Những ngày vừa qua, khi các phương tiện truyền thông báo đài liên tục đưa tin về các vụ cháy nổ ở các khu chung cư, chợ lớn... khiến người ta càng thấp thỏm lo âu vì chẳng ai lường trước được nguy cơ "bà hỏa ghé thăm".
Trong bối cảnh mà người ta chưa hết bàng hoàng, xót xa sau vụ cháy chung cư Carina thì mới đây thôi, ngày 1/4, hàng trăm người dân sống tại khu chung cư PARCSpring (số 537 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2 TPHCM) hốt hoảng tháo chạy vì một đám cháy bất ngờ bùng lên tại tầng 8 của tòa nhà.
Qua điều tra hiện trường, nguyên nhân vụ cháy được xác định là bắt nguồn từ một cục sạc dự phòng được cắm ở đầu giường trong 1 căn hộ thuộc tầng 8. Cục sạc dự phòng đã được cắm sạc nhiều ngày nên quá nóng, dẫn đến phát nổ. Ngọn lửa bùng lên rồi lan nhanh vào các đồ vật khác trong phòng.
Đây không phải lần đầu tiên có tai nạn liên quan đến cục sạc dự phòng. Ngày 14/11/2017, người dân thuộc khối Lê Lợi, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, Nghệ An bất ngờ phát hiện nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Nga bốc cháy nên vội vàng dập lửa. Nhưng khi lửa được dập tắt thì toàn bộ đồ đạc đã thành tro. Nguyên nhân được xác địn là do cục sạc dự phòng phát nổ, cháy lan sang một số vật dụng trên giường rồi sau đó thiêu cháy cả ngôi nhà. Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, chị Nga đã sạc pin dự phòng điện thoại và để trên đầu giường rồi khóa cửa để đi tập thể dục.
Trước đó, hồi tháng 5/2017, một người đàn ông ở xã Đú Xáng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình đã bị thương nặng ở bàn tay trái vì cục sạc pin dự phòng. Được biết, khi người đàn ông thấy cục sạc dự phòng đang được cắm điện (cắm từ tối hôm trước) nên đã dùng tay trái cầm pin dự phòng, tay phải rút điện. Khi ông vừa rút điện thì pin phát nổ lớn. Ông cho biết pin dự phòng do cháu ông T mua từ lâu nên không biết tên nhãn hiệu, cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm này.
Mới đầu tháng 3 vừa qua, một cục sạc dự phòng đã phát nổ ngay trên một chiếc máy bay hãng hàng không China Southern Airlines (Trung Quốc) và bốc cháy ngùn ngụt, rất may ngọn lửa đã được dập tắt kịp thời.
Và còn rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do sạc pin điện thoại và sạc dự phòng gây ra. Cuộc sống hiện đại thì những thiết bị công nghệ như vậy là không thể thiếu, vậy nhưng bạn cũng cần phải biết cách sử dụng chúng an toàn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
1. Lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ
Theo BBC, các chuyên gia về hỏa hoạn và an toàn cho biết rủi ro thường xảy ra khi người tiêu dùng lựa chọn mua những sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng lại không được đảm bảo. Giá của chúng có thể rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm có thương hiệu nhưng lại không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Bạn nên mua hoặc đặt hàng từ các hệ thống bán lẻ có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
2. Tránh "râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Sạc thì của một hãng, còn điện thoại thì lại của hãng khác. Đây là thói quen sạc pin mà rất nhiều người dùng mắc phải, bởi mọi người chỉ nghĩ đơn giản "sạc được là được". Vậy nhưng hành động đó thực sự ẩn chứa nguy hiểm. Ông Mark Gardiner, giám đốc điều hành về an toàn sản phẩm tại Viện Tiêu chuẩn Thương mại (TSI) của Anh cho biết: "Vì các thiết bị khác nhau đòi hỏi nhiều mức dung lượng khác nhau, nếu cứ sử dụng sạc không đúng hãng sẽ dẫn tới có nguy cơ đưa quá nhiều dung lượng vào thiết bị, khiến pin quá nóng và phát nổ.
3. Sạc quá lâu hoặc để qua đêm
Đây cũng lại là một thói quen "xấu" mà rất nhiều người làm nhưng lại không hề biết đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn. Tốt nhất, bạn nên sạc điện thoại ở vị trí mình quan sát được để tránh "quên mất" mà không rút sạc khi pin đầy. Bên cạnh đó, bạn không nên để thiết bị lên những vật dụng dễ cháy như chăn, gối, sách... vì nóng quá cũng có thể gây bùng cháy. Rồi cả những nơi ẩm ướt quá cũng không nên vì có khả năng bị rò rỉ điện.
Ngoài những lưu ý trên, bạn cũng có biết một vài điều khi sử dụng sạc sự phòng:
- Khi pin điện thoại đã đầy, nên ngắt sạc. Dù rằng một số loại sạc dự phòng có tính năng tự động cắt nguồn khi phát hiện điện thoại đã đầy pin, nhưng tốt nhất bạn nên ngắt khi thiết bị cần sạc đã đầy pin.
- Tránh nạp pin quá lâu cho sạc dự phòng. Vì để sạc pin qua đêm hoặc trong thời gian dài không có sự kiểm soát có thể gặp trường hợp nguồn điện không ổn định hoặc sạc lâu bị tăng nhiệt có thể dẫn đến cháy nổ.
- Không nên vừa nạp pin cho sạc dự phòng vừa dùng sạc dự phòng để nạp pin điện thoại.
Đây được xem là điều "cấm kỵ " vì đa số các loại pin dự phòng đều không cho phép pin "vừa sạc vừa xả". Khi thực hiện 2 quá trình này cùng lúc sẽ làm cho nhiệt độ của pin sạc dự phòng tăng lên cao dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Theo L.T (Helino)