Nhiều năm, các thiết bị di động ngày càng mạnh mẽ hơn, tốn năng lượng hơn nhưng công nghệ pin vẫn không có nhiều cải thiện. Theo xu thế, cục sạc dự phòng ra đời và giải quyết nhu cầu trên.
Tuy nhiên, có nhiều tai nạn đáng tiếc do cục sạc dự phòng gây ra. Vì vậy, bạn cần hiểu được tại sao thiết bị này cháy, nổ và cách phòng tránh.
Chất lượng pin sạc kém
Về tổng thể, cục sạc dự phòng là tập hợp của các viên pin sạc. Pin sạc dễ gây cháy, nổ nếu nhà sản xuất sử dụng vật liệu, linh kiện kém chất lượng.
Thông thường, các nhà sản xuất danh tiếng sử dụng pin Lithium-ion và Lithium-Polymer cao cấp. Tuy nhiên, để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, có hãng dùng pin Lithium-ion rẻ tiền.
Ngoài ra, một số thương hiệu nhỏ, ít tên tuổi còn sử dụng pin tái chế để đẩy giá sản phẩm xuống mức rẻ mạt, thấp hơn nhiều so với pin dự phòng của các hãng lớn, đi đôi với đó là những nguy cơ cho chính thiết bị được sạc và môi trường xung quanh.
Do đó, bạn bên chọn những hãng pin sạc dự phòng uy tín (dù mức giá cao hơn) để đảm bảo an toàn.
Thiết kế vi mạch không hiệu quả
Một nguyên nhân khác có thể gây ra cháy nổ ở sạc dự phòng là thiết kế bảng mạch kém. Bảng vi mạch ảnh hưởng đến nhiều yếu tố, liên quan đến hiệu suất và độ an toàn của pin dự phòng.
Một thiết kế tốt đảm bảo không xảy ra các trường hợp như quá áp, quá nhiệt hay đoản mạch trên cục sạc. Nếu thiết kế mạch không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của pin, nguy cơ sạc dự phòng cháy, nổ tăng lên. Các hãng danh tiếng đều tích hợp chip tự ngắt dòng điện khi sạc đầy, trong khi những cục pin giá 200.000 - 300.000 đồng thiếu nhiều tính năng an toàn.
Sử dụng không đúng cách
Đa phần các vụ cháy nổ cục sạc dự phòng đều đến từ việc sử dụng không đúng cách. Để thiết bị ở mội trường có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao cũng làm tăng rủi ro cháy nổ.
Để tránh rủi ro do sạc dự phòng gây ra, bạn cần chú ý vài điều sau đây. Đầu tiên, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, chú ý đến thời gian đầy pin tối thiểu. Tránh trường hợp cắm sạc trực tiếp vào nguồn điện quá lâu, gây quá nhiệt dẫn đến cháy hoặc nổ.
Tiếp theo, chỉ sử dụng sạc dự phòng cho các thiết bị di động. Bên cạnh đó, tránh xa nguồn nhiệt và chất lỏng. Nhớ để pin sạc dự phòng xa tầm với của trẻ em.
Hơn nữa, bạn không nên cất thiết bị vào túi chứa đồng xu hoặc chìa khóa vì sạc dự phòng có thể bị đoản mạch. Quan trọng nhất, không tự tháo rời hay sửa chữa pin sạc dự phòng nếu thiếu hiểu biết và dụng cụ chuyên dụng.
Theo Gia Minh (Tri Thức Trực Tuyến)