Người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng cho ông Obama trong năm 2018
"Bạn muốn thấy sự thay đổi trong năm 2019? Thì hãy xắn tay áo và bắt đầu".
Đó là lời kêu gọi hành động trong năm mới của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông yêu cầu những người theo dõi ông hãy cùng "đưa ra một cam kết": Các bạn nên tìm thứ gì đó bạn muốn thay đổi trong cộng đồng và thực hiện từng bước đầu tiên để thay đổi nó.
Trong bài phát biểu của mình, ông nói: "Tôi có thể nói với mọi người điều tôi thực sự tin, đó là nếu chúng ta chịu trách nhiệm liên quan đến số phận của chính mình, nếu chúng ta tham gia, nếu chúng ta nói ra, nếu chúng ta tình nguyện, nếu chúng ta thấy niềm vui đến từ các dịch vụ cho người khác, thì tất cả những vấn đề mà chúng ta gặp phải đều có thể giải quyết được.
Điều quan trọng không phải là quy mô hành động, điều quan trọng là bạn sẽ thực hiện nó như thế nào".
Để thúc đẩy mọi người, cựu Tổng thống Mỹ chia sẻ một danh sách các nhà lãnh đạo đã truyền cảm hứng cho ông trong năm 2018. Mỗi nhà lãnh đạo này đều góp phần quyết định giúp "xây dựng tương lai tốt hơn" mà họ muốn thấy trên thế giới.
Một trong số cái tên được ông Obama nhắc đến, có "cô Hồng của Việt Nam", nhà bảo vệ môi tường đã lĩnh xướng các sáng kiến ở Đông Nam Á để thúc đẩy bảo tồn năng lượng.
"Các nhà lãnh đạo như cô Hồng đã vận động phong trào thanh niên hành động vì thế giới xanh, sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực" - Ông Obama từng nhận định.
Hoàng Thị Minh Hồng, với nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu tại Việt Nam, được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero). Năm 24 tuổi, chị là người Việt Nam đầu tiên khám phá Nam Cực, giương cao lá cờ Tổ quốc tại điểm có độ cao 2800m so với mực nước biển. Từ đó, người ta gọi chị là "Hồng Nam Cực".
Chị là một người phụ nữ hiện đại, bản lĩnh, sẵn sàng từ bỏ một công việc ngon lành, chỉ để theo đuổi những thứ được cho là viển vông vào thời điểm đó. Môi trường cùng những năm tháng "lăn lộn" với rất nhiều dự án bảo vệ động vật hoang dã đã "tôi luyện" chị trở thành một "chiến binh". Dường như chị cảm thấy mình "mang nợ" với thiên nhiên.
Tháng 11/2009, "Anh hùng Khí hậu" trở lại Nam Cực trong chuyến thám hiểm mang tên "Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực". Nếu như chuyến đi của năm 1997 giúp thay đổi nhận thức, tư duy, chuyến đi của quá nhiều những trải nghiệm mới mẻ, đôi khi choáng ngợp, thậm chí có những cú sốc văn hoá. Thì hành trình năm 2009 lại nhẹ nhàng, đỡ căng thẳng hơn rất nhiều và chị hưởng thụ trọn vẹn. Nam Cực vẫn đẹp và vĩ đại như vậy.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng là một trong 12 lãnh đạo dân sự từ 12 quốc gia đang tham gia Chương trình Học Giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khoá đầu tiên tại Trường đại học Columbia tại New York (Mỹ), với mục tiêu hỗ trợ tìm ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.
Trong thời gian học ở Mỹ, chị Hồng có cơ hội gặp và tiếp xúc 2 lần với Cựu Tổng Thống Obama. Trong suy nghĩ của chị, ông ấy thân thiện và thông minh với cách nói chuyện hết sức truyền cảm, mà không kém phần hóm hỉnh.
Ngay khi biết tin được ông Obama nhắc tên trong bài viết cuối năm 2018, như một nguồn cảm hứng của ông trong năm 2018, chị chia sẻ, "Đối với mình, anh ấy là một trong những người truyền cảm hứng nhất hành tinh. Nên được anh ấy nhắc đến trong tweet như là một trong những lãnh đạo trẻ đã truyền cảm hứng cho anh ấy trong năm 2018, thấy tự hào quá.
Nhưng như anh Obama đã nói đấy, muốn vậy thì phải xắn tay áo lên để làm một việc gì đó (có ích cho cộng đồng). Vậy mình cùng xắn nhé!".
Bây giờ, các bạn đã có thể chọn được là bạn sẽ làm gì với cuộc đời của mình chưa?
Năm 24 tuổi, chuyến thám hiểm tới Nam Cực giúp Hoàng Thị Minh Hồng hiểu hơn về tình trạng trái đất nóng lên, mà trước đó chị hoàn toàn không hề biết gì. Hơn thế nữa, chị biết rõ thế nào là niềm đam mê thật sự. Trở về Việt Nam, mỗi ngày đi làm từ sáng đến tối rồi nhận lương, chị thấy mình vô dụng cho xã hội. Thế là chị bỏ việc! Chị đi khắp nơi để nói chuyện về Nam Cực, về môi trường.
Năm 2008, chị thuyết phục WWF - Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đưa Giờ Trái Đất về Việt Nam. Trong những năm đó, phong trào môi trường tại Hà Nội vẫn còn trầm lắng. Các hoạt động của WWF chủ yếu là những dự án quy mô lớn, tập trung bảo vệ các khu bảo tồn rừng và biển. Chị kỳ vọng, Giờ Trái Đất sẽ là một chiến dịch nêu bật được thông điệp quan trọng, là ai cũng có thể làm được một việc nhỏ (tắt đi một bóng đèn), để giảm tác động lên môi trường, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Trong những năm 2010-2011, chị xây dựng được một nhóm điều phối gồm các bạn trẻ rất máu lửa, mà chị thường gọi đùa là những kẻ "bị dụ", để cùng chính thức khởi động phong trào 350 ở TPHCM và Hà Nội. Nhóm có tên CHANGE, hoạt động hiệu quả, thu hút hàng ngàn tình nguyện viên trên khắp cả nước.
CHANGE nghĩa là thay đổi, chị Hồng rất thích từ này. Thay đổi chính là cốt lõi của mọi quá trình tiến hoá, mọi cuộc cách mạng, mọi phát minh của nhân loại. Thay đổi chính là khả năng con người có được, để ngày mai của mình sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Qua rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chị "ngộ" ra rằng các vấn đề môi trường của Việt Nam sẽ có thể được giải quyết nếu như mỗi cá nhân có khả năng thay đổi: thay đổi nhận thức và hành vi, thay đổi cách suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể.
Nhờ có CHANGE và những đóng góp về môi trường, Hoàng Thị Minh Hồng có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với ông Obama. Cựu Tổng thống ưu ái gọi chị là "Cô Hồng ở Việt Nam". Tuy ngắn ngủi nhưng vui vẻ và thân tình.
"Cựu Tổng thống đã nói một điều rất giống với suy nghĩ của mình: "Chúng ta muốn thay đổi thế giới thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động. Mình nhận ra, đấy chính là việc mình và CHANGE đang nỗ lực thực hiện nhiều hơn trong các dự án môi trường tại Việt Nam".
Lần 2 gặp lại "anh" Obama, cũng bất ngờ và không được báo trước như lần thứ nhất. "Mình chẳng nhớ chi tiết hôm đấy bọn mình nói những gì, chỉ nhớ là lúc đấy phấn khích lắm. Anh Obama lúc nào cũng thú vị, thông minh, dí dỏm, và rất "duyên" (cái duyên này rất ít người lãnh đạo có)", chị Hồng nói.
"Mấy đứa bọn mình nói chuyện liên thiên và thân thiết như những người bạn. Anh Obama hỏi thăm về nhóm học giả của bọn mình ở New York trong mấy tháng qua làm gì, sắp tới có dự định gì. Mình cũng tranh thủ vận động nếu sắp tới Quỹ Obama mở rộng chương trình sang Đông Nam Á thì nhớ ghé Việt Nam nhé, vì mình rất mong các bạn trẻ nhà mình sẽ có cơ hội được tham gia những chương trình như thế này, để được truyền thêm cảm hứng và năng lực để đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn.
Tại Hội nghị đó, anh Obama nói một điều này mà mình rất tâm đắc: Bạn không thể biết trước được khi bạn ra đời, bạn sẽ là da trắng hay da đen, là người châu Á hay người La Tinh, bạn không thế biết trước được bạn sẽ sinh ra ở đất nước nào, khi đó bạn không thể chọn được. Nhưng giờ thì bạn có thể chọn được là bạn sẽ làm gì với cuộc đời của mình.
Vậy các bạn đã chọn chưa?".
Chị Hồng tin, các phong trào môi trường xã hội ở Việt Nam cần phải hoàn toàn dựa vào giới trẻ. Giáo dục các bạn ấy là dễ nhất, chứ thay đổi nhận thức và thói quen của thế hệ lớn tuổi khó hơn gấp vạn lần. Bản thân chị cũng từng đi qua những ngày tháng hoài bão, muốn làm thật nhiều, đam mê thì đầy ắp nhưng không có tiền, không có sự ủng hộ của các bên, không được kết nối với các tổ chức. Thì rồi, đam mê nào cũng chết yểu.
Bởi thế, để người trẻ cùng chung tay vì môi trường, vì chính cuộc sống, điều quan trọng là kết nối và trao cho họ niềm cảm hứng, như cách chị Hồng lặng lẽ truyền nó cho ông Obama.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)