Cách dạy con tiêu tiền tiết kiệm của mẹ Việt ở Tây

01/09/2015 09:48:33

Khi con đề nghị mua sắm đồ dùng cho bản thân, tôi chia làm 3 loại: Có; không và cân nhắc.

Khi con đề nghị mua sắm đồ dùng cho bản thân, tôi chia làm 3 loại: Có; không và cân nhắc.

Con gái tôi là người Việt nhưng tôi đưa cháu sang nước ngoài sống từ nhỏ. Bây giờ con tôi 15 tuổi. Tôi không yêu cầu con phải làm việc nhà như dọn dẹp hoặc phụ giúp nấu nướng, thời gian rảnh con có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hoặc nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên tôi có dạy cho con biết làm việc nhà và biết nấu nướng cơ bản. Khi con giúp tôi lau dọn nhà cửa hoặc nấu nướng, tôi đều trả tiền công cho con bằng hoặc gần bằng tiền thuê người giúp việc. Con tôi dùng tiền đó để mua sắm những gì cháu thích. Tôi không cho con tiền tiêu vặt hàng tuần giống như các bố mẹ Tây thường làm. Con muốn có tiền tiêu vặt phải làm việc và tích lũy.

Ảnh minh họa: Time.
 
Khi con đề nghị mua sắm đồ dùng cho bản thân như đồ đi học, đồ đi chơi, quần áo giày dép và các thứ lặt văt khác, tôi chia làm 3 loại: Có; không; cân nhắc. Những thứ thật sự cần thiết được xếp vào nhóm "Có" tức là tôi sẽ mua cho con. Những thứ không cần thiết và cũng không có ích lợi gì sẽ xếp vào nhóm "Không" tức là tôi sẽ không mua cho và cũng không cho phép con mua kể cả là bằng tiền của con kiếm được. Những thứ không cần thiết nhưng cũng tốt nếu có, ví dụ như một cái váy đẹp hay một đôi giày sành điệu có thể cần đến những lúc đi chơi chẳng hạn tôi sẽ xếp vào nhóm "Cân nhắc", tức là tôi có thể đồng ý với một vài điều kiện:

Thứ nhất, khi con thích cái gì đó và muốn có bằng được, nì nèo, nài nỉ... tôi đề nghị con suy nghĩ 2 tuần, rồi sau đó nếu vẫn muốn thì lại nói chuyện với tôi. Với kinh nghiệm của tôi thì hầu hết những thứ con thích nhất thời nhưng sau 2 tuần thì không còn hứng thú nữa. Có những lúc thấy con không đả động đến món đồ đó, tôi hỏi con thì cháu bảo đã thay đổi ý định rồi và không thích cái đó nữa - tuổi teen là thế, cả thèm chóng chán.

Thứ hai, nếu con vẫn thích cái đó và nài nỉ tôi mua cho thì tôi lại áp dụng phương án thứ 2. Ví dụ sau 2 tuần thử thách mà con vẫn thích một cái váy đẹp giá 50 USD, tôi sẽ nói đồng ý nhưng thay vì mua, tôi cho con số tiền này và hỏi rằng nếu có 50 USD trong tay, con có chi hết số tiền đó để mua cái váy không? Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết tất cả những tình huống như thế con tôi đều thay đổi ý định vì cháu coi đó là tiền của mình, không nỡ tiêu số tiền này và nghĩ với 50 USD, cháu sẽ dành tiêu những thứ khác.

Ở Tây, thói quen chi tiêu theo kiểu làm đến đâu tiêu hết đến đấy, mua sắm bạt mạng nếu không thích thì không dùng hoặc vứt đi là chuyện thường. Tôi không thể để con tôi có thói quen đó được, vì thế chuyện chi tiêu tôi dạy con phải nghĩ cho kỹ xem có cần tiêu vào việc nào đó không. Tôi không dạy con mua đồ rẻ hay đắt, tôi dạy con tính đến giá trị sử dụng của món đồ mà con mua. Ví dụ, nếu con mua một cái quần bò 100 đôla nhưng con mặc cái quần đó thường xuyên vì nó đẹp, dễ chịu và tiện lợi thì còn tốt hơn là con mua một cái quần 10 đôla nhưng chỉ mặc có một lần rồi bỏ đó.

Con tôi quen với cách giáo dục của tôi nên mọi chuyện trở nên bình thường. Cháu đã phân biệt được sự khác biệt giữa kiểu của tôi và kiểu của Tây và biết nhận xét. Con nói với tôi rằng, các bạn mua một chai nước ngọt hoặc một cái sandwich, uống một ngụm hoặc ăn một miếng thấy không ngon thì vứt vào sọt rác luôn. Con bảo cháu không làm thế, cháu sẽ ăn hết, uống hết và biết là không ngon thì lần sau sẽ không mua những thứ đó nữa. Nghe thấy con kể chuyện như vậy là tôi biết con đã lớn và biết phải có trách nhiệm rồi.
 
>> 11 bài học đáng giá cha nên dạy con
 
Theo H.Anh (VnExpress.net)

Nổi bật