‘Cầm nhầm’ điện thoại, giấy tờ người bị tai nạn là tội ác!

25/10/2018 06:21:13

Trong danh sách nhập viện vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở ngã tư Hàng Xanh, chỉ duy nhất một người “vô danh”.

‘Cầm nhầm’ điện thoại, giấy tờ người bị tai nạn là tội ác!

Anh bị chấn thương sọ não, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, giấy tờ, điện thoại văng ra đã mất.

Thắt lòng thấy con trong danh sách “vô danh”

Đêm 21, rạng sáng 22-10 là một đêm ám ảnh.

‘Cầm nhầm’ điện thoại, giấy tờ người bị tai nạn là tội ác! - 1
Người nhà nói rằng con nhập viện nhưng do mất ví và điện thoại nên không thể liên hệ được người nhà trong đêm. Ảnh: HL

Những chiếc xe bị tông đến biến dạng, có chiếc gần như gãy đôi, hàng ngàn mảnh vụn từ khung xe, sườn xe vương vãi đủ để hiểu lực cú tông mạnh như thế nào. Một phụ nữ tử vong tại chỗ, năm người khác được khẩn cấp đưa vào BV Gia Định.

Trong năm người hôm ấy, bốn người đều có họ tên, địa chỉ đầy đủ. Chỉ duy nhất một thanh niên trẻ “vô danh” vì người ta không thấy giấy tờ, điện thoại của anh ở đâu cả.

Đây là trường hợp tiên lượng nặng nhất. Anh nhập viện trong tình trạng đã hôn mê, bị chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực bụng, phải thở máy và theo dõi điều trị. Thời điểm hay tin con, lập cập chạy vào viện, người thân như chết lặng khi thấy con trong danh sách vô danh.

Người nhà cho biết T. mới xin được việc ở ngân hàng một tháng nay. Khuya hôm qua T. báo tin về cho ông là đi dự tiệc với bạn, nhưng mãi không thấy con về, ông gọi cho con thì điện thoại không liên lạc được. Sau đó, ông gọi cho vài người bạn của con nhưng không ai biết con đi đâu.

“Sáng ra, có người đọc báo thấy vụ tai nạn mới báo tôi thì tôi mới hay nó gặp tai nạn. Vào bệnh viện thì thấy con nằm trong danh sách vô danh vì điện thoại và bóp của con đều mất hết".

Chiếc điện thoại giấu trong quần lót

Một cán bộ làm công tác điều tra khám nghiệm hiện trường lâu năm chia sẻ rằng thực tế không chỉ tai nạn giao thông mà rất nhiều vụ án khác, nạn nhân bị mất hết giấy tờ, điện thoại nên công an không cách nào liên hệ được với người nhà.

Có những nạn nhân bị tai nạn giao thông, xương cốt đã trở về cát bụi nhiều năm trời nhưng vẫn bơ vơ nơi xứ lạ, là một phần mộ vô danh ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, không có người thân.

‘Cầm nhầm’ điện thoại, giấy tờ người bị tai nạn là tội ác! - 2
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Xanh khiến một người tử vong tại chỗ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Có trường hợp do nạn nhân làm rơi trước khi gặp tai nạn, rơi dọc đường do quá trình người dân đưa nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu.

Nhưng cũng có trường hợp lợi dụng hiện trường vắng vẻ, nạn nhân bất tỉnh, người có lòng tham tranh thủ lấy luôn, có người vô tình nhặt được nhưng không trả, những trường hợp này có nhưng rất ít. Có những vụ chúng tôi đã làm hết mọi biện pháp nghiệp vụ nhưng 4-5 năm vẫn chưa tìm được người thân”.

Câu chuyện La Đặt An, chàng trai làm nghề gom ve chai bị nhóm côn đồ đánh chết, phải giấu chiếc điện thoại trong quần lót vẫn khiến tôi ám ảnh.

Gương mặt thất thần của người mẹ, nước mắt uất nghẹn của người vợ sắp cưới vẫn hằn sâu trong ký ức.

Ngày đưa An đi hỏa thiêu, tài sản theo cùng chàng trai xấu số vẻn vẹn chỉ vài bộ quần áo đã sờn bạc, đôi dép mòn vẹt đế vá chằng chịt. Đã hơn một năm rồi, An chưa mua một bộ quần áo mới. Đôi dép đó cũng là người yêu mua tặng, anh đi gần hai năm nay.

“Người ta bảo nó bị đám người đó dùng đá ném vào đầu, vào người, nó bỏ chạy mà vẫn bị rượt theo đánh đến chết.

Nghĩ còn nước còn tát, người ta đưa nó tới bệnh viện nhưng không thấy ví, giấy tờ đâu. Đến lúc lục túi quần lót mới thấy điện thoại, chắc nó biết nó không qua được nên giấu trong đó để người ta biết gọi về nhà. Nó khổ quá, khổ đến cả lúc chết cô ơi!” - mẹ An khóc nghẹn.

Xin đừng để bất kỳ ai nhập viện phải “vô danh”…

Với những người tình cờ nhặt được tài sản của người bị tai nạn giao thông, chiếc bóp đơn giản chỉ là tiền, giấy tờ cũng chỉ là giấy lộn, điện thoại chỉ là điện thoại.

Nhưng với những người bị tai nạn giao thông nằm đó, giấy tờ, điện thoại là cả sinh mệnh, là cách để công an, bệnh viện liên hệ với người nhà báo tin tức, tới chăm sóc. Thậm chí, với những trường hợp nặng, trong cơn hấp hối, họ mong lần cuối nhìn thấy những người thân yêu của mình.

Có người có họ tên, quê quán nhưng khi nằm xuống lại là những phần mộ “vô danh”.

Và có những người, có những gia đình vẫn mòn mỏi đi tìm thân nhân mà không hề hay biết rằng con cháu họ đã chết.

Nếu vô tình nhặt được điện thoại, tài sản của người bị tai nạn giao thông, làm ơn tìm cách gửi nó lại cho lực lượng công an đang làm việc tại hiện trường, hoặc tới trụ sở công an phường gần nhất nộp lại.

"Cầm nhầm" tài sản của người khác là tội thì “cầm nhầm" tài sản của người bị tai nạn giao thông là tội ác!

Xin đừng để bất kỳ ai nhập viện phải “vô danh”…

Theo Nguyễn Trà (Pháp Luật TP HCM)