Một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu ngoài mối quan hệ giữa phụ huynh với con cái tốt đẹp thì tình yêu của 2 bố mẹ cũng chẳng thể thiếu. Trong mắt đa số những đứa con, bố mẹ luôn là minh chứng cho một tình yêu bền lâu, gia đình hạnh phúc, và Nguyễn Trương Nhật Trường cũng có suy nghĩ như vậy.
Câu chuyện tình yêu của cha mẹ cậu đã được kể lại kĩ càng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Theo đó, bố Nhật Trường là kỹ sư xây dựng, mẹ nội trợ ở nhà, họ cưới nhau vào năm 1996.
“Năm đó hai người đi dự sinh nhật của một người bạn. Vô tình, bố mẹ có một tấm hình chụp chung với nhau. Bố thích mẹ ngay từ khi nhìn tấm ảnh đó và cố gắng ‘cưa cẩm’ cho bằng được.
Cũng khổ cho bố, bố là học sinh Cần Giờ đầu tiên đỗ ngành giáo viên nên chú tâm học hành lắm. 26 tuổi ông mới gặp được mẹ và thích luôn mẹ. Thích quá lại ít kinh nghiệm yêu đương nên vất vả lắm bố mới tìm ra phương thức để tán mẹ.
Mẹ là trẻ mồ côi. Ông ngoại mất năm mẹ 9 tuổi, 3 năm sau bà ngoại vì thương nhớ ông mà qua đời. 13 tuổi, mẹ lên Sài Gòn ở với dì dượng. Mẹ hiền lắm và lúc nào cũng biết lo toan, chăm sóc cho mọi người.
Khi ấy, bố thích mẹ và thẳng thắn muốn được là một đôi. Nhưng trái với mọi người cứ hẹn hò riêng với cô gái mình thích, bố luôn luôn đến nhà, xin phép dì của mẹ được chở mẹ đi chơi, hẹn giờ chở về nhà chứ chẳng bao giờ có kiểu đứng ở cổng chờ rồi đèo vụt đi đâu. Sự chân thành, tử tế và đến nơi đến chốn ấy đã khiến mẹ xiêu lòng”.
Đôi khi không giỏi "chiêu trò" cũng là một lợi thế, chỉ cần thực sự quan tâm và chân thành, tử tế cũng có thể giành được trái tim người đẹp. Thừa hiểu người con gái mình yêu thiếu thốn tình thương của bố mẹ từ nhỏ nên bố Trường luôn tìm cách khiến sự tin cậy của mình trong mắt cô ấy được đặt lên cao nhất.
“Hồi đó bố học cao lại tốt tính hiền lành nên mẹ cũng dần dần thích bố luôn. Đúng là tìm thấy được một người đáng tin cậy để nương tựa thì phải nhanh tay giữ lấy đó.
Bố hay đưa mẹ ra công viên đi dạo rồi xem phim ở rạp Phước Sang. Rồi bố cầu hôn khi cả hai yêu nhau được một thời gian. Bố kể rằng, bố cầu hôn mẹ bằng một cặp nhẫn 7 phân vàng mà ông dành dụm, không dám ăn tiêu suốt 9 tháng trời mới mua được.
Ngay khi được mở lời, mẹ đồng ý luôn. Cặp nhẫn đó cho đến bây giờ bố mẹ vẫn đeo và chưa từng cất đi khi nào”.
Dù bố Trường xuất thân từ một gia đình khá giả có tiếng ở huyện Cần Giờ. Bố Trường và các chú, các bác đều học cao nên ở huyện, gia đình bên nội vẫn thuộc dạng có tiếng tăm, nhưng khi biết bố Trường muốn cưới một cô gái mồ côi, ông bà nội cũng hoàn toàn ủng hộ.
“Ngày đó may mắn là họ hàng đều không phản đối gì. Mẹ mình hiền lắm, nhìn đã có cảm tình luôn rồi. Nhưng chắc ông bà nội dù có điều kiện song cũng xuất thân nhà nông nên chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa. Họ đồng ý cho đám cưới bố mẹ được tổ chức vào tháng 11/1996”, Trường chia sẻ.
Vì muốn bù đắp cho tuổi thơ không mấy hạnh phúc của vợ mà bố Trường quyết định mở một đám cưới hoành tráng.
"Ngày ấy, bố mẹ bỏ ra 10 cây vàng để tổ chức đám cưới . Số tiền đó họ đã tự dành dụm kèm theo cả mượn nữa mới đủ. 23 năm trước, bỏ ra 10 cây vàng làm hôn lễ là chuyện không phải ai cũng dám ‘liều’ đâu nhưng bố muốn thế.
Bàn tiệc thì không nhớ bao nhiêu mâm nhưng rất đầy đủ và sang trọng. Bố mẹ có cả bánh kem rồi rượu vang như bây giờ luôn đó. Mẹ mặc 5, 6 bộ váy cưới và chụp lại rất nhiều ảnh. Mình được biết quà cưới bên nội cho bố mẹ lên đến 2 cây vàng, cùng là một con số lớn hồi ấy.
Sau này gặp bố mẹ nhiều người bạn vẫn khen chuyện đám cưới linh đình năm xưa. Họ không nghĩ bố mẹ lại dám bỏ ra ngần ấy tiền cho lễ cưới hoặc nhà ông bà cho dâu cả 2 cây vàng như vậy. Kiểu ai cũng nghĩ cô gái nghèo mồ côi lấy trai nhà giàu thì bị áp bức hoặc phản đối nhưng không. Mẹ như vậy nhưng chưa từng phải làm dâu một ngày nào”.
Đám cưới xong, bố mẹ Trường cũng phải đối mặt với chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Mẹ Trường rất chịu khó nên vẫn tiếp tục bán dép lê ở chợ, phụ thêm vào kinh tế cho chồng.
“Lấy vợ xong bố thành lập công ty, mẹ chạy chợ buôn bán. Hai người cũng có để dành tiền phòng cho khi mẹ sinh nở nhưng nhiều việc xảy đến khiến tiền nong tiêu cạn. Đến lúc sắp sinh mình, bố mẹ chẳng còn đồng nào nữa. Mẹ vác bụng bầu sang nhà cô Dung là bạn thân của gia đình để mượn 100 đô rồi đến bệnh viện Từ Dũ đẻ.
Mình sinh trong bọc điều, mọi người cứ bảo kiểu gì cũng đem lại may mắn. Chẳng hiểu sao từ sau đó nhà mình làm ăn ‘phất’ lên hẳn. Bố kiếm ra nhiều tiền hơn, mẹ chẳng phải đi chợ nữa mà chỉ ở nhà nội trợ. Năm mình 9 tuổi, gia đình đã khá giả, chuyển nhà được sang một căn ở mặt tiền quận 7. Ngày đó đúng là một ngày vui đối với cả gia đình, bố mẹ cố gắng bao năm cuối cùng có hái được ‘trái ngọt'".
Trong suốt 23 năm bên nhau, bố mẹ Trường vẫn khiến con cái ngưỡng mộ bởi sự hòa hợp, tấm lòng nhân hậu và tình yêu dành cho nhau.
“Suốt từ lúc mình bé đến lớn, bố mẹ luôn không ngừng giúp đỡ người khác. Kể cả chuyện cho bà con dưới quê lên ở nhờ cũng vậy, họ tạo điều kiện hết mức có thể luôn. Mẹ thương người, bố lại luôn ủng hộ mẹ nên chẳng bao giờ có xích mích, điều tiếng hay sự khó chịu nào hết. Bố mẹ hòa hợp nhau ngay từ những vấn đề tưởng như khó khăn ấy.
Lâu lâu mẹ lại tìm tặng bố một món quà nho nhỏ xinh xinh tại bố thích trưng mấy món đồ ấy lên. Mẹ cũng không bao giờ đi du lịch nếu như bố không đi cùng. Chỉ cần mẹ cảm cúm đau đầu hay có chút xíu vấn đề gì là bố lo lắng lắm.
Bố mẹ cũng có lúc giận nhau chứ. Bố thì nóng tính, mẹ thì hay dỗi nhưng chỉ giận có xíu thôi. Mẹ nhanh nguội lắm, bố dỗ tí xíu là được liền. Nếu như có vụ nào xích mích lớn thì cũng chỉ cần mấy ngày là bố đã tìm cách làm lành rồi mua quà tặng mẹ ngay”, Trường hào hứng kể thêm.
Bố mẹ là hình mẫu gia đình lý tưởng cho cậu nhìn theo. Sự hòa thuận, yêu thương và hạnh phúc của bố mẹ khiến Trường cũng ước ao sau này có tổ ấm hạnh phúc như thế.
“Bố mẹ hay đi du lịch lắm, Tết là đi ngay từ mùng 2. Họ luôn tâm niệm, đi để hưởng thụ chứ ở nhà hoài rất chán. Sau mỗi chuyến đi, có thêm kỷ niệm bên nhau thì tình cảm giữa bố mẹ càng thắm thiết. Bây giờ nhìn cuộc sống của họ, nhiều người năm xưa theo đuổi bố hay mẹ cũng ghen tị luôn đó”, Trường tự hào kể.
Dung (SHTT)