“Da da da…” Vào ngày 25/1, với tiếng vó ngựa giòn giã, chàng trai 29 tuổi Lê Hiểu Vân đã về tới quê nhà ở huyện Phụng Tiết (Trùng Khánh, Trung Quốc).
Lúc đó, trời đang đổ mưa, Hiểu Vân mặc áo mưa màu xanh, đầu đội băng đô nhưng mái tóc của anh vẫn bị rối tung vì gió. Anh cầm dây ngựa bằng một tay, bước đi một cách bình tĩnh trên đường phố….
Một người một ngựa xuất phát từ cảng Horgos (khu tự trị Ili, Tân Cương), đi qua dãy núi Thiên Sơn, núi Kỳ Liên, sa mạc Gobi, vượt qua các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên,…Toàn bộ hành trình là 4.400km và kéo dài hơn nửa năm, từ ngày 1/7/2021, và cuối cùng anh cũng về đến nhà. Hành trình về nhà của chàng trai trẻ tuổi này khiến nhiều người ngưỡng mộ, thán phục không thôi.
Con ngựa của tôi hiểu phương ngữ Trùng Khánh
Con ngựa đồng hành cùng Hiểu Vân trong suốt cuộc hành trình có tên là Hỏa Oa, là một con ngựa đua được anh mua với giá 32.000 tệ (khoảng 114 triệu đồng) ở Tân Cương. “Nó rất nổi tiếng ở Tân Cương. Trong các cuộc đua ngựa, nó thường về đích đầu tiên. Để mua được nó, tôi đã bỏ ra khoảng 114 triệu đồng, gấp đôi giá tiền để mua một con ngựa bình thường.
Thực ra, tôi cũng chẳng có cảm tình đặc biệt gì với ngựa. Nhưng sau khi đồng hành cùng nhau 4.400km, mối quan hệ giữa tôi và nó có thể nói là anh em nương tựa vào nhau”, anh Hiểu Vân nói.
Ban đầu, do yên xe không phù hợp nên lưng ngựa bị thương, trầy da khiến anh không biết phải làm thế nào. Sau khi hỏi bạn làm bác sĩ thú y, anh quyết định đóng gói tất cả các hành lý không cần thiết gửi đến nơi anh dự kiến sẽ đến sau đó một tháng.
Trong hơn một tháng, Hiểu Vân mang theo lều, túi ngủ,... với tổng số hành lý từ 40 đến 50kg. Anh không để Hỏa Oa mang hành lý, cũng không cưỡng nó để nó có thời gian bình phục.
Thế nhưng, sau đó Hỏa Oa lại bị thương tiếp. Như vậy, anh đã một mình xách hành lý đi suốt hơn 2 tháng ròng rã hơn 2.400km. Việc này khiến anh bị đau dây thần kinh ở bàn chân, vai tê cứng, nhưng vì không muốn để lại thương tật cho Hỏa Oa nên anh chấp nhận tất cả.
Hiểu Vân chia sẻ: “Hỏa Oa cũng rất có tính người. Nó 8 tuổi và có chỉ số thông minh của một đứa trẻ 6 tuổi. Trong hành trình về quê, tôi thỉnh thoảng đặt tay lên cổ nó và trò chuyện, nó có thể hiểu được phương ngữ Trùng Khánh.
Khi chán, nó sẽ đến cọ đầu vào người tôi. Khi tôi đến Manas, tôi đứng đợi ở ngoài cửa hàng khoảng 10 phút đợi ông chủ mở cửa, có lẽ cũng hơi chán nên nó gục đầu vào vai tôi và chúng tôi cùng nhau nhìn vào cánh cổng sắt. Lúc trước, khi thay móng cho nó, nó làm biếng mà dí đầu vào tôi. Những khoảnh khắc này khiến tôi cảm thấy nó phụ thuộc vào tôi”.
Tôi đói cả ngày và có khi không tắm trong hơn 1 tháng rưỡi
Khi đi, Hiểu Vân thường xem bản đồ để xem hôm nay anh sẽ đi đến những điểm tiếp tế nào. Nếu ở xa, anh sẽ mang theo lương khô trong 2 ngày, thường là bánh quy, xúc xích, giăm bông, mì gói.
Đôi khi, bản đồ ghi các điểm tiếp tế nhưng thực ra không có chỗ để mua đồ, khiến anh có lần đói cả ngày. “Nói không ngoa chứ khi chiếc xe bên đường chạy qua, tôi đã loạng choạng và bị thổi bay. Sau khi vào Tứ Xuyên và Trùng Khánh, mật độ dân cư đông đúc, ăn uống lại là chuyện đơn giản, có rất nhiều cửa hàng trong thị trấn”, Hiểu Vân chia sẻ.
“Tuy nhiên, đôi khi đói cũng là một phần tính cách của tôi. Tôi là một người cứng đầu, ví dụ như khi tôi đi ngang qua một cửa hàng, tôi buộc ngựa ở cửa và muốn vào mua một thứ gì đó để ăn, nhưng người chủ không muốn tôi buộc ngựa ở đó, vậy thì tôi sẽ chẳng vào và mua gì ở đó nữa. Tôi thà nhịn đói còn hơn”, Hiểu Vân bộc bạch thêm.
Việc tắm rửa là do duyên số, có khi gặp người tử tế, con ngựa an toàn, anh sẽ tắm vội một cái. Thời gian lâu nhất anh không được tắm là 1 tháng rưỡi. Có lần, cũng có một người già kêu anh vào khách sạn tắm rửa cho thoải mái, nhưng trong thời gian có dịch bệnh, anh sợ gây phiền phức cho người khác nên thà ở trên núi.
Không chỉ bị đói, không được tắm rửa thường xuyên, Hiểu Vân và Hỏa Oa còn gặp vô số chuyện khác trong hành trình về quê. Anh đã bị ngộ độc thực phẩm, bị cảm lạnh, thậm chí còn bị sói tấn công trên đường đi.
Anh cũng tuân thủ tuyệt đối các quy tắc phòng chống dịch bệnh. Trong suốt hành trình của mình, anh đã trải qua khoảng 25 lần xét nghiệm Covid-19.
Nguyên do nào để chàng trai bắt đầu hành trình?
Một số người ngưỡng mộ Hiểu Vân, nhưng có người lại cho rằng việc cưỡi ngựa suốt hơn nửa năm, vượt 4.400km để về quê là một hành động thật ngu xuẩn, chẳng khác nào hành xác. Đáp lại những lời chỉ trích đó, chàng trai 29 tuổi nói rằng anh chưa kết hôn, không có gánh nặng về gia đình hay sự nghiệp nên mới có thể trải nghiệm chuyến đi này.
Hiểu Vân cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, anh luôn cảm thấy cuộc sống của mình rất bình lặng, thậm chí là nhàm chán nên anh luôn cảm thấy thiếu thứ gì đó. Vì vậy, mục đích khi trải nghiệm chuyến đi này là để rèn luyện bản thân, rèn giũa tính nóng nảy và sửa chữa sai lầm của mình. Ý tưởng cưỡi ngựa về quê đã ấp ủ trong anh suốt một năm trời.
Chàng trai Trùng Khánh trải lòng: “Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Trùng Khánh chuyên ngành logistics quốc tế năm 2016, và tôi đã thay đổi rất nhiều công việc trong hai năm sau khi tốt nghiệp, về cơ bản cứ nửa năm một lần.
Khi mới làm, tôi rất nhiệt huyết nhưng sau đó cũng chóng chán. Sau khi từ chức vào năm 2018, tôi bắt đầu kinh doanh nuôi cá và bán sầu riêng, tiết kiệm được 50.000 tệ (gần 178 triệu đồng).
Khi tôi nhận ra mình có khuyết điểm là nóng vội, không kiểm soát được bản thân nên tôi quyết định phải hoàn thành một việc từ đầu đến cuối để thay đổi vấn đề của mình.
Tôi đã nghĩ ra nhiều cách để thực hiện điều này. Đi bộ đường dài và đạp xe mệt quá, lái xe hàng trăm cây số một ngày mà cứ như cưỡi ngựa xem hoa, chán lắm. Cưỡi ngựa là cách tôi rất khao khát, và tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào và đi dạo trên đường”.
Lê Hiểu Vân cũng chia sẻ rằng, khi anh quyết định cưỡi ngựa về Trùng Khánh bằng ngựa, anh sợ bố mẹ lo lắng nên không dám kể với họ. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện của anh bắt đầu trở nên nổi tiếng, xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và báo chí nên bố mẹ anh cũng biết đến.
Đáng ngạc nhiên, bố mẹ Hiểu Vân không hề tỏ ra ngạc nhiên hay lo lắng gì. Nhưng cũng chính vì vậy mà anh cũng yên tâm hơn để hoàn thành hành trình của mình. “Tôi rất bất ngờ, không ngờ bố mẹ lại bình tĩnh và ủng hộ tôi đến vậy”, Hiểu Vân nói.
Hiểu Vân chia sẻ rằng, khi về nhà, anh muốn làm việc ở trang trại ngựa để có thể vừa làm việc vừa chăm sóc Hỏa Oa. “Tôi còn muốn cho nó một ‘cô’ vợ và để chúng sinh con, như vậy các con tôi sau này có thể học cưỡi ngựa từ nhỏ”, anh chàng vui vẻ nói.
Theo An Chi (SaoStar.vn)