Có những lúc, chỉ văn thơ mới diễn tả được tâm trạng đau đớn, tan nát trong thời khắc ly biệt giữa hai con người. Thời điểm biệt ly mà kiếp này chẳng thể nào gặp lại luôn vô cùng nhiều cảm xúc.
Gặp được nhau, yêu nhau rồi về chung một nhà là hành trình dài của bất cứ cặp đôi nào. Họ yêu thương nhau, mong chung sống đến khi nhắm mắt, xuôi tay, kết thúc một cuộc đời đầy ý nghĩa. Thế nên, những nỗi đau khi bị mất đi người mình yêu thương thật khó để diễn tả bằng lời. Khó nói nhất vẫn là lời tạ từ, tiễn đưa người thương mà không hẹn ngày gặp lại.
Câu chuyện của Vũ Khoa Cát cũng như vậy. Anh đã đăng tải một bài viết về ông bà ngoại của mình lên mạng xã hội và nhận về nhiều sự chú ý. Bài viết như sau:
"Mẹ em/con mới lục ra tấm ảnh này.
Bà ngoại mất sớm, ông ngoại viết bài thơ tạ từ bà vào sau tấm ảnh chụp bà.
Ông kêu bà là Bé, mẹ kể là ông cưng bà lắm.
Bài thơ như sau:
"Tại sao Bé lại chết đi
Tình ơi tan nát còn gì nữa đâu
Cô đơn ươm chín trái sầu
Không gian tím ngát một mầu buồn tênh
Em vào giấc ngủ yên lành
Anh vào giông bão chông chênh 1 đời
Vẫy tay từ tạ môi cười
Đắng cay tột đỉnh loài người là đây".
Đi kèm với đó là bức hình trong đám cưới của ông bà Khoa Cát cũng như bản viết tay về bài thơ từ biệt vợ của ông ngoại. Nó thật sự gây nên những cảm xúc khác nhau từ cư dân mạng.
Nhiều người cho rằng, tình cảm của ông bà Khoa Cát thật sâu đậm làm sao. Tiếng lòng lúc giờ phút ly biệt lại càng đau đớn hơn nữa.
Ông ngoại của Khoa Cát tên Nguyễn Văn Đồng, là một bác sĩ. Bà ngoại tên Đỗ Thị Minh Hải, từng làm Y tá tại Bệnh viện Ung bướu.
Nói đến tình cảm của ông bà, Khoa Cát tâm sự:
"Ngày xưa đó, ông quen bà trong một lần qua nhà người bạn chơi chung, ở đó có bà nữa. Khi gặp nhau thì hai người chú ý tới nhau liền. Cả hai ông bà đều là dân Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Ông bà kết hôn vào năm 1963".
Những tấm ảnh cưới được đăng tải. Ông bà Khoa Cát xuất hiện thật sự lộng lẫy. Ông đẹp trai, bà xinh gái, duyên dáng. Hai ông bà cưới nhau về sống vô cùng hạnh phúc. Bà dịu dàng, ông lại có máu văn nghệ. Lại cùng một ngành nghề làm việc nên cả hai người có tâm hồn và suy nghĩ đồng điệu với nhau.
Thế nhưng khoảng 10 năm sau ngày cưới, vào năm 1973, bà ngoại Cát qua đời vì căn bệnh ung thư buồng trứng.
"Hồi đó mẹ mình mới khoảng 4-5 tuổi nên ấn tượng về bà ngoại trong lòng mẹ không được rõ nét hay quá sâu đậm. Tuy nhiên, mẹ luôn nhớ rằng bà ngoại rất đẹp và quý phái. Ông ngoại rất thương bà, luôn gọi bà là 'Bé' một cách đầy yêu chiều", Khoa Cát chia sẻ.
Về bài thơ tạ từ bà, ông viết ngay sau khi tang lễ được tổ chức xong xuôi. Nó chứa đựng toàn bộ sự đau đớn, tan nát của một người chồng mất vợ. Câu đầu tiên đọc lên đã cảm thấy đau đến xé lòng: "Tại sao Bé lại chết đi/Tình ơi tan nát còn gì nữa đâu".
"Cho đến bây giờ, mỗi lần nhìn lại ảnh hay đọc lại bài thơ ông gửi cho bà thì mẹ mình vẫn vô cùng xúc động. Mẹ lúc nào cũng bồi hồi như vậy hết cả với những kỷ niệm về bà. Mẹ chính là người con duy nhất của hai ông bà. Bình thường ông cũng có tâm hồn nghệ sĩ và khi bà mất đi ông đã chẳng kìm nén được, viết ra những câu thơ đó để tạ từ người vợ của mình", Khoa Cát tâm sự.
Sau này, ông của Cát cũng "đi bước nữa", cưới người vợ hai để cùng mình chăm sóc, nuôi dạy cô con gái duy nhất.
"Sau này, ông 'đi bước nữa', có thêm 2 người con một trai, một gái. Mẹ mình cũng sống chung với mẹ hai và được yêu thương, chăm sóc chu đáo. Bây giờ, mẹ với các cậu dì hay tình cảm giữa mình và các em họ, cháu họ bên ngoại vẫn rất thắm thiết", Khoa Cát chia sẻ thêm.
Đôi khi, có những sự chia ly khiến người ta phải đau đớn đến nghẹn lòng. Thật khó có thể dùng ngôn từ miêu tả được cảm giác của một người chồng mất đi cô vợ mà mình yêu thương, quý trọng nhất.
Theo An Thanh (Pháp Luật và Bạn Đọc)