Khi trẻ đến tuổi dậy thì, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy con mình ngày càng không nghe lời và trở nên ngỗ ngược. Trên thực tế, nhiều phụ huynh không biết rằng ngoài sự nổi loạn, con cái của họ cũng hiểu biết hơn và muốn giúp cha mẹ làm những gì chúng có thể.
Cô bé Minh Minh (Trung Quốc) 12 tuổi mới bước vào năm đầu tiên của trường trung học cơ sở, nhưng đứa trẻ luôn tỏ ra hơi tự ti vì sống trong một gia đình đơn thân, từ lâu đã không biết cha mình đi đâu. Mỗi khi nói về bố, người mẹ đều im lặng.
Nhìn thấy mẹ làm việc vất vả mỗi ngày, Minh Minh cũng cảm thấy rất đau khổ trong lòng. Vì vậy, cô bé luôn cư xử chu đáo và ngoan ngoãn, hy vọng mẹ sẽ đỡ muộn phiền và lo nghĩ. Nhìn thấy con biết đối nhân xử thế, thương yêu gia đình, người mẹ vô cùng cảm động.
Nhưng gần đây bà mẹ để ý thấy con gái mình bỗng ăn mặc chững chạc, không chỉ trang điểm mà còn có tiền mua nhiều quần áo đẹp. Điều đáng nói, đây không phải là những bộ quần áo trẻ em ở độ tuổi này nên mặc, chúng có vẻ quá trưởng thành.
Người mẹ cảm thấy con có điều gì đó không ổn nên quan sát con nhiều hơn. Cuối cùng, vào một đêm, thấy phòng của đứa trẻ vẫn sáng đèn, người mẹ nhìn qua khe cửa. Cô thấy con gái mặc quần áo đẹp và đang tỏ ra dễ thương và lém lỉnh trước camera máy tính để bàn.
Người mẹ rất tức giận, cho rằng con gái mình trò chuyện video với người khác giới. Vì vậy, ngay lập tức mở cửa, tra hỏi con. Đứa trẻ lí nhí nói ra lý do, người mẹ liền bật khóc.
Hóa ra cô bé không phải trò chuyện video với bạn trai mà đang thực hiện một webcast (một dạng phát sóng) trực tiếp, hy vọng kiếm được tiền để giúp mẹ chia sẻ phần nào áp lực trong cuộc sống. Nhưng muốn truyền hình trực tiếp được nhiều "view" thì phải ăn mặc thu hút, chính vì vậy mà Minh Minh thời gian qua đã thay đổi rất nhiều.
Tuy hành vi sai nhưng xuất phát điểm của em là tốt, chỉ là để mẹ đỡ vất vả và làm được điều gì đó cho gia đình này. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên cảnh giác để tránh cho con cái mình sa đà vào việc làm sai trái. Nếu đứa trẻ, nhất là ở độ tuổi dậy thì không được cha mẹ quan tâm rất có thể sẽ đi chệch hướng.
Trên thực tế, trẻ em trong các gia đình đơn thân luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Sống trong gia đình đơn thân, con cái càng phải mạnh mẽ hơn, vì bất cứ lúc nào chúng cũng có thể bị bên ngoài chỉ trích, nghĩ rằng đứa trẻ này không cha/không mẹ. Nếu trẻ không đủ vững vàng, rất dễ bị những lời nói này làm tổn thương.
Dù đứa trẻ này tỏ vẻ thực sự không quan tâm, trái tim chúng vốn đã đầy lỗ hổng, chỉ là không muốn để mọi người nhìn thấy mặt yếu ớt của mình. Khi làm cha làm mẹ, chúng ta phải hiểu rằng mình có trách nhiệm mới, không chỉ với vợ với chồng mà còn là trách nhiệm với con cái, trách nhiệm này càng nặng nề hơn khi là bố/mẹ đơn thân và chúng ta cần phải cố gắng để gánh vác.
Hãy cố gắng quan tâm đến con, vui vẻ lạc quan để con không bị áp lực tâm lý đè nặng. Dù khó khăn nhưng chỉ cần bạn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của con mình và sự trưởng thành của trẻ, hẳn mọi nỗ lực đều trở nên thật đáng giá.
Theo Hiếu Đan (Nhịp Sống Việt)