Vợ chồng anh P. ở Thanh Xuân- Hà Nội kết hôn từ năm 2011, khi đó vợ anh mới 26 tuổi, còn anh cũng chỉ 30 tuổi, thế nhưng suốt 5 năm liền, vợ chồng anh chạy chữa đủ nơi nhưng vẫn không thể có con. Đầu năm 2016, vợ chồng anh P. quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám và tư vấn các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Kết quả kiểm tra tại dây cho thấy, vợ anh hoàn toàn bình thường, trong khi chất lượng tinh trùng của anh rất thấp, số lượng dưới 2 triệu tinh trùng/ml.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, các bác sĩ tại Trung tâm đã tư vấn cho vợ chồng anh P. làm thụ tinh ống nghiệm. Sau 11 ngày kích trứng, bác sĩ chọc hút được 12 noãn trưởng thành nhưng trớ trêu, tinh dịch của anh P. lại không có tinh trùng.
Sau khi bàn bạc, vợ chồng anh P. thống nhất trữ đông trứng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà không xin tinh trùng.
Liên tiếp nhiều tháng sau đó, anh P. thường xuyên trở lại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép để kiểm tra tinh dịch đồ nhưng lần nào vợ chồng anh cũng ra về buồn rười rượi khi bác sĩ thông báo vẫn không có tinh trùng.
Không ngừng hy vọng và bỏ cuộc, tháng 12/2016, anh P. tiếp tục đến Trung tâm xét nghiệm tinh dịch. Kết quả bất ngờ khi số lượng tinh trùng đạt tới 20 triệu con/ml. Ngay lập tức, số tinh trùng này được mang đi đông lạnh.
Ngày 3/1/2017, bác sĩ tại trung tâm thực hiện ICSI cho trứng đông lạnh và tinh trùng đông lạnh của vợ chồng anh (dùng kim hút tinh trùng rồi bơm trực tiếp vào bào tương của noãn), thu được 5 phôi chất lượng, mang đi đông lạnh.
2 tháng sau, các bác sĩ thực hiện chuyển phôi đông lạnh lần 1 cho vợ anh P. “May mắn vợ anh P. đã đậu thai luôn và đến tháng 11, chị sinh con trai đầu lòng nặng 3,8kg ở tuần thai 39. Cả gia đình vỡ oà hạnh phúc sau nhiều năm hiếm muộn”- PGS.TS Hà kể.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, các mẫu tinh trùng sẽ được lấy bằng phương pháp thủ dâm. Với trường hợp tinh dịch không có tinh trùng, các bác sĩ phải trích xuất tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn. Sau đó, chúng sẽ được xét nghiệm máu để sàng lọc, đánh mã số rồi đặt vào máy hạ nhiệt độ để lưu trữ.
"Những mẫu âm tính với tất cả bệnh có thể đặt chung trong bình nitơ lỏng. Việc trữ đông tinh trùng khá dễ dàng, các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước đều làm được, chi phí rất rẻ”- TS Nguyễn Mạnh Hà thông tin
Trong khi đó, người phụ nữ sẽ tiêm thuốc kích thích buồng trứng, sau đó bác sĩ tiến hành chọc hút lấy trứng, sau đó đem trữ đông nếu cần thiết.
Các chuyên gia hỗ trợ sinh sản cho biết, kỹ thuật đông lạnh trứng được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng tỷ lệ trứng thoái hóa sau đông lạnh vẫn cao.
Đây là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng phương pháp đông trứng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Một điều gây khó khăn cho đông trứng là kích thước trứng. Trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể và cũng như các tế bào khác, trứng chứa rất nhiều nước. Do đó, khi đông trứng, việc hình thành các tinh thể đá nội bào sẽ phá hủy cấu trúc của tế bào trứng.
Phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa vitrification (nhanh hơn phương pháp đông phôi/trứng cổ điển khoảng 600 lần) được áp dụng cho đông trứng sẽ ngăn hình thành các tinh thể đá này, giảm tỷ lệ trứng thoái hóa sau rã đông.
Theo Nguyễn Hoàng (Sức khỏe & Đời sống)