Với nhiều thanh thiếu niên, việc sở hữu các sản phẩm của hãng Apple như iPhone, iPad giống như một cách để họ khẳng định giá trị bản thân. Không mua các hãng đồ công nghệ khác, họ bắt buộc phải mua iPhone bằng được để khiến mình "trông sang hơn".
Chẳng vậy mà mỗi khi Apple tung ra một mẫu iPhone mới, giới trẻ lại náo loạn lên và đùa nhau "bán thận" để mua máy. Cứ ngỡ đây chỉ là một trò đùa nhưng thực chất, câu nói này lại bắt nguồn từ một sự việc có thật từng xảy ra ở Trung Quốc.
Bán thận để mua... iPhone 4 và iPad 2
Năm 2011, chàng trai Vương Thượng Côn (khi ấy mới 17 tuổi) là người rất ham mê các sản phẩm của Apple. Được biết Vương sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Thậm chí quê nhà của Vương còn là tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Tuy nhiên niềm đam mê có iPhone, iPad để sĩ diện với bạn bè của Vương lại vô cùng mãnh liệt.
Một ngày nọ, Vương lướt mạng và nhận được tin nhắn từ một người thu mua nội tạng trong một phòng trò chuyện trực tuyến. Người này nói rằng Vương có thể kiếm được 20.000 NDT (69 triệu đồng) khi bán nội tạng.
Chàng trai trẻ còn chủ quan cho rằng: "Một quả thận là đủ dùng rồi, tại sao tôi phải cần thêm một quả thận nữa chứ? Sao không bán nó đi để kiếm tiền?". Tháng 4/2011, nhóm buôn bán nội tạng đưa Vương Thượng Côn từ tỉnh An Huy tới thành phố Sâm Châu (tỉnh Hồ Nam) để thực hiện ca phẫu thuật chui. Bố mẹ Vương đều không hề biết về kế hoạch này.
Vương Thượng Côn được phẫu thuật lấy thận trái tại một phòng khám không đảm bảo vệ sinh. Phần nội tạng này sau đó được bán với giá 220.000 tệ (hơn 770 triệu đồng) nhưng Vương chỉ nhận được 10% số tiền. Sau đó, Vương Thượng Côn lấy tiền bán thận mua 1 chiếc iPhone 4 và 1 chiếc iPad 2.
Gia đình Vương lập tức nghi ngờ và tra hỏi con trai lấy tiền đâu để mua iPhone. Sau một hồi tra hỏi, Vương phải khai nhận mình đã bán một quả thận. Vụ việc nhanh chóng được trình báo cảnh sát. 9 người liên quan đến hoạt động mua bán trái phép bị bắt giữ, 5 người trong số đó bị buộc tội cố ý gây thương tích và buôn bán nội tạng. Còn gia đình Vương được bồi thường 1,47 triệu tệ (khoảng 4,9 tỷ đồng).
Cái kết đắng cho chàng trai bồng bột
Việc bán thận đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Vương Thượng Côn. Do thực hiện phẫu thuật chui, không đảm bảo vệ sinh và không được chăm sóc hậu phẫu nên Vương đã bị nhiễm trùng bên thận còn lại.
Từ một thanh niên ưa nhìn, cao 1m91, Vương Thượng Côn giờ bị suy thận nặng và phải nằm liệt giường. Thanh niên này giờ 26 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 45 kg. Vì sức khỏe xuống dốc nên Vương phải bỏ học, sống dựa vào sự chăm sóc của gia đình và phải lọc máu thường xuyên, do bên thận còn lại không thể thực hiện chức năng này.
Chi phí chạy thận vô cùng đắt đỏ nên số tiền được bồi thường năm xưa cũng chỉ như muối bỏ bể. Không còn bồng bột, Vương giờ nhận ra sai lầm của mình nhưng đã quá muộn.
Chàng trai trẻ tâm sự: "Tôi thường xuyên phải tới bệnh viện để lọc máu. Chiếc điện thoại di động mà tôi có giờ hoàn toàn vô giá trị. Thận của tôi đã biến mất. Cuộc sống của tôi bị hủy hoại".
Hãy dạy con không đua đòi và coi trọng vật chất
Thực tế không chỉ có Vương Thượng Côn mà nhiều thanh thiếu niên ngày nay có lối sống đua đòi, quá coi trọng vật chất. Khi suy nghĩ không thấu đáo, họ dễ đưa ra những quyết định sai lầm như Vương. Để ngăn chặn điều này thì ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần có sự dạy dỗ chu đáo.
Hãy dạy con không đòi hỏi, không chạy theo vật chất. Để làm được điều này, bố mẹ có thể bắt đầu bằng cách dạy con những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn như:
+ Cùng con thảo luận về tiền bạc: Bố mẹ hãy cho con biết, tiền không mọc từ trên cây mà phải nỗ lực, chăm chỉ để kiếm được. Theo một nghiên cứu của Viện Phát triển trẻ em Mỹ, việc được dạy về giá trị của tiền bạc từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen chi tiêu có trách nhiệm và có lối sống tiết kiệm khi trưởng thành.
+ Hạn chế tặng cho con những món quà thiên về vật chất: Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ được bố mẹ tặng cho những món quà nặng về vật chất thường có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn. Vì vậy, bố mẹ nên áp dụng cách tặng quà khác. Hãy tặng cho con những món quà mang giá trị tinh thần như lời khen, một chuyến đi chơi, đi dã ngoại,...
+ Dạy con về lòng biết ơn: Hãy dạy con lòng biết ơn khi được người khác giúp đỡ hay khi nhận được món quà nào đó. Điều này giúp con hiểu ra, món quà không phải từ trên trời rơi xuống. Lòng biết ơn, những suy nghĩ tích cực cũng khiến con ít nghĩ đến vật chất hơn.
+ Tự mình làm gương cho con: Nếu bố mẹ không ham vật chất thì con cũng tự khắc noi theo tính tốt đó. Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ hãy trở thành một tấm gương cho con. Đừng bao giờ ghen tị hay xì xào khi thấy người hàng xóm có món đồ đắt tiền mới. Bởi điều này sẽ làm sinh tính ganh tị, đua đòi của con.
Theo Thanh Hương (Pháp luật & Bạn đọc)