Chữa bệnh kiểu "thỉnh vong" đang được bà Phạm Thị Yến tại chùa Ba Vàng rao giảng cho nhiều người dân. Liệu họ có tin theo cách chữa bệnh của "người nhà chùa" này? |
“Đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng. Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng”.
Theo Lao Động, cách chữa bệnh kiểu "thỉnh vong" trên được "người nhà chùa" Ba Vàng, Quảng Ninh, rao giảng cho nhiều người dân. Bằng cách cắt nghĩa việc mắc bệnh của con người là do “nghiệp”, “người nhà chùa” nói rằng người bệnh muốn yên ổn thì phải “thỉnh vong”, “hóa giải”, “công đức”.
Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Điện quang Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tỷ suất mắc bệnh chuẩn hóa theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8 năm 2000 lên 29,9/100.000 phụ nữ năm 2010. Tỷ lệ mắc mới hàng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới.
Còn xương khớp được xem là căn bệnh mạn tính, dai dẳng đối với nhiều người khi bệnh gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, cách cắt nghĩa nguyên nhân gây nên hai căn bệnh trên là do “nghiệp” và có thể chữa khỏi với việc “giải vong” với số tiền 3 và 7,1 triệu đồng có thể khiến nhiều người cả tin tìm đến để giải bệnh.
Khi được hỏi về phương pháp chữa bệnh này, GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) vô cùng bất ngờ. Ông khẳng định: “Đây hoàn toàn là phương pháp phản khoa học, hoàn toàn là mê tín dị đoan. Tôi khẳng định chữa bệnh bằng bất cứ phương pháp nào không có cơ sở khoa học, nhất là bệnh nan y hoàn toàn không chữa được bệnh, ngược lại còn có hại”.
Theo GS Đức, ông từng gặp nhiều bệnh nhân vì mê tín dị đoan, nghe theo các phương pháp truyền miệng để trị bệnh thay vì đến bệnh viện để được chữa trị.
“Việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua cơ hội vàng để được phát hiện và chữa trị sớm, càng để lâu, bệnh càng nặng lên, khó cứu chữa. Sự việc ở chùa Ba Vàng ở một góc độ nào đó có thể khẳng định là đang lừa người bệnh để trục lợi”, GS Đức khẳng định.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cũng bức xúc: “Tuyệt đối người dân không được nghe theo các biện pháp mê tín dị đoan. Họ có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình”.
Về nguồn gốc thực sự của ung thư, TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hà Nội - cho hay bản chất ung thư là sự phân chia không kiểm soát được của tế bào, khả năng tồn tại và phát triển ở các cơ quan và tổ chức lạ.
Thông thường, các tế bào lành có một tuổi thọ nhất định và tuân thủ theo một quy luật chung là phát triển - già - chết. Các tế bào chết đi lại được thay thế bằng các tế bào mới. Cơ thể có một cơ chế kiểm soát quy luật này chặt chẽ và duy trì số lượng tế bào ở mỗi cơ quan, tổ chức ở mức ổn định.
"Bệnh ung thư bắt đầu khi có một tế bào vượt qua cơ chế kiểm soát này của cơ thể, bắt đầu phát triển và sinh sôi không ngừng nghỉ, hình thành một đám tế bào có chung một đặc điểm phát triển vô tổ chức, xâm lấn và chèn ép vào các cơ quan và tổ chức xung quanh", chuyên gia giải thích về cơ chế gây ung thư.
Các tế bào ung thư có liên kết lỏng lẻo, dễ dàng bứt ra khỏi khối u mẹ, theo mạch máu và mạch bạch huyết di cư đến các tổ chức và cơ quan mới, bám lại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Quá trình này gọi là di căn. Khi các ung thư chèn ép hoặc di căn vào các cơ quan giữ chức năng sống của cơ thể như não, phổi, gan, thận… bệnh nhân sẽ tử vong.
Do đó, việc phát hiện để điều trị sớm đối với ung thư rất có ý nghĩa. “Hiện nay, các biện pháp chữa ung thư tại các cơ sở y tế đem lại hiệu quả rất cao, người dân có thể tin tưởng”, GS Hùng nói thêm.
Liên quan bệnh lý xương khớp cũng được đề cập bằng việc “thỉnh vong” tại chùa Ba Vàng, thạc sĩ, bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E (Hà Nội), cũng cho rằng đây là cách chữa bệnh phản khoa học, chỉ là cách lợi dụng sự cả tin của người dân. Hiện nay, các bệnh lý xương khớp ngoài điều trị nội khoa còn kết hợp ngoại khoa. Các bệnh lý mạn tính đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, tuân theo phác đồ điều trị.
Trao đổi với Zing.vn sáng 21/3 về việc chữa bệnh bằng phương pháp này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ y tế), khẳng định: “Chữa bệnh theo các phương pháp mê tín dị đoan là trái pháp luật”.
Luật Khám bệnh, Chữa bệnh cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.
Người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015, phạt tiền 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, bị phạt tù 3-10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Yến, người xuất hiện trong rất nhiều tài liệu của chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), cho rằng: "Kiếp trước làm gì mà bị ung thư nhiều, đa số là làm cho người khác uất ức". |
Theo Anh Trương (Tri Thức Trực Tuyến)