Phạt con bằng cách bỏ con trong rừng khiến cậu bé bị mất tích, một vợ chồng người Nhật đang hứng chịu chỉ trích từ dư luận. TS Trần Thành Nam, Giảng viên trường ĐH giáo dục, ĐH Quốc gia HN cho rằng: "Phụ huynh trên có mục đích tốt nhưng đã sử dụng sai phương pháp".
Cậu bé Yamato Tanooka (7 tuổi) mất tích vào ngày 28/5 |
Vụ việc xảy ra đã gây nên làn sóng giận dữ với cách làm của cặp vợ chồng trên. Họ cho rằng việc để con lại một mình trong khu rừng đầy gấu như vậy là quá sức nguy hiểm. Các cơ quan chức năng đang xem xét việc liệu cặp vợ chồng này có bị xử phạt theo pháp luật hay không.
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Tâm lý Trần Thành Nam (1980), Giảng viên trường ĐH giáo dục, ĐH Quốc gia HN, cho rằng, trong trường hợp này, có lẽ ông bố muốn có cách phạt con tích cực khiến con phải suy nghĩ lại hành vi của mình, nhận thức rằng con đã làm sai và phải chịu phạt. Tuy nhiên, ông bố đã sai lầm khi chọn cách phạt này bởi bối cảnh của hình phạt là khu rừng, có gấu là nơi không an toàn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa biết cậu bé có quen với môi trường rừng núi không? cậu bé đã được trang bị các kỹ năng khi ở trong môi trường này chưa?
Lúc này đứa trẻ cảm thấy không an toàn, sợ hãi và bỏ đi hoặc trường hợp xấu bé bị ngã xuống vực hoặc thú dữ tấn công. Như vậy, ông bố có mục đích, chủ ý dạy con tích cực nhưng không cân nhắc hậu quả nên có kết quả không như mong đợi thậm chí gây nguy hiểm cho con.
Cha mẹ đã bỏ rơi con trai một mình ở trong rừng khoảng 5 phút để trừng phạt. Họ cho biết chỉ rời con khoảng 500 m thì quay lại nhưng không thấy cậu bé đâu. Trong ảnh các nhân viên cứu hộ tìm kiếm cậu bé trong khu vực |
Ông Nam cho biết thêm, ở nước ngoài nhiều phụ huynh đã áp dụng phương pháp Tomato (Kỷ luật tích cực). Theo đó, khi con vi phạm lỗi cha mẹ sẽ phạt con bằng cách tách con ra khỏi những thứ hứng thú vui vẻ và đặt con vào trạng thái buồn chán.
Cụ thể phụ huynh sẽ không cho con sử dụng đồ chơi, đồ ăn vặt mà buộc đứa trẻ phải đứng ở góc nhà không được trò chuyện cùng mọi người, không được tham gia vào hoạt động của cả nhà. Nhưng bối cảnh của nơi diễn ra hình phạt phải đảm bảo sự an toàn cho trẻ không gây nguy hiểm, không khiến cho trẻ sợ hãi, cảm thấy bị tổn thương, lo lắng, bị làm nhục.
"Một số mẹ Việt có cách phạt con như nhốt con trong nhà vệ sinh theo tôi đây là cách làm không hay bởi nhà vệ sinh là nơi bẩn, tăm tối. Một số mẹ khác lại bắt trẻ đứng trong phòng tối khóa trái cửa lại khiến trẻ lo lắng, sợ hãi chưa kể trong phòng có ổ điện, dao kéo...rất nguy hiểm.
Thay vào đó cha mẹ có thể để con một mình trong phòng trống nhưng bật sáng đèn và có thể mở cửa để con vẫn có thể nhìn thấy mọi người. Nhưng điều bắt buộc là con không được giao tiếp trò chuyện, không được tham gia các hoạt động với mọi người. Ví dụ lúc này cả nhà đang trò chuyện, xem phim ở phòng khách thì con phải ở trong phòng suy nghĩ về hành vi chưa đúng của mình", ông Nam nhận định.
Với chia sẻ của một số phụ huynh về ranh giới mong manh giữa việc phạt con nghiêm và phạt con nguy hiểm, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, phạt nghiêm khác hoàn toàn với phạt nguy hiểm.
Cùng hình phạt đứng vào góc nhà, bạn phạt nghiêm nghĩa là phải nhất quán từ đầu đến cuối. Con làm sai là phải phạt đứng góc tường, trong khoảng thời gian 10 phút, nếu con chưa nhận được lỗi lại phạt tiếp. Không phải cùng một hành vi sai của con lúc phạt lúc không hoặc lúc phạt được 5 phút, bố mẹ thấy thương quá lại "tha", lúc bực mình lại tăng lên 15 phút.
Hình phạt nguy hiểm nghĩa là phạt con đẩy con vào môi trường nguy hiểm như đã nói ở trên: xung quanh có bóng tối, các vật dụng nguy hiểm, cha mẹ không thể quan sát con để xử lý các tình huống vượt ngoài tính toán như con ngất, con bị ngã...
Hình phạt khiến trẻ phải xấu hổ, bị làm nhục như lột hết quần áo, đánh con giữa đường, bắt trẻ cầm bảng quỳ xin lỗi để mọi người đi qua chỉ trỏ, dè bỉu...cũng là những hình phạt hoàn toàn không nên sử dụng.
Theo N.Trang (VietnamNet)