Nếu ra khu phố Tây Bùi Viện (quận 1), sẽ không khó khăn để bắt gặp các cô, cậu bé tí tuổi đầu đã xách bình dầu, cây bông gòn và miệng thở ra lửa. Những em nhỏ vẫn còn đang tuổi ăn học nhưng phải gác lại con chữ qua lề phố để lo kiếm kế mưu sinh. Chị Phương Thế Mỹ Lộc, 26 tuổi, ngụ tại Quận 4, Sài Gòn đã không khỏi xót xa khi nghe câu chuyện của cậu bé 11 tuổi, làm nghề "rồng phun lửa".
Đã 3 tháng kể từ khi bùng dịch, cấm mọi tuyến phố, cậu bé chuyển qua bán sơ-ri dạo. Thấy em nhỏ ngày nào cũng lang thang trong hẻm với túi sơ-ri, chị Lộc mới gọi em lại vào mua và trò chuyện cùng. Đoạn hội thoại của người phụ nữ với em khiến nhiều người nghẹn ngào.
"- Ba con đâu?
- Ba con mất rồi.
- Sao mất?
- Dính Covid á.
- Rồi lúc đó con ở đâu?
- Lúc đó con mướn phòng, con bị bà chủ nhà đuổi ra, tại con không có tiền".
Câu trả lời và ánh mắt hồn nhiên của cậu bé khiến chị Lộc phút chốc chùng xuống. Sống trong cái khổ, phải bươn chải từ khi tấm bé đã làm em trưởng thành, dạn dĩ trong từng câu nói, cử chỉ. Chị Lộc ngồi chuyện trò thêm mới biết, cậu nhóc hiện đang sống với người cậu, không nhà cửa, không nơi ăn chốn ngủ. 2 cậu cháu ngày ngày vạ vật trên đường, lấy manh áo làm chăn, gầm cầu làm chỗ trú.
Mẹ bé đẻ 6 người con, nuôi không đặng nên đành gửi em ở với cậu. Em trước đi phun lửa trên phố, mỗi tháng kiếm được 1 triệu, đều giữ và gửi lại cho cậu, một ít đưa lại mẹ mua sữa cho các em.
"Thấy bé hay đi bán trong khu tưởng nó cầm túi sơ-ri cầm ăn chơi, ai ngờ đi bán. Mà cái bịch bé xíu, bán cả túi được 30k. Mình có gọi vào, rồi cho em ít sữa, gạo. Hỏi nhà có chỗ nấu không, em bảo em sẽ đi nhờ người ta bắc hộ nồi cơm rồi ăn với nước tương...
Nghe bé nói ba mất mà thương lắm, vì ba mình cũng ra đi vì Covid-19", chị Lộc tâm sự.
Do nhà nghèo nên cậu bé đi học phun lửa từ khi còn bé. Chị Lộc mới hỏi, sao em không đi bán vé số hay làm công việc gì khác nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn, hóa ra đi phun mãi thành quen, cậu nhóc lại thấy thích thú với nghề này: "Bé nói nó phun được xa lắm, còn học được cách phun sao cho không bị trầy cái miệng nữa luôn", chị Lộc nói.
Câu chuyện của em nhỏ sau khi đăng tải đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Rất nhiều người đã bày tỏ sự thương cảm cho hoàn cảnh của cậu bé và gửi lời nhắn nhủ muốn giúp đỡ em. Chị Phương Thế Mỹ Lộc cho chúng tôi biết, trong vài ngày tới chị sẽ đến tận nơi cậu bé đang sống và làm cầu nối giúp đỡ em với các nhà hảo tâm khác.
"Bên mình có mấy anh chị em hay làm từ thiện cùng, muốn hỗ trợ em nên hôm nay mình sẽ qua chỗ em hỏi cho rõ hơn. Mình sẽ mua thêm đồ với chút sữa cho mấy đứa em của bé", chị Lộc cho hay.
Theo Thủy Tiên (Pháp Luật & Bạn Đọc)