia đình thôi thúc Tám phải cố gắng. Bà chuyển hẳn sang bán ca cao ngó chừng nhẹ nhàng hơn chút đỉnh.
Tôi hỏi Tám: "Ông Tám có buồn không vì không thể phụ Tám như trước đây?". Tám cười nhẹ tênh: "Ổng buồn chớ. Hai vợ chồng ở nhờ chỗ bà chị trên này để buôn bán. Sau khi bị tai nạn chồng dì buồn nên về ngôi nhà ở Long An sống. Dì thì phải ở lại đây buôn bán kiếm tiền nuôi con, rồi gửi tiền về cho ổng nữa".
"Vậy Tám có buồn không vì phải tự mình gánh hết cả gia đình?". Tám nghỉ đoạn rồi nói: "Buồn chớ! Nhưng sau này con có gia đình, có chồng có vợ rồi sẽ hiểu. Cái nghĩa vợ chồng thiêng liêng lắm! Ổng là chồng Tám, thì dù thế nào cũng phải lo cho ổng".
Hơn 30 năm trôi qua, các con giờ đã khôn lớn, gánh nặng tài chính không còn như trước, Tám chỉ duy trì bán ca cao vì yêu cái nghề này, cũng vì muốn có tiền để trang trải cho bản thân và gửi về cho chồng. Tám kể, ông Tám hiện tại đang sống một mình với chú chó."Con chó thông minh lắm, nó hay ra sông bắt cá, cá nhỏ thì nó ăn cá lớn thì nó đem về cho ổng. Bữa trước ổng bị rắn cắn nằm xụi lơ, con chó liếm mặt ổng nên ổng tỉnh lại la lên, hàng xóm chạy qua đưa đi bệnh viện đó".
Tám cũng lớn tuổi rồi, chắc cũng ráng bán thêm vài năm nữa rồi về quê ở với ông cho có người quây quần tuổi xế chiều, để trọn nghĩa vợ chồng. Tám tâm sự trước khi chia tay: "Mấy năm gần đây dì mua trả góp hàng. Mỗi năm góp cho dịch vụ 700 ngàn, góp từ đây tới khi chết, mai mốt mình chết, bên dịch vụ lo an táng cho mình hết không phải phiền đến con cái". Cả đời Tám chăm lo cho gia đình, nhưng đến phút cuối vẫn không muốn phiền đến ai.
Theo Toàn Nguyễn (Trí Thức Trẻ)