Các bệnh viện đã ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh:
Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang điều trị 19 ca sốt xuất huyết (trong đó có 2 trẻ em), 18 ca tay chân miệng (4 trẻ em) và 12 ca COVID-19, với 6 trường hợp COVID-19 cần theo dõi tích cực.
Theo Bệnh viện Nhi Hà Nội, số trẻ em nhập viện do COVID-19 đã tăng rõ rệt từ đầu năm 2025. Chỉ riêng ngày 19/5, bệnh viện này đã tiếp nhận 18 trẻ mắc COVID-19. May mắn là chưa có ca nào diễn biến nặng đến mức cần thở máy hay can thiệp đặc biệt, dù nhiều trẻ gặp biến chứng viêm phổi.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca COVID-19 vẫn nhập viện hàng ngày, phần lớn là các trường hợp nhẹ và bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Dù có một số ca nặng cần thở máy, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào phải can thiệp ECMO như giai đoạn trước.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng và ẩm ướt hiện nay là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 gia tăng. Sốt xuất huyết và tay chân miệng đang trong mùa cao điểm, có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, COVID-19 tuy đã giảm mức độ nghiêm trọng nhưng vẫn có thể gây diễn biến nặng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin.
Biến chủng Omicron XEC đang gây ra các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ, sổ mũi. Dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến chủng này vào nhóm nguy cơ thấp.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – giảng viên cao cấp Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết Omicron XEC có tốc độ lây lan nhanh nhưng độc lực không tăng. Do đó, việc xét nghiệm nhanh để xác định mắc COVID-19 không còn là bắt buộc. Người dân chỉ cần lưu ý đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như người già và người mắc bệnh nền.
Trong trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường, đồng thời tránh tụ tập đông người.
PV (SHTT)