Cách lau dọn bàn thờ đón Tết Kỷ Hợi để không bị 'tán lộc'

01/02/2019 22:13:14

Hằng năm, trước khi bước sang năm mới, các gia đình Việt thường có một nghi thức rất quan trọng đó là lễ sửa bát hương, theo Phật giáo gọi là lễ bao sái . Đây là dịp để gia chủ lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới.

Thời gian tốt nhất đề làm lễ báo sái

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật VN, theo dân gian, việc dọn bát hương thường tiến hành vào sáng 23 tháng Chạp hằng năm. Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng.

Tuy nhiên, ngày nay các gia đình thường bước vào kỳ nghỉ Tết từ ngày 27 tháng Chạp, nên gia chủ có thể tiến hành lau dọn bàn thờ tổ tiên vào ngày này, hoặc 28, 29 tháng Chạp.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, không nên để bát hương từ năm này qua năm khác. Khi lau dọn bát hương chỉ nên để lại 3 chân hương. Với những bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, nếu là đàn ông thì để lại 7, còn đàn bà để lại 9 chân hương. Bát hương quan thần linh tỉa hết, chỉ giữ lại 5 chân nhang.

Cách lau dọn bàn thờ đón Tết Kỷ Hợi để không bị 'tán lộc'
Sau khi lau dọn bàn thờ, các gia đình thường tiến hành bày biện mâm ngũ quả, đồ lễ, trang hoàng nhà cửa để đón Tết.

Những bước tiến hành bao sái, rút tỉa chân hương

Theo TS Lê Xuân Phương (chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á), trước khi bao sái gia chủ nên tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo dài, mở rộng các cửa trong nhà.

Có thể chuẩn bị đĩa hoa quả tùy tâm; 10 bông cúc vàng chia làm hai bình cắm hai bên; rượu trắng, 1 củ gừng còn vỏ giã nát và khăn sạch. Giã gừng rồi đổ rượu vào, ngâm khăn vào rượu ít nhất 30 phút trước khi lau dọn. Hoặc có thể dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.

Nếu nhà có ban thờ Phật, tượng Phật, ảnh Phật thì không dùng rượu để lau, mà nên dùng khăn thấm nước sạch và phải lau bàn thờ Phật trước, sau đó mới lau dọn bà thờ gia tiên.

Tiếp theo, gia chủ thắp một nén hương, khấn xin phép gia tiên, các quan thần linh, thần tài để thông báo xin được dọn dẹp bàn thờ.

Văn khấn xin phép bao sái lau dọn (trích từ Văn khấn cổ truyền - Nhà xuất bản Văn hóa thông tin):

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày .. tháng .. năm... xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

Đợi hương tàn thì bắt đầu dọn dẹp bàn thờ

Trước tiên, hạ các đồ muốn lau dọn xuống (lưu ý: Tuyệt đối không hạ hoặc di chuyển bát hương. Theo dân gian, nếu bát hương bị di chuyển sang hướng xấu, thậm chí có thể gây ra xui xẻo cho gia chủ).

Cần chuẩn bị bàn to và cao, phủ vải hoặc giấy đỏ, hạ đồ thờ cúng (bài vị, di ảnh, bình hoa, chén nước... xuống rồi để ngay ngắn toàn bộ đồ thờ cúng lên bàn). Nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau. Không lau đồ trực tiếp trên bàn thờ.

Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng lau toàn bộ các đồ thờ. Sau đó dùng khăn khô lau lại.

Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương. Dân gian quan niệm, nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới lau sạch bát hương. Không nên cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”.

Cuối cùng, đặt lại đồ thờ cúng đúng vị trí, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo con đã xong việc.

(Bài viết lau dọn bát hương Tết Kỷ Hợi mang tính chất tham khảo).

Theo Bình An (Lao Động)