Đêm đáng nhớ ở vùng biên giới
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Đức (SN 1977), Trưởng khoa Mắt bệnh viện Bưu điện, bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện của tổ chức Chống mù lòa Châu Á (APBA) từ năm 2009.
Theo đó, ngoài công việc chính tại bệnh viện Bưu điện, hàng tháng, anh Đức cùng các đồng nghiệp đến nhiều tỉnh thành trên cả nước tiến hành công việc phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.
‘Trung bình mỗi năm, chúng tôi đã phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco cho khoảng 1.000 bệnh nhân nghèo tại các vùng miền trong cả nước.
Chúng tôi thực hiện tại các tỉnh từ Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa đến các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Phước, Cà Mau… Mỗi đợt là 100 bệnh nhân. Các chuyến đi kéo dài từ 2 - 4 ngày liên tục’, anh nói.
Đoàn tình nguyện gồm 7, 8 bác sĩ Việt Nam và 3 bác sĩ Nhật Bản. Các bác sĩ này đang công tác tại các bệnh viện tại Nhật, khi có chương trình họ sang Việt Nam.
‘Bệnh nhân là những người đục thủy tinh thể có chỉ định mổ, được khám sàng lọc kỹ càng tại địa phương. Chúng tôi mang trang thiết bị, thủy tinh nhân tạo… từ Hà Nội về và thực hiện phẫu thuật. Tất cả chi phí, các bệnh nhân đều được miễn phí’, bác sĩ Đức cho biết.
Thời gian luôn là điều khó khăn nhất với các bác sĩ. ‘Nhiều khi không sắp xếp được công việc tại cơ quan, tôi đành phải đi sau đoàn. Đoàn chuẩn bị xong về dụng cụ, trang thiết bị… tôi lái xe xuống mổ trong vòng 1 ngày lại quay về Hà Nội để kịp công việc tại bệnh viện’, bác sĩ Đức nói thêm.
Nam bác sĩ cũng chia sẻ, điều kiện tại các chuyến đi không phải lúc nào cũng thuận lợi. ‘Tôi nhớ nhất lần đi tình nguyện tại một huyện biên giới (giáp Campuchia) ở Bình Phước. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở đây rất thiếu thốn. Cả vùng đó chỉ có 2 nhà nghỉ, 1 nhà nghỉ kín phòng còn lại 1 nhà nghỉ các bác sĩ và công nhân làm cao su phải chia nhau. Công nhân sinh hoạt 10 người/phòng. Đoàn bác sĩ được ưu tiên 2 người/phòng, diện tích khoảng 10m2’.
Tuy nhiên các bác sĩ người Nhật Bản trong đoàn không ngủ được vì phòng quá ẩm thấp. Họ đành nói chuyện chờ cho hết đêm.
‘Chúng tôi dù không muốn cũng đành phải ngả lưng vì ngày mai phải tiến hành phẫu thuật từ sáng sớm. Để có thể ngủ, chúng tôi phải lấy hết quần áo trải lên giường, sau đó nằm đè lên để ngủ’, bác sĩ Đức kể lại.
Những bệnh nhân đặc biệt
Những chuyến đi từ thiện trong hoàn cảnh thiếu thốn đã để lại cho các bác sĩ nhiều kỷ niệm.
‘Bệnh nhân là một phụ nữ nghèo đã bước sang tuổi 90 ở Cà Mau là người khiến tôi ấn tượng nhất’, anh Đức nói.
Hơn 20 năm trước, mắt của người phụ nữ này tự nhiên mờ dần rồi không nhìn thấy hẳn. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, không thể tới khám ở các bệnh viện nên bà đành làm bạn với bóng tối suốt mấy chục năm qua.
Khi được phẫu thuật và ca phẫu thuật thành công, bà quay sang tìm con gái mình. Nhưng hơn 20 năm không được nhìn con bà không nhận ra. Khi con gái cất tiếng gọi mẹ, bà hỏi: ‘Sao mày lại già thế hả con?’. Sau đó, hai mẹ con ôm nhau òa khóc. Hình ảnh đó khiến tất cả các nhóm bác sĩ đều xúc động.
Một ca phẫu thuật khác khiến anh ấn tượng là vào năm 2013 tại Quảng Ninh. Bệnh nhân ở độ tuổi trung niên, nhiễm HIV.
‘Khám sàng lọc, chúng tôi phát hiện ông bị đục thủy tinh thể, khi xét nghiệm phát hiện người đàn ông này nhiễm HIV', anh Đức chia sẻ. Mặc dù biết mổ cho bệnh nhân này nguy cơ lây nhiễm rất cao cho nhóm bác sĩ phẫu thuật nhưng các bác sĩ vẫn quyết định mổ vì bệnh nhân tha thiết yêu cầu.
‘Hồi đấy, tôi là thanh niên chưa lập gia đình nên đứng ra nhận nhiệm vụ trên. Chúng tôi chọn thời điểm cuối cùng trong ngày, khi các bệnh nhân khác đã mổ xong để tiến hành ca phẫu thuật này.
8h tối, ca phẫu thuật gồm 1 bác sĩ chính và 1 bác sĩ phụ diễn ra. Sau ca mổ, toàn bộ dụng cụ trị giá khoảng 100 triệu đồng phải tiêu hủy. Ca mổ thành công giúp bệnh nhân có thể nhìn được tương đối’, bác sĩ Đức kể lại.
Cũng từ năm 2008, bác sĩ Lê Mạnh Đức cùng các bác sĩ khác còn tiến hành tham gia hỗ trợ y tế cho 2 huyện nghèo Sìn Hồ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Theo đó, các bác sĩ tổ chức nhiều đợt đi khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân nơi đây.
Mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần vì xa và lượng bệnh nhân đông. ‘Chúng tôi mang cả máy siêu âm, xquang, điện tim… thuốc men để khám chữa bệnh. Đây là những chuyến đi khá khó khăn vì thiếu trang thiết bị và bệnh nhân không biết tiếng phổ thông nên không thể hướng dẫn bệnh nhân. Mỗi lần thăm khám, chúng tôi phải có sự phiên dịch của người bản địa’, Trưởng khoa Mắt bệnh viện Bưu điện chia sẻ.
Nơi đây với các bác sĩ chuyên ngành mắt cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2009, họ tiến hành mổ đục thủy tinh thể miễn phí tại Mường Tè. 1 phụ nữ người dân tộc vượt quãng đường 80km để đến phẫu thuật.
‘Mổ xong, qua người phiên dịch, tôi biết bà ấy nói cảm ơn rất nhiều. Trên đường đi từ chỗ trại dã chiến của các bác sĩ ra đến cổng, tôi thấy người phụ nữ ấy liên tục vái lạy và nói nhiều bằng ngôn ngữ tôi không hiểu.
Theo như người phiên dịch, bà vừa đi vừa vái trời đất, cầu cho tôi khỏe mạnh hạnh phúc. Điều đó, làm tôi thực sự xúc động’, anh Đức kể thêm.
Anh cũng cho biết, hơn 10 năm rong ruổi trên các nẻo đường đem ánh sáng đến cho những người dân nghèo, bác sĩ nhận được rất nhiều tình cảm của người dân.
‘Vào ngày đầu tiên của tháng, điện thoại tôi luôn nhận được 1 tin nhắn đặc biệt. Tin nhắn ấy từ một số điện thoại lạ với nội dung chúc bác sĩ một tháng mới tốt lành. Tin nhắn đều đặn suốt nhiều năm qua, tôi biết là của một bệnh nhân được mình mổ thủy tinh thể ở Quảng Ninh’, bác sĩ Đức chia sẻ.
Tuy vậy, những bác sĩ tình nguyện cũng gặp khá nhiều khó khăn trong chặng đường đem ánh sáng đến cho người nghèo.
‘Nhiều bệnh nhân mắc nhiều bệnh phối hợp, bệnh nhân gù vẹo cột sống khó nằm để thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân dân tộc thiểu số không giao tiếp được… nên mặc dù cố gắng nhưng cũng có những ca các bác sĩ cảm thấy chưa hài lòng.
Bên cạnh đó, công việc cơ quan, gia đình khiến quỹ thời gian của họ luôn eo hẹp nhưng vị bác sĩ này cho biết, anh vẫn tiếp tục hành trình của mình.
‘Chúng tôi sẽ kết thúc những ngày tình nguyện đến các tỉnh thành khi không còn bệnh nhân nào cần đến chúng tôi nữa’, nam bác sĩ sinh năm 1977 chia sẻ.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)