Câu chuyện thứ nhất: Con rắn trong ly rượu
Ở Trung Quốc thời xưa có một người đàn ông tên là Lý Quảng. Một hôm, người này quyết định đến thăm một người bạn đã lâu không gặp. Ngay khi nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy, ốm o của bạn mình, Lý Quảng đã nhận ra hẳn là bạn mình đã gặp phải chuyện gì đó không hay.
Khi Lý Quảng mới hỏi nguyên cớ làm sao lại ra nông nỗi này, người bạn đáp rằng đó là do một bữa tiệc được tổ chức ở nhà Lý Quảng.
"Trong bữa tiệc đó, anh đã nâng một chén rượu mời tôi, và khi đó, khi nâng ly, tôi nhìn thấy một con rắn nhỏ nằm trong đó, ngay lập tức, tôi đã cảm thấy không khỏe trong người. Kể từ đó, tôi cứ nằm trên giường mà chẳng thể nào làm được việc gì", người bạn giãi bày.
Lý Quảng vô cùng bối rối. Khi về đến nhà, Lý Quảng phát hiện ra trên tường phòng nhà mình có treo một cây cung có chạm khắc hình một chú rắn và hiểu ra mọi chuyện. Lý Quảng cho người đến đón người bạn kia tới nhà mình chơi, rồi lại bày một chiếc bàn tiệc giống hệt như lần trước.
Ban đầu, Lý Quảng quay phần cây cung có con rắn ra ngoài, rồi rót đầy cốc rượu mời người bạn nọ, bảo người này nâng ly xem có thấy gì không. Người này trả lời: "Đúng là con rắn tôi nhìn thấy lần trước."
Sau đó, Lý Quảng mỉm cười rồi lấy cây cung treo ở trên tường xuống. "Giờ thì anh có nhìn thấy con rắn nữa không?" Người bạn vô cùng ngạc nhiên khi thấy con rắn biến mất trong cốc rượu của mình.
Từ đó trở đi, cả tâm bệnh lẫn thân bệnh của người này, chẳng chữa cũng tự hết.
Bài học rút ra: Trên đời này có rất nhiều người giống như người bạn của Lý Quảng: Không điều tra rõ sự tình nhưng luôn khăng khăng tin vào một điều mơ hồ để rồi sợ hãi, chọn cách né tránh và để những năm tháng thanh xuân tự tàn lụi đi.
Chính vì thế, khi trong lòng có uẩn khúc hoặc hồ nghi, không nên để đó mà phải tìm hiểu rõ sự tình, tránh để bản thân phải chịu đựng những thiệt hại không đáng có.
Câu chuyện thứ 2: Mục sư và con dê
Ngày xưa có một vị mục sư hiền lành sống trong ở ngôi làng nọ. Một ngày, ông được một người giàu có tặng cho một chú dê vì đã giúp người này thực hiện một nghi lễ. Rất vui mừng, mục sư vác con dê trên vai trở về nhà.
Giữa đường, có 3 kẻ lừa đảo nhìn thấy mục sư từ xa. Chúng bàn nhau chiếm đoạt con dê của mục sư. Tên thứ nhất nói: "Sao một người cao quý như ngài lại vác con chó trên vai thế?"
Mục sư trả lời: "Không phải chó, nó là một con dê mà". Tên này lại khẳng định: "Xin lỗi nhưng ngài nhầm rồi. Nó đúng là một con chó".
Đi được một đoạn, mục sư lại gặp tên thứ 2 và hắn lại nói: "Nhìn ngài có vẻ là người thông thái. Sao ngài lại vác trên vai một con bê chết như thế?"
Mục sư rất tức giận và trả lời: "Sao anh lại không phân biệt được một con dê còn sống với một con bê đã chết nhỉ?"
Tên này vẫn ngoan cố: "Tôi chỉ nói những gì nhìn thấy thôi mà."
Đi được một đoạn nữa, mục sư lại gặp tên thứ 3 và nghe được câu hỏi tương tự: "Sao ngài lại bác một con lừa trên vai thế? Trông thật buồn cười".
Đến lúc này, mục sư bắt đầu tự hỏi mình: "Hay nó không phải là con dê nhỉ? Nó là ma quỷ chăng?"
Nghĩ đoạn, mục sư sợ hãi rồi ném con dê sang bên đường rồi chạy thật nhanh. Ba kẻ lừa đảo ôm bụng cười và dễ dàng bắt được con dê, mang về làm thịt.
Bài học rút ra: Trong thâm tâm mỗi con người luôn thường thực một nỗi sợ hãi, đó là khi ta có vẻ ngoài, có cách suy nghĩ hay cách làm không giống người khác. Những kẻ nhát gan khi nghe người khác dọa nạt thì vội thay đổi ngay mà không cần suy xét.
Thế nhưng, làm người phải có chính kiến. Nếu đến bản thân cũng nghi ngờ thì chẳng còn có thể tin vào ai, dễ trở thành đối tượng để kẻ khác lợi dụng nhằm trục lợi.
Câu chuyện thứ 3: Nỗi sợ của sư tử và voi
Có một con sư tử oai nghiêm hùng dũng sống ở một khu rừng nọ. Nó chẳng sợ gì ngoài tiếng gáy của gà trống. Một hôm, nó tìm tới con voi, tâm sự nỗi sợ trong lòng mình.
Nghe xong chuyện, voi cười rũ rượi rồi hỏi: "Làm sao tiếng gáy của gà trống có thể làm hại được anh mà sợ chứ? Nghĩ kỹ mà xem".
Voi vừa dứt lời, một con muỗi bay vo ve quanh đầu con voi, khiến nó hoảng sợ, chồm chân rồi rống lên: "Nếu nó bay vào tai là tôi chết chắc luôn", voi gào lên. Lúc này, lại đến lượt sư tử cười lăn lộn vì sự nhát chết của voi.
Bài học rút ra: Nếu ta có thể coi nỗi sợ của mình là của người khác thì sẽ thấy rằng, hầu hết mọi nỗi sợ, thực ra đều chẳng có gì đáng sợ. Điều đáng sợ nhất trong đời là luôn sợ hãi trước mọi khó khăn, trở ngại và không dám vượt qua chúng.
Theo Thanh Hương (Soha/Tổ Quốc)