Cuộc đời những đứa con sinh ra từ tinh trùng 'đi lạc'

28/11/2018 16:07:29

Khi 41 tuổi, chị Sarah Lin (Mỹ) vô cùng sốc khi phát hiện mình được tạo ra từ tinh trùng do bệnh viện đánh cắp.

Lúc 25 tuổi, chị Sara Lin ở Washington từng nghe bố mẹ kể chị được thụ tinh nhờ tinh trùng hiến. Hồi đó, chị không nghĩ nhiều về việc này. Nhưng khi có hai con, chị bắt đầu tò mò về cội rễ của mình và gửi mẫu niêm mạc miệng tới trang phả hệ Ancestry.com để phân tích ADN.     

Theo The Washington Post, sau khi nhận kết quả ADN vào hè năm 2017, Lin cùng vài người bạn lên mạng tìm kiếm cha ruột. Chị đã gửi thư điện tử cho người đàn ông mình tin là cha ruột, nhưng ông đáp chưa bao giờ hiến tinh trùng. Tuy nhiên, ông ta và vợ từng đến phòng khám hỗ trợ sinh sản vào mùa hè Lin được tạo thành. Lin và người đàn ông đó trò chuyện và nhanh chóng tìm hiểu được sự thật: Mẫu tinh trùng ông lấy khi đi khám đã được bệnh viện sử dụng cho mẹ Lin. 

"Ông ấy khá sốc, đồng thời cũng rất tò mò về tôi", chị nhớ lại. "Nhưng ông cũng cảm thấy mình bị xâm phạm nghiêm trọng". 

Cả Lin lẫn người đàn ông nọ cùng đưa sự việc ra công lý. Đại diện cơ sở hỗ trợ sinh sản từ chối phát biểu và nói rằng "không có hồ sơ lưu giữ về trường hợp này vì đã quá lâu".

Chị Lin mang cảm xúc lẫn lộn. Mặc dù vui vì tìm được cha ruột, chị cũng rất tức giận trước tình cảnh trớ trêu. Cha con chị không trò chuyện gì với nhau từ đó. "Tôi chẳng bao giờ muốn được thụ thai từ tinh trùng bị đánh cắp. Tôi biết ơn vì mình có mặt trên đời nhưng những gì xảy ra với ông ấy thì thật kinh khủng", chị Lin nói. 

Cuộc đời những đứa con sinh ra từ tinh trùng 'đi lạc'
Anh Matthew White và mẹ. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản đã dùng tinh trùng của mình để thụ tinh cho mẹ White thay vì dùng tinh trùng người hiến như đã hứa. Ảnh: The Washington Post. 

Dùng nhầm tinh trùng

Payton Zinkon lên 3 tuổi khi tên cô bé xuất hiện ở khắp các mặt báo trên thế giới. Bởi một sự nhầm lẫn trong phòng xét nghiệm, cô bé được thụ thai bằng tinh trùng của một người Mỹ gốc Phi mang số hiệu 330, thay vì người da trắng có mã số 380 ở ngân hàng tinh trùng Midwest, bang IIllinois, Mỹ.

Câu chuyện này được đưa ra ánh sáng năm 2014, khi mẹ cô bé, chị Jennifer Cramblett và bạn đời (đều da trắng), kiện ngân hàng tinh trùng và nói rằng dù rất yêu con gái, họ chật vật khi nuôi dạy một đứa trẻ lai đen.

Cuộc đời những đứa con sinh ra từ tinh trùng 'đi lạc' - 1
Jennifer Cramblett nuôi cô con gái lai da màu, được sinh ra từ tinh trùng của người hiến gốc Phi. Trong khi ý định ban đầu của chị là xin tinh trùng của người da trắng. 

Trong đơn kiện, chị Crambett - ở cộng đồng toàn người da trắng - mô tả mình gặp vô số thách thức và rắc rối với bố mẹ khi có đứa con không như ý. 

Vụ việc này đã thu hút nhiều ý kiến. "Sinh con không giống như đặt mua một chiếc quần jean - bạn không thể trả lại nếu nó không hợp hay bạn không thích. Bất cứ ai nghĩ rằng mình có quyền có được một đứa trẻ chính xác như những gì đã hình dung - và sẽ kiện nếu không nhận được như thế - thì không xứng làm bố mẹ", nhà bình luận Jeff Jacoby viết trên Boston Globe.

Ngân hàng tinh trùng Midwest từ chối đưa ý kiến. Họ hoàn lại cho gia đình Cramblett khoản tiền đã trả để mua 6 mẫu tinh trùng và một lá thư xin lỗi.

Hiện 6 tuổi, bé Payton được cả nhà yêu thương, chiều chuộng. Cô bé không hề biết gì về những lùm xùm của người lớn và gia đình hy vọng có thể giấu em việc này càng lâu càng tốt. 

Bác sĩ tráo tinh trùng của mình

Chị Jacoba Ballard được thụ thai tại một cao ốc tại thành phố Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) khi bác sĩ hỗ trợ sinh sản Donald Cline cấy tinh trùng của chính mình cho mẹ chị, thay vì tinh trùng của người hiến như đã hứa.

Cuộc đời những đứa con sinh ra từ tinh trùng 'đi lạc' - 2
Chị Jacoba Ballard cảm thấy mẹ mình bị xâm phạm nghiêm trọng khi vị bác sĩ chữa vô sinh dùng tinh trùng của ông ta để thụ tinh cho bà. Ảnh: The Washington Post.

Năm 2015, chị Ballard xét nghiệm ADN và thấy mình có liên quan huyết thống với vị bác sĩ. Nỗi băn khoăn càng tăng khi chị phát hiện mình có một số anh chị em cùng cha khác mẹ qua mạng.

"Chúng tôi trò chuyện và phát hiện ra rằng bố mẹ mình đều đến cùng một trung tâm y tế để chữa vô sinh", chị nhớ lại. 

Cùng với một số chị em cùng cha khác mẹ, Ballard sau đó đã gửi đơn khiếu nại. Chị đã tìm được gần 50 người sinh giữa các năm 1974 và 1987 tin rằng bác sĩ Cline là cha mình.

"Cline biết rõ những việc ông ta đã làm. Việc này cần được xem xét. Chúng ta không thể để việc này tiếp tục xảy ra", anh White, 35 tuổi, một nhà tư vấn môi trường, cũng là con rơi của vị bác sĩ giống như Ballard, nói.

Với hai người họ, hành động của Cline chẳng khác gì hãm hiếp, nhưng theo luật, ông này chỉ bị buộc tội quảng cáo sai sự thật và thực hiện hành vi vô đạo đức trong việc cung cấp dịch vụ. Cline bị tước giấy phép hành nghề, phải nộp phạt 500 USD và chịu thử thách một năm.

Giáo sư luật Jody Lyneé Madeira, đồng giám đốc của Trung tâm luật, văn hóa và xã hội tại Đại học Indiana, cho biết: "Ông ta cố tình đưa dòng giống gia đình mình vào bệnh nhân mà không được sự đồng thuận của họ. Luật hiện hành chưa có quy định để xử lý các trường hợp này nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các điều luật mới", ông bày tỏ.

Theo Vương Linh (VnExpress.net)