Khoai tây chiên, các loại thực phẩm chế biến, lẩu... là những món ăn ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Đáng nói, những món ăn này nhận được sự ưa thích của khá nhiều người. Nhưng bạn có biết không, đây đều là những món ăn có... nhiều muối. Mà chế độ ăn nhiều muối có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch và thậm chí cả loãng xương, ung thư!
Theo thông tin trên trang web của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard, khi ăn quá nhiều muối, hầu hết thận của mọi người không thể nhanh chóng loại bỏ natri ra khỏi máu với tốc độ tương ứng. Khi natri tích tụ dần dần, để duy trì các chức năng của cơ thể, não sẽ tiết ra các hormone để bảo cơ thể "giữ nước", do đó làm loãng nồng độ natri. Nhưng giữ nước quá nhiều trong cơ thể sẽ làm tăng hàm lượng nước ở tế bào và máu.
Sự gia tăng thể tích máu đồng nghĩa với gia tăng khối lượng công việc của tim. Điều này cũng sẽ gây ra áp lực lớn hơn lên các mạch máu, có thể gây ra tình trạng cứng mạch máu trong thời gian dài và gây ra các vấn đề như huyết áp cao, đột quỵ, bệnh tim và suy thận. Vì vậy, kiểm soát cẩn thận lượng muối ăn vào là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, tiêu thụ nhiều natri (tương đương nhiều hơn 5 gram muối/ ngày) và cung cấp không đủ kali (dưới 3,5 gram/ngày) góp phần làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hiện tại, người dân thế giới đang có xu hướng tiêu thụ quá nhiều muối, trung bình 9 -12 gram/ ngày, hoặc gấp đôi mức tối đa nên dùng.
Làm thế nào để biết liệu bạn có đang ăn quá nhiều muối không?
Tốt nhất, nên hạn chế ăn muối để tránh những tác hại nói trên. Ngoài việc ăn ít thức ăn có quá nhiều muối, bạn cũng cần chú ý đến những thay đổi của cơ thể như dưới đây bởi đó đều có thể là những dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể cho thấy bạn đang tiêu thụ nhiều muối đấy.
1. Nhẫn đeo trên ngón tay quá chật
Chiếc nhẫn trên ngón tay của bạn không chỉ là một vật trang trí, nó còn có thể là một chỉ báo về tình trạng thể chất của bạn. Mehran Movassaghi, bác sĩ tại Trung tâm Y tế St. John's ở Providence, California, chỉ ra rằng khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều natri, dưới sự chỉ dẫn của não, cơ thể sẽ giữ nước và gây ra phù nề. Vì vậy, nếu cân nặng không tăng đáng kể nhưng lại cảm thấy nhẫn đeo trên ngón tay căng lên thì có lẽ bạn nên ăn ít muối hơn.
2. Miệng quá khô
Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng natri cao, cơ thể bạn sẽ cảm thấy mất cân bằng giữa muối và nước, cơ thể bạn sẽ cần nhiều nước hơn. Lúc này, não bộ sẽ phát ra thông báo khát nước khiến bạn cảm thấy khô họng và muốn uống nước.
3. Đi vệ sinh mọi lúc
Uống nhiều nước hơn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn đi tiểu thường xuyên. Khi con người tiêu thụ quá nhiều muối, thận cần phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể, thận sử dụng nước tiểu để loại bỏ độc tố, điều này khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên hơn.
4. Suy giảm nhận thức
Một nghiên cứu được công bố trên "Tạp chí Dinh dưỡng" cho thấy những phụ nữ bị thiếu nước nhẹ có kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra về chức năng nhận thức như khả năng tập trung, trí nhớ, khả năng suy luận và thời gian phản ứng so với nhóm ăn nhạt và cơ thể không bị thiếu nước.
Mặc dù rõ ràng ăn uống nhiều muối có hại cho sức khỏe nhưng một chế độ ăn quá ít muối cũng không được khuyến khích. Các bác sĩ tại Bệnh viện Royal Free London (Anh) phát hiện ra rằng tình trạng quá ít muối trong cơ thể thời gian dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y khoa Nature Communications.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần cân đối và kiểm soát được lượng muối mình thiêu thụ vào cơ thể hàng ngày. Các quốc gia thành viên của WHO đã đồng ý giảm lượng muối tiêu thụ của dân số toàn cầu xuống khoảng 30% vào năm 2025. Ước tính khoảng 2,5 triệu ca tử vong có thể được ngăn chặn mỗi năm nếu lượng muối tiêu thụ toàn cầu giảm xuống mức khuyến nghị - theo WHO.
Theo Tr.Thu (Pháp Luật & Bạn Đọc)