Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu?

05/05/2025 14:07:37

Người vợ nhận được nhiều lời khuyên và góp ý cho bảng chi tiêu của gia đình mình.

Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu?

Người vợ "cầu cứu" khi chi tiêu tháng nào cũng bị vượt mức

Khi bước vào hôn nhân, bài toán chi tiêu rất quan trọng, nhưng cũng đau đầu phết đấy. Đặc biệt nếu gia đình nào có con, đang bước vào độ tuổi đi học thì càng khó hơn bởi sẽ có nhiều chi phí phát sinh. Như mới đây, một người vợ đã lên mạng "cầu cứu" khi số tiền chi tiêu mỗi tháng của gia đình mình đều bị vượt mức.

Cụ thể, người vợ tâm sự như sau: "Đã lên mục tiêu rất rõ ràng. Tiền lương em có là em bỏ vào từng mục nhưng đã cả năm nay tháng nào cũng bị vượt chi. Đôi lúc cũng thấy hơi nản ạ. Nhưng vẫn phải nhắc nhở bản thân kỷ luật hơn để bội chi mức thấp nhất".

Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu? - 1
Bảng chi tiêu trong gia đình. (Ảnh: Vén Khéo)

Đính kèm với dòng tâm sự, cô nàng cũng liệt kê ra những khoản chi tiêu cố định trong gia đình mình như:

"- Học phí bé lớn: 1,5 triệu

- Học phí bé nhỏ: 2 triệu

- Học thêm bé lớn: 1,4 triệu

- Học thêm bé nhỏ: 1,3 triệu

- Card điện thoại: 200k

- Tiền điện 3 nhà: 1,5 triệu

- Phí quản lý chung cư: 600k

- Tiền chồng tiêu vặt + ăn trưa...: 4 triệu

- Tiền ăn: 1,5 triệu x 4 tuần = 6 triệu

- Hoa cúng + trái cây vào rằm và mùng 1: 600k

- Hiếu, huỷ tuỳ tháng: 1 triệu

- Tiền phát sinh: 1 triệu

- Mua đồ ăn + sữa cho 2 bé: 1 triệu

Tổng cộng: 22,1 triệu."

Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu? - 2
Người vợ đã tính toán để sẵn tiền trong túi zip, nhưng cuối tháng vẫn phải xài thêm tiền từ các túi chi tiêu khác nữa.

Bên dưới bài đăng, nhiều người đã góp ý cho khoản chi tiêu của gia đình này. Nhiều người nhận xét bảng chi tiêu này đang có vấn đề, khi số tiền lớn nhất chi ra là dành cho người chồng - Cả tiền tiêu vặt và ăn trưa lên đến 4 triệu đồng, trong khi ở nhà cũng đã bao gồm cả tiền ăn rồi.

Nhiều người cũng thấy thương cho cô vợ, khi lướt vào bảng danh sách này, không có 1 khoản chi tiêu cá nhân nào dành cho chị vợ! Tất cả đều là chi cho chồng con, đồ ăn... Người vợ không có bất kì khoản trang điểm, sức khoẻ, hay chi nào đó cho bản thân.

Nhiều người cho rằng nên thay đổi và cân đối bảng chi tiêu, trong đó giảm số tiền dành cho người chồng lại. Bên cạnh đó, gia đình nên tăng tiền ăn vì hiện tại chi phí ăn mỗi ngày đang khá thấp (chỉ khoảng 100-200k).

Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu? - 3
Ảnh minh hoạ

Dưới đây là một số bình luận nổi bật:

- "Mình nhìn ảnh của bạn thì thấy phụ nữ khổ thật, chẳng thấy khoản chi nào cho bạn cả. Mình nên cắt bớt tiền tiêu vặt của chồng đi, bù sang cho vợ làm đẹp hoặc mua quần áo nữa chứ. Hoặc có thể bớt tiền tiêu vặt của chồng, bù vào tiền ăn trong gia đình. Chứ gia đình mình đang ăn ít quá".

- "Mình ghi được đâu đó 5 tháng, bỗng nhận ra số tiền chi tiêu khủng quá. Bạn đang không nói rõ mình sống ở quê hay thành phố. Nếu sống ở thành phố thì chi tiêu 20-25 triệu/tháng là bình thường, nhưng ở quê tiêu đến mức đó chắc mọi người sẽ kêu chi hoang".

- "Em cũng thế. Có lương em chia rõ ràng khoản nào ra khoản nấy rõ ràng, có thêm 1 khoản phát sinh rồi. Nhưng kiểu gì tháng nào cũng sẽ phát sinh thêm nên đôi khi thấy áp lực quá".

- "Vậy chắc bạn đang ép mục tiêu tiết kiệm cao quá. Hạ bớt chút cho đỡ mệt mỏi hơn bạn ạ. Chứ mình thì đang thấy bạn cũng không chi tiêu gì quá nhiều hay quá tay. Chỉ có tiền tiêu vặt của chồng là nên cắt bớt đi thôi bạn ạ".

Trong gia đình, vợ chồng nên thống nhất mục tiêu tài chính thế nào?

Trong cuộc sống hôn nhân, tiền bạc có thể là nguồn gắn kết hoặc nguyên nhân gây bất hòa nếu vợ chồng không thống nhất cách quản lý. Để tránh mâu thuẫn, hai người cần đồng lòng về mục tiêu tài chính và cách góp tiền vào quỹ chung, đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa hướng tới tương lai bền vững.

1. Xác định mục tiêu tài chính chung

Để tránh mâu thuẫn, vợ chồng cần bắt đầu bằng việc thống nhất mục tiêu tài chính rõ ràng. Hãy ngồi lại và thảo luận về những ưu tiên ngắn hạn (như mua đồ dùng gia đình, trả nợ) và dài hạn (như mua nhà, tiết kiệm cho con, nghỉ hưu). Ví dụ, nếu cả hai muốn tiết kiệm 100 triệu trong 3 năm để mua xe, mục tiêu này sẽ định hướng cách chi tiêu và góp tiền. Sự đồng thuận về mục tiêu giúp tránh tình trạng một người muốn tiết kiệm còn người kia chi tiêu thoải mái.

Bức ảnh chi tiêu 22 triệu/tháng, tưởng tiết kiệm nhưng vẫn bị soi thiếu 1 khoản quan trọng: Sao có thể thiếu? - 4
Ảnh minh hoạ

2. Góp tiền công bằng

Khi đã có mục tiêu chung, vợ chồng cần thống nhất cách góp tiền vào quỹ gia đình sao cho công bằng, đặc biệt khi thu nhập khác nhau. Một phương pháp hiệu quả là góp theo tỷ lệ phần trăm thu nhập, thay vì chia đều. Chẳng hạn, nếu vợ kiếm 12 triệu/tháng, chồng kiếm 18 triệu/tháng (tổng 30 triệu), và chi tiêu gia đình cần 24 triệu, vợ có thể góp 40% thu nhập của mình (4,8 triệu), chồng góp 60% thu nhập của anh ấy (10,8 triệu), phần còn lại bổ sung linh hoạt.

Cách này giảm áp lực cho người kiếm ít hơn, đồng thời thể hiện trách nhiệm chung. Vợ, với vai trò quản lý chính, có thể giữ quỹ này để phân bổ, nhưng cần minh bạch với chồng về cách sử dụng để tránh hiểu lầm.

3. Phân chia trách nhiệm rõ ràng và tôn trọng

Để góp tiền mà không gây mâu thuẫn, vợ chồng cần phân chia trách nhiệm tài chính rõ ràng, dựa trên thế mạnh và khả năng của mỗi người. Vợ có thể quản lý chi tiêu hàng ngày như thực phẩm, hóa đơn, hoặc chăm sóc con, trong khi chồng có thể phụ trách các khoản lớn hơn như tiết kiệm, đầu tư, hoặc trả góp.

Ví dụ, nếu mục tiêu là tiết kiệm 5 triệu/tháng, chồng có thể đảm nhận gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm, còn vợ giám sát ngân sách sinh hoạt. Thảo luận trước về vai trò giúp tránh tình trạng một người cảm thấy bị kiểm soát hoặc gánh vác quá nhiều. Sự tôn trọng lẫn nhau trong cách phân chia sẽ củng cố niềm tin, đặc biệt khi vợ giữ vai trò chính trong quản lý.

4. Có thể giữ khoản riêng để có sự cân bằng

Dù góp tiền vào quỹ chung, mỗi người vẫn nên giữ một khoản riêng để chi tiêu cá nhân, tránh cảm giác bị bó buộc. Sau khi góp theo tỷ lệ - như 70% thu nhập cho quỹ chung - phần còn lại (30%) có thể dùng cho sở thích cá nhân, như mua quà, giải trí, hoặc hỗ trợ gia đình nội/ngoại. Ví dụ, với thu nhập 30 triệu/tháng, vợ chồng góp 21 triệu vào quỹ chung, vợ giữ 3 triệu và chồng giữ 6 triệu cho riêng mình.

5. Thảo luận định kỳ để thấu hiểu nhau hơn

Cuối cùng, để duy trì sự thống nhất và tránh mâu thuẫn, vợ chồng cần thảo luận định kỳ về tài chính - như mỗi tháng hoặc mỗi quý. Đây là lúc xem lại mục tiêu có còn phù hợp, tỷ lệ góp tiền có cần điều chỉnh (như khi thu nhập tăng hoặc có con), và cách quản lý quỹ chung có hiệu quả không.

Nếu vợ thấy áp lực khi giữ tiền, có thể chia sẻ một phần trách nhiệm cho chồng, như để anh ấy quản lý quỹ tiết kiệm. Ngược lại, nếu chồng muốn chi tiêu nhiều hơn cho sở thích, cả hai có thể thỏa thuận giảm tỷ lệ góp tạm thời. Sự linh hoạt và thấu hiểu này không chỉ giúp tài chính ổn định mà còn biến tiền bạc thành cầu nối, thay vì rào cản, trong mối quan hệ.

Theo Hà Thi (Thanh Niên Việt)