Quay ra nựng thằng nhỏ, tôi hỏi ba mẹ con ăn uống gì chưa, sắm Tết đến đâu rồi, bao giờ về quê. Nhìn tôi, chị rơm rớm nước mắt làm tôi giật mình. Hoá ra, từ hồi mang bầu cu Bê, chị bắt đầu bị chồng quản thúc, mặc dù chị làm công chức cũng có chế độ thai sản, nhưng tất cả đều đưa cho chồng, vì chồng bảo nghỉ đẻ ở nhà ăn bám, cầm tiền làm gì cho vướng. Suốt ngày quanh quẩn cho con bú, chợ búa thì chồng đưa có vài trăm ba mẹ con lủi thủi ăn cả tuần, cơm tối thì 4 người chẳng đủ, bảo sao thỉnh thoảng tôi vẫn nghe vọng sang tiếng anh xã nhà chị quát vợ là vụng, không biết nấu ăn, chồng đi làm vất vả về toàn cho ăn rau đậu. À, ra thế, ông anh ki bo đi mắng vợ tằn tiện.
Nhiều bà bầu chấp nhận nghỉ việc, để ở nhà làm hậu phương (ảnh minh họa) |
Mẹ cu Bê chìa cho tôi xem mẩu chuyện chị vừa đọc được sáng nay, sao mà hợp lòng hợp cảnh thế, lại gặp được cả tôi để trút bầu tâm sự, chị ngồi thút thít cả buổi. Hình như, không phải mình chị mang tiếng là ăn bám chồng. Mà chị được hẳn vài - trăm - một - tuần, nghe còn oai hơn cô vợ được chồng quẳng cho 100 ngàn mỗi sáng dưới đây.
"Cuộc đời ăn bám...
Cũng như mọi ngày tôi thức dậy vệ sinh cá nhân xong rồi dọn dẹp nhà cửa, rồi nhìn lên mặt bàn với tờ 100 ngàn đc để sẵn từ bao giờ. Đây là chi tiêu trong ngày cho một bà bầu không công ăn việc làm như tôi, cầm tờ 100 qua quán bún cạnh nhà ăn sáng hết 25 ngàn, vì bầu bí nên ăn sáng là điều đương nhiên... Rồi tôi đi chợ với số tiền còn lại đủ cho bữa trưa và tối, nhiều khi cũng muốn mua thứ gì đó ngon ngon nhưng không còn đồng nào trong túi cả, với số tiền đó thì trái cây trong ngày chỉ có chuối (vì bà bầu ăn chuối cũng tốt mà).
Mỗi sáng thức dậy, luôn có tờ 100 ngàn để sẵn, khiến người vợ mang danh ăn bám cảm thấy chán nản |
Nói về chồng thì anh làm việc lương cao, một tháng trên 20 triệu có khi hơn, có ngày đi làm ngoài được hẳn 10 triệu hoặc 20 triệu (không nói điêu nhé vì thỉnh thoảng thôi). Tiền đi làm về anh cứ khoe với tôi nên tôi mới biết, nhưng vốn dĩ không được nắm kinh tế trong gia đình, chỉ biết vậy thôi. Còn tôi thì trước đây cũng đi làm nhưng bé thứ hai nó hành quá, nên phải ở nhà dưỡng, tuy làm không được mấy đồng nhưng cũng là tiền mình làm ra, cảm thấy thoải mái biết nhường nào. Tôi không phung phí hay mua sắm lung tung. Vốn tính tôi cũng rất cẩn thận trong chi tiêu gia đình (100 ngàn một ngày vẫn vui vẻ đi chợ là đủ hiểu).
Thật ra đôi khi tôi cảm thấy chán nản nếu như nó cứ kéo dài như thế này, và cứ muốn mua gì thì lại phải ngửa tay xin tiền chồng. Nhiều khi nhìn tờ 100 ngàn trên bàn không buồn cầm để ăn sáng hay đi chợ gì nữa cả, thế nhưng tôi cũng vẫn im lặng và vui vẻ, gia đình vẫn cứ hạnh phúc từng ngày như vậy. Và anh thì không hề biết nổi khổ tâm trong tôi như thế nào!".
Đọc xong, tôi cứ thấy đầu óc như trên mây. Cái anh chồng kia thật quá đáng, tiết kiệm thì cũng tiết vừa phải, bao nhiêu người tẩm bổ núi tiền còn không có con, đây vợ anh bầu bí nặng nề thì lại kệ. Biết là anh ta một mình gánh trách nhiệm với cả gia đình, nhưng ki bo lắm mà làm gì? Còn chị vợ, sao mà ngốc thế, dại thế. Biết là thiệt thòi, là bất công, vậy mà vẫn tươi cười cam chịu, không phải ngày một ngày hai mà đến mấy tháng trời đằng đẵng. Mở mắt ra là thấy tờ 100 ngàn đập vào mắt, lắm người nói rằng "chả làm gì cũng có tiền trăm để tiêu là sướng", nhưng họ có hiểu rằng đó giống như một sự sỉ nhục không? Cô vợ hiền lành ấy có thấy vô lý không? Cứ cho là bản thân chị chẳng cần phải mua sắm tiêu hoang gì, nhưng một bà bầu cần phải chăm sóc sức khỏe, bồi bổ rất nhiều, chẳng hiểu trong não chồng chị ấy đang nhảy múa những cái gì?
Đâu phải cứ ở nhà để chồng nuôi, thì chồng được phép coi là ăn bám (ảnh minh họa) |
Tôi xem bình luận, thấy nhiều mẹ lên tiếng bày tỏ bức xúc, chê trách vô cùng. Nào là "vợ chồng sống với nhau cả đời mà tiền nuôi vợ tính từng đồng, không khác gì nuôi lợn", nào là "đẻ xong bỏ quách đi cho rồi, đến lúc nuôi con bao khoản tốn kém phải chi, nó cũng cho 100 ngàn mỗi sáng thì nuôi kiểu gì"... Có chị mỉa mai rằng, "ông này đúng kiểu ăn cả cân sắt nhè ra 2 lạng đinh. Người ta thường nói phụ nữ tay hòm chìa khóa chứ chả ai lột sạch của vợ như anh, mà nội trợ chúng tôi có khi chẳng hà tiện như anh ấy. Sáng ra chồng con ăn uống rồi đi học, xăng xe điện thoại nữa, ngày nào cũng khoán có tí tiền, ở quê không nói nhưng ở thành phố thì ai mà sống được? Vợ chồng không đánh nhau hơi phí".
Ý kiến khác lại tỏ ra nghi ngờ, rằng ông chồng này âm thầm tích góp, không cho vợ nắm kinh tế trong nhà vì mục đích khác, có khi lại nuôi "bồ nhí" bên ngoài, khuyên chị vợ nên cứng rắn hơn, nói chuyện thẳng thắn với chồng về chuyện chi tiêu trong nhà. Ừ thì chị bụng mang dạ chửa chẳng đi làm kiếm tiền được, nhưng như thế không có nghĩa là chồng được phép coi thường, bắt vợ ăn tiêu dè xẻn trong khi anh ta không hề nghèo túng chút nào. Kiếm được cả mấy chục triệu 1 tháng, mà cho vợ bầu tiêu bằng cái móng tay, ăn uống thế nào cho đủ chất được đây?
Đa số chị em khác thì tỏ ra thương cảm, xót xa, vì nhìn lại thì họ sung sướng hơn cô vợ ăn bám ở trên bao nhiêu, chồng đi làm tháng nào cũng đưa hết lương cho vợ. Mà chuyện phụ nữ quản tiền nong trong nhà là quá bình thường, lâu nay vẫn thế, nhà nào cũng vậy, kể cả chồng làm sếp thì vợ ở nhà cũng có quyền quản lý két, có khi phải chìa tay xin vợ đi nhậu cơ. Cũng có người mang tâm lý bình tĩnh như chị vợ, cho là anh chồng tiết kiệm để mua nhà mới, mua xe, hoặc cái gì đó to tát hơn cho gia đình thì sao? Anh ta nghĩ gì, có trời mới biết.
Mỗi ngày chỉ được 100 ngàn ăn uống, nấu cơm cho cả 2 vợ chồng, mà vợ chửa thì mua được cái gì? |
Thế nên mới bảo, các mẹ quá phục sức chịu đựng của cô vợ ấy. Bà mẹ nào trải qua chuyện mang thai rồi đều hiểu, sức khỏe giảm sút, nhiều cái khó khăn, ở nhà ăn bám chồng là chuyện bình thường, nhưng chắc 10 ông thì mới có 2 ông tính toán với vợ như thế, vứt tiền cho vợ đều như vắt chanh mà chẳng quan tâm xem cô ấy có ăn đủ chất, quần áo đủ mặc hay không. Mẹ em Bê cũng thế, nhưng chị được cái còn nói thẳng với chồng khiến anh phải suy nghĩ, rõ ràng là ở nhà ăn bám chồng đâu phải là lỗi, phụ nữ đâu có sai? Nếu không thích vợ ăn bám, thì đừng làm vợ có bầu, thế thôi!
100 ngàn. Cái giá của một bà mẹ mang thai chỉ có thể ở nhà quanh quẩn bếp núc và nằm nghỉ trên giường. 100 ngàn, đủ để hiểu được tấm lòng của người đàn ông mình chọn nâng khăn sửa túi cả đời. Có lẽ với cô vợ trên, chị hiền lành, nhẫn nhịn, khéo vun vén nên chị vẫn cảm thấy vui khi phải bó mình vào trị giá của tờ tiền xanh ấy, thà chồng ki bo còn hơn là vũ phu đánh đập vợ.
Theo ZiZi (afamily.vn/Trí Thức Trẻ)