Thời buổi văn minh, sự bình đẳng giới được hô hào ra rả hằng ngày trên các phương tiện truyền thông nên ranh giới của sự khác nhau giữa việc đẻ con trai và đẻ con gái ở phương Đông đã thu hẹp dần từng ngày một. Nhưng thật tình, có một số khoảng cách vô hình không thể nào rút ngắn được, nhất là ở những quốc gia Á đông như chúng ta. Không tin thì cùng đọc một đôi dòng đang gây bão trên mạng xã hội khi so sánh về sự khác nhau của việc sinh con trai và con gái dưới đây để thấy, khoảng cách này vừa xa, vừa gần và nó cũng vô tình chạm tới nhiều phạm vi chua xót trong lòng của không ít ông bố, bà mẹ chỉ vì... họ sinh ra con gái.
“Khi con trai lấy vợ, mẹ sẽ có thêm 1 người con. Khi mẹ có thêm 1 người con, mẹ được mắng, được chửi, được toàn quyền dạy dỗ, và đa số bà mẹ chồng nào cũng có tham vọng đập đi xây lại tính cách của con dâu.
Khi con gái lấy chồng, bố mẹ lại có thêm 1 vị khách để đội lên đầu. Bố mẹ là người lớn, nhưng mỗi lần không vừa ý, mỗi lần con rể làm sai cũng không dám nói 1 lời.
Bố mẹ bao giờ cũng lo lắng mình cằn nhằn với rể, rể lại đổ lên đầu con gái mình. Nên dù ông bố đó có nóng tính đến mấy, bà mẹ đó có ghê gớm đến mấy rồi cũng nhẫn nhịn.
Khi con trai sinh con, mẹ sẽ có thêm 1 đứa cháu mang họ mình, được chăm sóc, được dạy dỗ, có niềm vui tuổi già. Khi con gái sinh con, mỗi lần cháu đến chơi là ông bà lại lọ mọ nấu cháo, chuẩn bị đồ chơi, mua dăm ba gói kẹo gói bánh chia cho bọn trẻ con trong xóm chơi cùng cháu mình.
Đó là giây phút rộn nhất năm trong ngôi nhà nhỏ của ông bà ngoại. Rồi sau đó cháu cũng về nhà nó, nếu cháu có lỡ xây xước ở đâu, có ốm đau gì thì người ta cũng bảo do về nhà ông bà ngoại vài bữa mà nên.
Con trai đi lấy vợ lễ Tết mẹ được san sẻ công việc với con dâu, biết thì con làm, không biết mẹ cũng dạy cho mà làm.
Con gái lấy chồng, cơ hội về ăn Tết với mẹ còn không có. Ở gần thì đến nhà mẹ 1 buổi rồi về, ở xa thì năm về năm không, mà cũng là trước hoặc sau Tết.
Khi con gái ở với mẹ, mẹ chuẩn bị dọn mâm, con thì ngủ đợi đến giao thừa mẹ gọi, có những năm làm biếng chẳng buồn dậy, 2 ông bà lại ăn cùng nhau. Sau này muốn tìm lại thời khắc đó cũng là điều không thể.
Là con gái, bố mẹ nuôi mình được 20 năm, mình chẳng nuôi nổi bố mẹ được 1 ngày.
Là con gái làm dâu không tốt, bố mẹ sẽ bị chửi là không biết dạy con.
Là con gái, chính là mối làm ăn lỗ vốn nhất trong cuộc đời của bố mẹ.
Là con gái lấy chồng rồi đừng ở nhà nội trợ, hãy đi làm và độc lập tài chính, để ngộ nhỡ có ngày cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể ngẩng cao đầu ôm con về nhà với mẹ”.
Những dòng chia sẽ nhói lòng trên, được đăng tải trên một trang fanpage trên mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Chỉ sau 9 giờ đăng tải, bài viết đã nhận về hơn 32k lượt like và gần 30k lượt chia sẻ cùng hàng ngàn lượt bình luận mà đa số đều đến từ chị em phụ nữ. Ai ai cũng nhanh tay chia sẻ cảm xúc đồng cảm của mình trước một lý lẽ muôn đời của người Việt: khi bố mẹ sinh ra nuôi cho đủ lông đủ cánh, thì đứa con gái nào cũng phải lấy chồng, theo chồng, làm dâu trong một gia đình khác. Chính nó cũng là nguồn cơn của việc nảy sinh ra câu nói: “Là con gái, chính là mối làm ăn lỗ vốn nhất trong cuộc đời của bố mẹ”.
Sau đây là một số chia sẻ về cảm xúc của một số chị em khi đã và đang lâm vào tình cảnh như trên, một tình cảnh vô tình trở thành mối làm ăn lỗ vốn của bố mẹ sinh ra mình:
“Năm đầu tiên lấy chồng. Biết bố bệnh nặng không thể qua được cái Tết sau nhưng cũng không dám xin về ăn Tết cùng bố mẹ. Và rồi qua Tết đó bố ra đi. Một năm sau sinh bé không về với mẹ được. Cũng chỉ về trước Tết được vài ngày nhưng cũng không ngờ rằng đó là Tết cuối cùng của mẹ. Cứ mãi day dứt và suy nghĩ dằn vặt. Kiếp làm con, làm dâu. Bên nào cũng nặng. Bên nào cũng trọng, chỉ thương đời người ngắn ngủi chưa chọn vẹn chữ hiếu”.
“Cứ nói lấy chồng gần là được về nhà chứ đâu phải, 10 lần về thì 7 lần hai vợ chồng xin phép đàng hoàng còn ba lần nói dối về giấu không cho ông bà biết. Chả hiểu sao nhà ngoại cách có tầm 10km thôi mà mỗi lần xin về chơi thôi là mặt ông bà cứ thấy không vui nên nhiều khi nhớ nhà phát điên mà cũng không dám bảo chồng cho về, tủi lắm!”.
“Mình lấy chồng gần 2 nhà cách nhau có hơn 1km. Mà nhiều lúc đi bán hàng, ship hàng qua nhà ngoại. Nhìn thấy bố ở cửa muốn vào nói chuyện với bố mà còn không được. Vội vàng về nhà nấu cơm rồi chăm lo con cái. Gần như thế. Mà nhiều lúc còn nhớ bố mẹ dã man. Tóm lại sinh ra là con gái là đã khổ rồi”.
Tuy nhiên, giữa những bình luận chia sẻ tình cảnh xót xa của mình, hệt như trên bài viết kia có đề cập, thì cũng có không ít người đứng ra bày tỏ qua điểm về sự bình đẳng. Họ cho rằng, thời buổi này, ai cũng như ai, ai cũng có quyền quyết định và lựa chọn cuộc đời của riêng mình, không ai có thể bắt phụ nữ sống thế này, sống thế kia nếu họ không muốn. Hãy đàm phán hoặc chọn một cuộc đời sống đúng với lương tâm và chữ hiếu. Người thương mình, yêu mình sẽ không bao giờ ép mình phải bội bạc với chính bố mẹ ruột cả.
Quay về bài viết, thật bất ngờ là có rất nhiều người dùng mạng đã tinh ý nhận ra đây chính là nội dung đã từng gây bão mạng xã hội từ năm 2016, do Facebooker Trần Khánh Huyền chia sẻ lần đầu và không ngừng được "tái bản" trên mạng xã hội. Một nội dung đã cũ đi liền với mệnh đề: Con gái - chính là mối làm ăn lỗ vốn lớn nhất trong cuộc đời của bố mẹ, có lẽ bởi sự đồng cảm cao độ với chị em mà đã được “đào mộ” trở lại và thêm một lần khiến cộng đồng mạng xã hội dậy sóng.
Nhưng thật tình mà nói, dù cho bài viết này có xuất hiện thêm một lần này nữa, hay thậm chí là nhiều lần khác trong tương lai, thì vẫn khó có thể phủ nhận đi giá trị đồng cảm “vượt thời gian” của nó. Suy cho cùng, nội dung này ít nhiều sẽ còn gây chấn động dài dài nếu chị em phụ nữ chúng ta vẫn đang loay hoay chưa tìm ra được hướng giải quyết và các anh chồng vẫn không chịu hiểu cho nỗi khổ tâm của phận làm dâu, làm vợ của người bạn đời của mình. Nó sẽ vẫn là một nốt trầm buồn nếu như bản thân phụ nữ hiện đại vẫn hy vọng sinh được con trai để nối dõi tông đường cho nhà chồng và củng cố vị trí của chính mình...
Khoảng cách vô hình nếu không được nhìn bằng những ánh mắt đồng điệu sẽ không bao giờ rút ngắn được đâu, chị em ạ!
Theo MIn (Helino)